Thứ hai, 03/04/2023, 14:00
Nữ già làng trên đỉnh Trường Sơn
Kế tục sợi dây truyền thống của người chồng già làng, 8 năm qua, bà Hồ Thị Phuôn ở thôn Pa Tầng (xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) đã đi đầu, nêu gương và đồng hành cùng bà con đồng bào thiểu số Vân Kiều nơi đây bỏ dần các hủ tục, thực hiện lối sống văn minh và phát triển kinh tế.
Già làng Hồ Thị Phuôn động viên dân bản chí thú làm ăn.
Trách nhiệm nặng nề
Bước qua tuổi 75, đôi chân già Phuôn vẫn còn dẻo dai, trí óc tinh anh. Người Vân Kiều ở thôn Pa Tầng đã quen thuộc với lời hỏi thăm hào sảng của già Phuôn khi bà vừa đặt chân lên bậc thang thứ nhất của nhà sàn. Tuần nào cũng vậy, già Phuôn tranh thủ thời gian đi hỏi han từng nhà, tháo gỡ những vướng mắc của người dân trong bản và động viên, nhắc nhở các cháu nhỏ chăm tới trường.
Già Phuôn bấm đốt ngón tay: “Mới đó đã 8 năm, tôi đảm nhận trọng trách già làng. Ngày đầu nhiều khó khăn, bây giờ bà con đã tin những gì mình nói và làm, cuộc sống thay đổi nhiều nên tôi vui lắm”. Năm 2015, sau khi chồng bà Phuôn là ông Hồ Văn Thọ mất, theo truyền thống kế tục già làng, bà Phuôn được các dòng họ ở Pa Tầng cử làm già làng.
“Cuộc họp thôn hôm đó chỉ mình tôi là phụ nữ. Các đại diện đứng đầu 5 dòng họ trong thôn hỏi tôi có thể kế nối được vị trí chồng mình để lại hay không? Các vị ấy mời tôi giữ vị trí này để thay mặt bà con Vân Kiều trong thôn “kết nối” với thần linh nhưng cũng giao hẹn, nếu tôi không “mát tay” trong các lễ cúng, không truyền đạt được ý nguyện an lành của người dân đến thần linh thì sẽ tiến cử người khác. Tôi cũng lo lắm, cứ sợ mình không mang lại nhiều điều may mắn cho bà con dân bản. Tôi đã nỗ lực hết mình để xứng đáng với vai trò của già làng”, bà Phuôn chia sẻ.
Nhiều năm giúp chồng sắm sửa các lễ vật, tham gia nghi lễ cúng truyền thống của đồng bào Vân Kiều nên khi đảm nhận vai trò già làng, bà Phuôn làm rất suôn sẻ và chu đáo. Mỗi năm, đôi ba bận bà mặc trang phục thổ cẩm chỉnh tề, đeo tràng hạt, đại diện dân làng “nói chuyện” với thần linh để cầu mong bà con đạt những vụ mùa tươi tốt, trâu bò chăn nuôi sinh sôi.
Ông Hồ Phê - Trưởng thôn Pa Tầng cho biết: “Già Phuôn có 6 người con, nhưng ngày chồng bà là ông Hồ Văn Thọ qua đời, các con chưa đủ “bản lĩnh” để đảm nhiệm vị trí già làng nên bà Phuôn được chọn là người kế nối. Từ ngày bà Phuôn được mời làm già làng, bà rất “mát tay” với các lễ cúng cầu mưa thuận gió hòa. Năm nào công việc làm ăn của người dân trong thôn cũng thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Trong thôn có việc gì khó, bà Phuôn đều hết sức hỗ trợ. Tiếng nói của bà có trọng lượng vì vậy trong các phong trào vận động như chấp hành an toàn giao thông, hạn chế rượu bia… lớp trẻ đều nghe theo”.
