Thứ bảy, 15/01/2022, 12:00
Qatar và tham vọng trở thành 'thánh địa nghệ thuật' của Trung Đông
Qatar vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng chương trình nghệ thuật công cộng của nước này, trước khi chuẩn bị đăng cai tổ chức Fifa World Cup 2022.
Theo đó, hơn 40 tác phẩm nghệ thuật trong nước và quốc tế sẽ được trưng bày ở khắp các không gian công cộng ở thủ đô Doha và các thành phố lân cận.
Tiên phong cho sáng kiến này, Bảo tàng Qatar (Qatar Museums), một đơn vị thuộc quản lý nhà nước, trực thuộc nhiều tổ chức văn hóa quốc gia Qatar, cho biết: hơn 40 tác phẩm được trưng bày tại nơi công cộng đều là những tác phẩm mới, được ủy quyền của các nghệ sĩ Qatar và quốc tế. Trong một thông cáo báo chí, họ đã nói rằng họ muốn biến cảnh quan đô thị địa phương trở thành "một trải nghiệm bảo tàng nghệ thuật rộng lớn ngoài trời".
Bảo tàng quốc gia.
"Trong khi phần còn lại của thế giới đang hướng mắt về Doha, chúng tôi nghĩ rằng giới thiệu nét đẹp của nghệ thuật địa phương là một trong những cách tốt nhất để quảng bá hình ảnh của nước mình ra thế giới", Abdulrahman Ahmed Al-Ishaq, Giám đốc Nghệ thuật Công cộng của Bảo tàng Qatar chia sẻ.
Trưng bày nghệ thuật
Việc lắp đặt không gian cho các tác phẩm nghệ thuật đã được thực hiện một cách nhanh chóng, và các tác phẩm lớn sẽ xuất hiện tại các quảng trường công cộng, trung tâm mua sắm, trường học, trung tâm thể thao, nhà ga, sân bay quốc tế Hamad cũng như một số sân vận động được thiết lập để tổ chức các trận đấu của World Cup 2022.
"Tất cả các tác phẩm nghệ thuật chúng tôi đang trưng bày đều phù hợp với bối cảnh của Doha và Qatar", Al-Ishaq nói, "Mỗi tác phẩm sẽ phản ánh những khía cạnh khác nhau về đất nước của chúng tôi".
Một ví dụ là tác phẩm "Falcon" (Chim ưng) của nhà điêu khắc Hà Lan Tom Claassen bên ngoài sân bay quốc tế Hamad - một hình ảnh trừu tượng bằng vàng của loài chim quốc gia Qatar vừa được trưng bày trong mùa hè vừa qua.
Gần Nhà hát Quốc gia là tượng đài "Two Orchids" (Hai bông lan) của nghệ sĩ Đức Isa Genzken, một tác phẩm điêu khắc lớn được ví như một phiên bản lý tưởng của loài thực vật tượng trưng cho mối quan hệ giữa kiến trúc, thiên nhiên và văn hóa đại chúng.
Tác phẩm "Two Orchids" (Hai bông lan) (2015) của Isa Genzken. - Ảnh: Qatar Museum
Al-Ishaq cũng cho biết, việc đặt tác phẩm "Two Orchids" của Genzken trong khu vườn của Nhà hát Quốc gia là vì nơi đây là một trong những công trình kiến trúc lâu đời nhất của thành phố, gắn liền với vẻ đẹp cũng như sự sang trọng của nghệ thuật, và bông hoa lan của Genzken sẽ như một biểu tượng làm tôn lên vẻ đẹp vốn của của nhà hát.
Mặc dù danh sách về nghệ sĩ và các tác phẩm trưng bày vẫn chưa được công bố đầy đủ, nhưng nhiều cái tên nổi tiếng, đầy tài năng ở cả Qatar và nhiều quốc gia khác cũng đã được xác nhận.
Trong số đó có Ahmed Al Bahrani - một nhà điêu khắc người Iraq sống lưu vong tại Qatar, được biết đến với những tác phẩm mang đậm dấu ấn chính trị của cộng đồng người Ả Rập như về chiến tranh, sự di dân và cả những hồi ức, cùng với Faraj Daham - một người luôn tập trung vào những thay đổi về kiến trúc, đô thị quốc gia và những hệ quả kinh tế, chính trị, xã hội phát sinh từ những thay đổi đó.
Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của một số tài năng như: Simone Fattal - nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Liban với các tác phẩm về chiến tranh, di cư, phong cảnh, tôn giáo và thần thoại cổ đại; Shua'a Ali - nghệ sĩ thị giác người Qatar, cũng là người sẽ ra mắt tác phẩm đầu tiên của mình trước chúng - tác phẩm điêu khắc trừu tượng mang tên "Tawazun" (một từ tiếng Ả Rập có nghĩa là "sự cân bằng").
