Đang tải ...
  
Biết để khỏe

Thứ tư, 24/11/2021, 10:30

Pfizer quyết tâm bảo vệ công thức vaccine Covid-19

Giám đốc hãng dược Pfizer cho rằng các công ty khác sẽ mất nhiều thời gian để thiết lập cơ sở sản xuất mRNA phức tạp khi được chuyển giao công nghệ vaccine.

Tháng 7, trong một hội nghị trực tuyến, Tedros Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ trích việc các nhà sản xuất vaccine chạy theo lợi nhuận, dồn nguồn cung cho các nước giàu có. Giám đốc hãng dược Pfizer Albert Bourla thẳng thắn gọi đây là tuyên bố "đầy cảm tính".

Cuộc trao đổi của hai nhân vật quyền lực nhất trong cuộc chiến Covid-19 cho thấy một hiện thực: tình trạng bất bình đẳng về vaccine không tự nhiên xảy ra. Nó là kết quả từ các quyết định của quan chức chính phủ và giám đốc điều hành hãng dược. Gần một năm sau những liều vaccine đầu tiên, các nhà sản xuất phương Tây và giới chức y tế các nước vẫn đang rất khó có được quan điểm chung nhằm rút ngắn khoảng cách tiếp cận vaccine. Đầu tháng 11, chỉ 6% người dân châu Phi được tiêm vaccine, trong khi vaccine tràn ngập ở châu Âu và Mỹ.

Điểm mấu chốt trong nỗ lực đó là quyền sử dụng công thức vaccine bí mật trị giá hàng tỷ USD. Pfizer ngày 16/11 tuyên bố cho phép 95 nước đang phát triển sản xuất thuốc trị Covid-19 hãng đang phát triển, nhưng dường như không hề có ý định tương tự với vaccine.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chạy đua, các nhà sản xuất có lập trường giống nhau. Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson dành hầu hết nguồn cung vaccine cho các nước giàu có.

Pfizer củng cố vị thế dẫn đầu, dự kiến thu về 36 tỷ USD trong năm nay. Những tháng gần đây, hãng đã mở rộng nguồn cung đến các nước thu nhập thấp và trung bình. Tính đến 7/11, Pfizer vận chuyển 658 triệu liều vaccine đến nhóm nước này. Cuối năm, con số ước đạt 1,1 tỷ liều.

Tuy nhiên, gần hai năm đại dịch, Giám đốc điều hành Pfizer vẫn kiên định với một lập trường: hãng sẽ không chia sẻ công thức vaccine. Các nước đầu ngành công nghiệp dược phẩm như Ấn Độ, Nam Phi thúc đẩy Tổ chức Thương mại Thế giới hủy bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Ông Bourla thẳng thắn phản đối chính sách này.

"Đề xuất miễn trừ (quyền sở hữu trí tuệ) đưa ra dựa trên một quan niệm sai lầm, rằng việc tiếp cận vaccine bị hạn chế là do năng lực sản xuất hiện tại. Thực tế, ngành công nghiệp đang trên đà cung ứng đủ cho toàn thế giới vào giữa năm sau", Pfizer tuyên bố.

Các hãng dược có lập luận tương tự. Họ cho biết việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không giúp tiêm chủng cho người dân toàn cầu nhanh chóng hơn.

"Nếu bạn để ngành công nghiệp hiện tại làm việc chăm chỉ, đáp ứng những gì họ cần đáp ứng, như Albert (Bourla) đã nói, tôi nghĩ nguồn cung sẽ đủ", Paul Stoffels, Giám đốc khoa học của Johnson & Johnson, cho biết.

Ông chỉ ra rằng các nhà sản xuất hiện tại đã mất tới 18 tháng để thiết lập các nhà máy và vận hành chúng với công suất tối đa. Các công ty khác, dù được chuyển giao công nghệ, sẽ mất nhiều thời gian hơn. Việc thiết lập cơ sở sản xuất mới ở nhiều quốc gia không khả thi, không nhanh chóng và thiếu hiệu quả.

