Thứ năm, 26/05/2022, 11:30
Phát hiện di tích hang động tiền sử tại tỉnh Bắc Kạn
Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn cùng các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện di chỉ hang Thẳm Un khi tiến hành đợt điều tra, nghiên cứu tại địa bàn xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Thông qua bộ di vật được phát hiện, các nhà khảo cổ học cho rằng đây là một di tích tiền sử quan trọng của tỉnh Bắc Kạn.
Hang Thẳm Un, xã Quảng Khê.
Hang Thẳm Un là tên gọi bằng tiếng Tày đã có từ lâu đời, quá trình nghiên cứu điền dã tại địa phương chưa có ai cắt nghĩa hay giải thích được xuất xứ tên gọi này. Đây là một hang đá vôi, cửa hình vòm hướng Đông chếch Bắc, cửa hang cao hơn so với chân núi khoảng 20m.
Hang có vị trí phân bố trong một thung lũng kín, bao bọc xung quanh bởi các núi đá vôi, trông ra một thung lũng nhỏ. Ngay trước cửa hang là dòng suối nhỏ chảy theo hướng từ Đông sang Tây. Con suối này hợp lưu ở gần cuối Bản Pjạc với dòng suối khác từ xã Hoàng Trĩ chảy đến, rồi cùng chảy ra sông Chợ Lèng- một trong những dòng sông chính cung cấp nước cho hồ Ba Bể.
PGS.TS Trình Năng Chung (Hội Khảo cổ học Việt Nam) và PGS.TS Nguyễn Quang Miên (Viện Khảo cổ học) nghiên cứu, khảo sát địa điểm hang Thẳm Un.
Hang Thẳm Un, cách hang Thẳm Thinh- di chỉ khảo cổ học hậu kỳ đá cũ khoảng 2km theo đường thẳng về phía Đông. Khu vực cửa hang được chia thành hai ngăn (phía Đông và phía Tây) bởi một khối đá lớn. Ngăn phía Đông có diện tích khoảng 200m2, toàn bộ khu vực này nhận được ánh sáng tự nhiên. Ngăn phía Tây rộng khoảng 100m2, ăn sâu vào lòng núi theo hướng Bắc Nam. Khắp bề mặt hang có nhiều tảng đá, nhũ đá rơi từ trần hang xuống do những biến động địa chất xảy ra trong lịch sử.
Khảo sát toàn bộ bề mặt hang, các nhà khảo cổ học đã thu được 02 mảnh gốm thô, 94 di vật đá với kỹ thuật chế tác chủ đạo công cụ ghè đẽo. Kết quả khảo sát cũng cho thấy một phần nhỏ bề mặt hang đã bị xáo trộn do hoạt động nuôi nhốt gia súc của con người thời hiện đại.
Công cụ ghè đẽo phát hiện tại hang Thẳm Un, xã Quảng Khê.
Đoàn điều tra, thám sát khảo cổ học đã đào thám sát một hố nhỏ 3m2 ở trung tâm ngách hang phía Đông. Kết quả cho thấy tầng văn hóa của di chỉ dày 0,8m, với 2 tầng văn hoá nằm trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách. Trong đó, tầng văn hóa sớm nằm phía dưới, dày từ 0,60m đến 0,65m có độ kết cấu khá cứng, được hình thành bởi đất sét trong hang đá có màu nâu sẫm, chứa di vật là những công cụ đá ghè đẽo, xen lẫn xương răng động vật, vỏ ốc. Tầng văn hóa muộn nằm ở lớp trên cùng có kết cấu bở rời, màu xám nhạt, chứa ít di vật khảo cổ.
Trong hố đào đã phát hiện được 4 bếp lửa ở các vị trí và độ sâu khác nhau. Chưa phát hiện được dấu tích mộ táng. Cùng với đó, đã phát hiện tổng cộng 692 di vật đá, 08 mảnh gốm thô. Di vật đá thu được chủ đạo là công cụ đá ghè đẽo gồm các loại hình rìa lưỡi ngang, rìa lưỡi dọc, hình đĩa, hình bầu dục, mũi nhọn, nhiều rìa lưỡi, mảnh tước, công cụ mảnh tước bàn mài, chày nghiền…
Gốm thô phát hiện tại hang Thẳm Un.
Di vật đặc trưng cho lớp văn hóa muộn là 01 rìu vai xuôi mài toàn thân (đã bị gãy phần lưỡi) lần đầu tiên được phát hiện trong địa tầng văn hóa tại Bắc Kạn. Đồ gốm đều là những mảnh vỡ từ nhiều loại hình khác nhau, xương gốm xốp, độ nung thấp, nặn bằng tay với hoa văn trang trí là văn thừng hoặc văn khắc vạch với những đường cong mềm mại xen kẽ là các nét chấm dải.
PGS.TS Trình Năng Chung, chuyên gia chuyên môn của đoàn khảo sát cho biết: "Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, vào kết cấu và tuổi trầm tích địa tầng văn hoá, bước đầu chúng tôi cho rằng hang Thẳm Un là một di tích cư trú của nhiều thế hệ người tiền sử. Lớp cư dân sớm thuộc vào giai đoạn văn hóa Bắc Sơn muộn có niên đại từ 6.000 năm đến 5.000 năm cách ngày nay. Lớp cư dân muộn thuộc thời kỳ hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí có niên đại trên dưới 4.000 năm cách ngày nay".
Rìu vai xuôi và đá có vết mài hang Thẳm Un.
Với việc phát hiện di chỉ hang Thẳm Un đã góp phần củng cố thêm nhận thức về sự sinh sống, phát triển liên tục của con người từ thời hậu kỳ Đá cũ cho đến sơ kỳ Kim khí ở khu vực vùng hồ Ba Bể nói nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Đồng thời, góp phần làm sáng tỏ cho sự phát hiện lẻ tẻ các loại hình di vật rìu đá, xẻng đá ở các xã Đồng Phúc, Quảng Khê, Hoàng Trĩ. Đây là một di tích tiền sử quan trọng, rất cần được nghiên cứu, khai quật cũng như xây dựng phương án bảo vệ, phát huy giá trị phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
(Nguồn: baobackan.com.vn)