Thứ sáu, 10/12/2021, 13:30
Phát hiện hành tinh mới có đường kính hơn 9.000 km
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã phát hiện ra GJ 367b, một hành tinh cách Trái đất 31 năm ánh sáng.
GJ 367b phải tiếp xúc với mức độ bức xạ cực cao.
Đây là một trong những hành tinh nhẹ nhất trong số gần 5.000 ngoại hành tinh được biết đến ngày nay.
Nó có đường kính chỉ hơn 9.000 km - lớn hơn một chút so với sao Hỏa. Các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu này thể hiện một bước tiến trong việc tìm kiếm “Trái đất thứ hai”. Bởi, nhờ phát hiện này, các nhà thiên văn học có thể xác định đặc tính của những hành tinh thậm chí rất nhỏ.
Đồng tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Vincent Van Eylen thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học Vũ trụ UCL Mullard cho biết: “Trong nghiên cứu mới này, kích thước và khối lượng của hành tinh được tính toán bằng hai phương pháp. Cả hai đều liên quan đến việc phân tích ánh sáng của ngôi sao hành tinh".
Nghiên cứu có sự tham gia của 78 nhà khoa học và được dẫn đầu bởi các nhà thiên văn học tại Viện Nghiên cứu Hành tinh thuộc Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR).
Trong khi đó, tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Kristine Lam, thuộc DLR, cho biết: “Từ việc xác định chính xác bán kính và khối lượng của nó, GJ 367b được xếp vào loại hành tinh đá. GJ 367b được coi là một trong số các hành tinh đá có kích thước bằng 1/2 Trái đất. Phát hiện đã đưa nghiên cứu lên một bước tiến mới trong quá trình tìm kiếm ‘Trái đất thứ hai’”.
GJ 367b thuộc nhóm ngoại hành tinh “chu kỳ cực ngắn” (USP) quay quanh ngôi sao của chúng trong vòng chưa đầy 24 giờ. “Chúng tôi đã biết một vài trong số này, nhưng nguồn gốc của chúng hiện vẫn chưa được làm rõ. Bằng cách đo các đặc tính cơ bản chính xác của hành tinh USP, chúng ta có thể có được cái nhìn sơ lược về lịch sử hình thành và tiến hóa của chúng”, Tiến sĩ Lam cho biết.
Với sự kết hợp của các phương pháp đánh giá khác nhau, nhóm nghiên cứu đã xác định được bán kính và khối lượng của hành tinh. Theo đó, GJ 367b có bán kính bằng 72% của Trái đất. Trong khi đó, khối lượng của nó bằng 55% của Trái đất.
Bằng cách xác định bán kính và khối lượng của hành tinh với độ chính xác lần lượt là 7 và 14%, các nhà nghiên cứu cũng có thể đưa ra kết luận về cấu trúc bên trong của GJ 367b. Kết quả cho thấy, mật độ đá của hành tinh này cao hơn Trái đất.
Tuy nhiên, việc GJ 367b ở gần ngôi sao của nó đồng nghĩa với việc phải tiếp xúc với mức độ bức xạ cực cao. Mức độ này mạnh hơn 500 lần so với những gì Trái đất trải qua. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh có thể lên đến 1.500 độ C. Ở nhiệt độ này, tất cả các loại đá và kim loại sẽ bị nung chảy.
(Nguồn: Báo Giáo Dục & Thời Đại)