Chuyên viên làm việc tại cơ sở sản xuất vaccine Afrigen Biologics Limited ở Cape Town, ngày 12/7 - Ảnh: Bloomberg

Thực tế, các chỉ trích nhắm đến Pfizer xuất hiện sau nỗ lực phát triển loại vaccine cần thiết đẩy lùi Covid-19. Những ngày đầu đại dịch, công ty đã dốc toàn lực tìm ra công thức hiệu quả, hoàn thiện vaccine trong thời gian kỷ lục. Đây được coi là một trong những đột phá mạnh mẽ và vĩ đại nhất lịch sử.

Thiếu đi sự dẫn dắt của Bourla, giấc mơ vaccine đó sẽ không thành hiện thực. Với tư cách giám đốc điều hành, ông đánh một canh bạc liều lĩnh khi hợp tác với BioNTech để phát triển loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA hoàn toàn mới, chưa được chứng minh trước đây. Ông thậm chí cho xây dựng hệ thống trữ đông công nghệ cao của riêng Pfizer, nhằm bảo quản vaccine ở nhiệt độ -70 độ C trong quá trình giao hàng.

Công thức bí mật mà Bourla đang bảo vệ phức tạp hơn nhiều so với hình dung. Vaccine Pfizer chứa hơn 280 thành phần, do 19 quốc gia cung cấp. Nhiều thành phần trong đó cũng được bảo hộ độc lập dưới các hình thức khác nhau. Để xin quyền sản xuất vaccine, một công ty sẽ phải thương thảo với tất cả các bên, có giấy phép sở hữu trí tuệ từ lipid đến các sợi mRNA.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ công nghệ mRNA giúp Moderna và Pfizer thu được khoản lợi trực tiếp, giữ vững ưu thế cạnh tranh, không chỉ trong việc bán vaccine. Ngoài khoản thu hơn 53 tỷ USD trong năm nay từ đại dịch, mRNA còn có nhiều tiềm năng sinh lời khác, chẳng hạn trong điều chế thuốc ung thư, HIV và sốt rét.

Nhằm giải quyết vấn đề nguồn cung, tháng 6, Pfizer đồng ý bán một tỷ liều vaccine với giá gốc để Mỹ viện trợ các nước thu nhập thấp. Sau khi thực hiện thỏa thuận đó, Pfizer từ chối đàm phán cung cấp vaccine cho sáng kiến Covax.

"Ý của họ là ‘hãy để chúng tôi kiểm soát nguồn cung. Chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia và đóng góp nhiều vaccine hơn'. Ngành công nghiệp biết rằng từ bỏ (bằng sáng chế) là mối đe dọa với mô hình kinh doanh của họ", Brook Baker, giáo sư luật tại Đại học Northeastern, nhận định.

Theo các chuyên gia, thông điệp của ông Bourla cho các nước nghèo là hãy nhanh tay mua vaccine Pfizer bởi sản phẩm được bán với giá thấp. Với các nước giàu, ông so sánh giá vaccine (20 USD) với một bữa ăn bình thường. Ở quốc gia thu nhập trung bình, giá chỉ bằng một nửa và còn rẻ hơn nữa so với các nước nghèo.

Ông Bourla thẳng thắn cho biết Pfizer không phân bổ vaccine dựa trên tỷ lệ mắc Covid-19 của từng quốc gia. "Chúng tôi quyết định dựa vào số lượng vaccine sẵn có và nước nào có nhu cầu mua. Hầu hết các thoả thuận hiện tại là với nước thu nhập cao", ông nói.

Tháng 7, Pfizer tuyên bố ký dự định thư với công ty sinh phẩm Nam Phi Biovac để sản xuất vaccine cho người châu Phi. Tuy nhiên, Biovac chỉ có vai trò đóng chai mà không sản xuất theo quy trình công nghệ. Vaccine thực tế sẽ được làm tại châu Âu. Mục tiêu của hãng là cung cấp 100 triệu liều vaccine mỗi năm cho châu Phi.

Tháng 8, Pfizer ký thỏa thuận đóng chai tương tự với hãng Eurofarma Laboratorios của Brazil. Cuối tháng 10, đối tác BioNTech công bố biên bản ghi nhớ với chính phủ Rwanda, Senegal và Viện Pasteur nhằm xây dựng cơ sở sản xuất vaccine mRNA ở châu Phi giữa năm 2022.

(Nguồn: VnExpress)

Chia sẻ

Xem nhiều

10 mẹo đi bộ hiệu quả phù hợp với mọi lứa tuổi

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829