Thứ tư, 06/09/2023, 13:30
Pháp cấm dùng từ 'thịt' mô tả thực phẩm chay
Chính phủ Pháp vừa công bố đề xuất sửa đổi loại bỏ các từ ngữ liên quan thịt như “bít tết”, “thịt nướng” hay “sườn non” trên nhãn dán thực phẩm nguồn gốc thực vật nhằm giải quyết tranh cãi về “thông tin sai lệch” khiến người tiêu dùng mơ hồ đối với một số sản phẩm thay thế thịt hiện nay.
Thịt xông khói chay của công ty thực phẩm La Vie. Ảnh: Getty Images.
Hồi tháng 6/2022, Chính phủ Pháp thông qua lệnh cấm các nhà sản xuất dùng từ ngữ liên quan thịt và cá để mô tả sản phẩm không có nguồn gốc động vật. Ðộng thái trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường đạm (protein) từ thực vật gia tăng trên toàn cầu những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng về thực phẩm lành mạnh và thân thiện môi trường. Vấn đề là ngành này thường sử dụng các tài liệu tham khảo liên quan sản phẩm thịt, khiến người chăn nuôi cũng như chế biến thịt ở Pháp tức giận và lên tiếng phản đối.
Theo nông dân và những công ty trong chuỗi cung ứng thịt ở Pháp, các thuật ngữ như “bánh mì kẹp thịt làm từ thực vật” hoặc “xúc xích thuần chay” khiến người tiêu dùng bối rối. Ðối với hành động của chính phủ, các nhà sản xuất thịt chia sẻ đây là bước đi minh bạch giúp người dùng biết chính xác họ ăn cái gì. Một số chuyên gia ngành công nghiệp thịt heo còn muốn đẩy quy định lên tầm mới, đó là phải bảo vệ tên các loại động vật để chúng không được dùng trong những kiểu thịt sản xuất từ nấm hay tế bào protein trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng động thái trên là không cần thiết và có thể gây hại cho ngành công nghiệp thịt thay thế tốt cho môi trường.
Và sau một tháng áp dụng, quyết định trên bị tòa án hành chính cấp cao nhất tại Pháp đình chỉ vào tháng 7/2022 vì lý do quá mơ hồ và ít thời gian cho ngành công nghiệp thực phẩm thực hiện những thay đổi phù hợp. Trong nỗ lực giải quyết tranh cãi, Chính phủ Pháp ngày 4/9 công bố quy định sửa đổi, liệt kê 21 từ dùng mô tả protein nguồn gốc động vật sẽ bị cấm trên sản phẩm nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như “bít tết, sườn non, giăm bông, thịt nướng hay thịt rút xương”. Tuy nhiên, hơn 120 từ khác liên quan thịt như “thịt nguội, thịt gia cầm, xúc xích hoặc thịt xông khói” vẫn được cấp phép với điều kiện không vượt quá lượng protein thực vật
nhất định.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau cho biết dự thảo quy định mới đáp ứng mong đợi chính đáng của người tiêu dùng và nhà sản xuất về sự trung thực đối với thực phẩm. Nó cũng phản ánh mong muốn của chính phủ chấm dứt những tuyên bố sai lệch khi sử dụng tên liên quan thịt động vật cho những thực phẩm không chứa chúng. Là quốc gia có truyền thống ăn thịt và sản xuất nông nghiệp lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), Pháp sẽ là thành viên đầu tiên trong khối áp đặt hạn chế sử dụng từ ngữ về thịt trên các nhãn hiệu thuần chay. Hãng tin Reuters cho biết, qui định mới chỉ áp dụng cho sản phẩm chay sản xuất và bán tại Pháp. Hiện văn kiện này đã được đệ trình lên Ủy ban châu Âu để xem xét.
Ý hồi tháng 3 cũng đã xem xét hạn chế dán nhãn “thịt” trên sản phẩm nguồn gốc thực vật. Theo các nhà lập pháp nước này, việc sử dụng như vậy khiến người tiêu dùng đưa ra những giả định sai lầm, chẳng hạn như sản phẩm nguồn gốc thực vật có thành phần dinh dưỡng như thịt. Một số quốc gia khác như Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có hạn chế về ngôn ngữ tương tự trong khi hơn ½ số bang ở Mỹ siết chặt các tiêu chuẩn ghi nhãn sản phẩm có nguồn gốc thực vật và thịt nuôi cấy.
Theo tổ chức ProVeg International, thực phẩm nguồn gốc thực vật thải ra một nửa lượng khí nhà kính so với thực phẩm nguồn gốc động vật. Và biện pháp hạn chế của Ý hay Pháp bị coi là bước lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
(Nguồn: Cần Thơ Online).
Link gốc: https://baocantho.com.vn/phap-cam-dung-tu-thit-mo-ta-thuc-pham-chay-a163867.html