Tác phẩm "Tawazun" (Sự cân bằng) của Shua'a Ali là một cột trụ được làm từ các vật liệu như đá granit, đá sa thạch, đá vôi và đá cuội ở cả dạng hữu cơ và dạng hình học. Đây là bản dựng sẵn của tác phẩm và sẽ được trưng bày vào năm 2022. - Ảnh: Qatar Museum
"Tawazun" gồm các chi tiết đá xếp chồng lên nhau thể hiện "sự tiến bộ" của đất nước và "sự cân bằng" giữa các yếu tốt truyền thống và hiện đại trong cuộc sống hàng ngày.
Ali chia sẻ rằng, cô cảm thấy vô cùng tự hào và vinh dự khi tác phẩm của mình sẽ được trưng bày ở trung tâm thành phố Doha, đây sẽ là cơ hội lớn để cô và tác phẩm "Tawazun" tiếp cận với khán giả toàn cầu, "Chương trình nghệ thuật công cộng sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ trong tương lai".
“Thánh địa nghệ thuật”
Con đường đến với World Cup 2022 không còn xa nữa, tuy nhiên, trước thềm diễn ra giải vô địch bóng đá đỉnh cao này, Qatar đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích liên quan đến việc đối xử thiếu công bằng với công nhân nhập cư và đạo luật chống đồng tính luyến ái.
Vào tháng 11 vừa qua, để giải quyết vấn đề về đạo luật phân biệt chống lại người đồng tính, ông Nassar Al Khater - Giám đốc điều hành của Fifa World Cup Qatar 2022 đã chia sẻ với CNN rằng sẽ không có bất kỳ ai phải cảm thấy bị đe dọa khi đến thăm Qatar. "Qatar là một đất nước giàu tình yêu thương và vô cùng hiếu khách, cánh cửa của chúng tôi sẽ luôn rộng mở để chào đón bạn".
Và đương nhiên, các sáng kiến quảng bá văn hóa như chương trình nghệ thuật công cộng cũng là một trong những phần quan trọng nhằm giúp thế giới thay đổi nhận thức về đất nước Qatar.
Al-Ishaq cho biết: "Chương trình này được thực hiện với mục đích mang đến cái nhìn tổng thể về bản sắc và văn hóa của chúng tôi, bất kể là trong quá khứ hay hiện tại. Đây là một lời mời để thế giới hướng điểm nhìn về Qatar - một đất nước với vẻ đẹp đặc trưng chứ không phải chỉ vì World Cup 2022".
Chương trình nghệ thuật công cộng lần đầu tiên ra mắt vào năm 2013 với loạt tác phẩm nghệ thuật bao gồm tác phẩm "The Miraculous Journey" (Hành trình kỳ diệu) gây tranh cãi của nghệ sĩ người Anh Damien Hirst, ông đã trưng bày 14 tác phẩm điêu khắc bằng đồng về một bào thai từ khi thụ thai cho đến khi được sinh ra tại Trung tâm Nghiên cứu và Y tế Sidra. Tác phẩm sắp đặt này thể hiện hình ảnh tinh trùng đang kết hợp với trứng nằm ngay bên cạnh một cậu bé khổng lồ đang khỏa thân. Sau khi nhận làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, tác phẩm đã được chỉnh sửa lại vào năm 2018.
The Miraculous Journey" (Hành trình kỳ diệu) (2018) là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ Damien Hirst, được trưng bày bên ngoài Trung tâm Nghiên cứu và Y tế Sidra ở thủ đô Doha. - Ảnh: AFP/Getty/Stringer
Ali Hassan - tác giả của "Desert Horse" (Ngựa sa mạc) đã chia sẻ rằng: "Việc tác phẩm của mình để lại dấu ấn trên những địa danh quan trọng như vậy là ngoài sức diễn tả với tư cách là một nghệ sĩ Qatar, điều này không chỉ mang lại ý nghĩa to lớn đối với địa phương mà còn khiến công chúng trên toàn thế giới được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nghệ thuật của Qatar".
"Desert Horse" (Ngựa sa mạc) của Ali Hassan là một bức tranh miêu tả bán trừu tượng về một con ngựa theo phong cách viết chữ nghệ thuật. - Ảnh: Qatar Museum
Chương trình này cũng đã được mở rộng nhằm thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đương đại và cả những người dân địa phương, trong đó có lời kêu gọi gửi đến các sinh viên, khuyến khích người trẻ tuổi tạo ra các tác phẩm nghệ thuật công cộng tạm thời từ nguồn vật liệu tái chế.
"Sự tham gia của đông đảo công chúng đã khiến mọi người đến gần hơn với nghệ thuật, họ sẽ cảm thấy tự do và thoải mái hơn so với việc phải đến bảo tàng để được chiêm ngưỡng các tác phẩm", Al-Ishaq cho biết, "Mục tiêu của chúng tôi ở tất cả các dự án liên quan là làm cho nghệ thuật trở thành một phần trong kết cấu đô thị của Qatar".
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, kế hoạch của đất nước này thậm chí còn tham vọng hơn nhiều. "Chúng tôi muốn Qatar trở thành trung tâm nghệ thuật chính của khu vực", Al-Ishaq nói, "Trở thành thánh địa nghệ thuật của Trung Đông".
(Nguồn: Tạp chí du lịch)