Đã làm phải làm cho tốt
“Muốn bà con làm tốt thì chính mình phải làm trước”, già Phuôn nghĩ vậy. Nhà đông con, già Phuôn luôn răn dạy, nhắc nhở các con chăm chỉ làm ăn, không ham mê cờ bạc và chấp hành luật pháp, tham gia giao thông an toàn. Bà hướng dẫn các con trồng cây lúa nước, chăn nuôi trâu bò để có thêm thu nhập. Những vụ mùa tốt tươi đã lấp đầy những ngày giáp hạt thiếu thốn. Nhìn thấy các con bà Phuôn làm kinh tế tốt, bà con trong thôn bắt đầu làm theo, mô hình chăn nuôi trâu bò ngày một nhiều.
Bà Phuôn bảo, muốn thay đổi đời sống thì trước hết phải học chữ, thạo phép tính và nắm bắt được khoa học kỹ thuật. “Ti vi ngày nào cũng dạy cách làm nông nghiệp nhưng nếu không biết chữ thì khó mà nắm được kiến thức cũng như thực hành làm theo. Phải học thôi, đó là cách thoát nghèo bền vững”, bà Phuôn nói.
Bà luôn dành thời gian đến tận từng nhà có con trẻ đang tuổi đến trường để hỏi han, trò chuyện, động viên phụ huynh và các cháu đi học. Dăm bữa khác, bà lại gặp thanh thiếu niên, khuyên các cháu không sa đà vào rượu chè, cờ bạc… Thi thoảng, có vợ chồng trẻ lục đục, “cơm không lành, canh không ngọt”, già Phuôn vừa một mực khuyên nhủ, vừa “đe” nếu tái diễn sẽ đánh kẻng mời dân làng đến họp đưa ra hình thức kỷ luật… Chỉ thế, thôn bản luôn bình yên, bà con sống vui vẻ và đùm bọc nhau. Mỗi lúc gặp điều khó khăn, bà con đều đến xin già Phuôn lời khuyên.
“Cuộc sống yên bình và kinh tế sẽ phát triển khấm khá hơn khi mọi người trong thôn chấp hành đầy đủ chủ trương, pháp luật của Nhà nước và các cháu nhỏ chăm chỉ học hành, tiến tới. Dù tuổi đã cao nhưng tôi sẽ làm hết sức mình để bản làng ngày một phát triển hơn. Mình đã nhận trách nhiệm thì phải làm cho tốt công việc đó, có như thế mới gầy dựng được niềm tin với bà con”, già làng Hồ Thị Phuôn nói.
Già Hồ Thị Phuôn là nữ già làng đầu tiên ở thôn Pa Tầng, được bà con dân bản kính trọng.
Ông Hồ Phê phấn khởi cho biết, Pa Tầng có 116 hộ dân. Đến nay chỉ còn số ít hộ thuộc diện nghèo. Đa phần bà con trong thôn đều đủ ăn và khấm khá, tuân thủ pháp luật rất tốt. “Già Phuôn là nữ thủ lĩnh rất uy tín của đồng bào Vân Kiều ở Pa Tầng. Theo tục lệ ngày xưa chỉ có đàn ông mới làm già làng. Chức vị ấy được kế nối từ đời này qua đời khác. Già làng là người có uy tín nhất thôn, bản. Vài năm trước, do già Thọ (chồng của già Phuôn) không có anh em, các con còn chưa vững vàng nên sau nhiều cuộc họp bàn, dân bản quyết định chọn trao nhiệm vụ ấy cho già Phuôn. Tuy là nữ, nhưng tiếng nói của già Phuôn có trọng lượng, được mọi người nghe và làm theo”, ông Phê nói.
Chiều muộn, già Phuôn trở về sau một buổi chiều dạo một vòng quanh bản để nhắc nhở đám trẻ chăm học bài. Gương mặt già tươi rói, nụ cười làm lộ hàm răng đen nhánh… “Cuộc sống yên bình và kinh tế sẽ phát triển khấm khá hơn khi mọi người trong thôn chấp hành đầy đủ chủ trương, pháp luật của Nhà nước và các cháu nhỏ chăm chỉ học hành, tiến tới. Dù tuổi đã cao nhưng tôi sẽ làm hết sức mình để bản làng ngày một phát triển hơn. Mình đã nhận trách nhiệm thì phải làm cho tốt công việc đó, có như thế mới gầy dựng được niềm tin với bà con”, già Phuôn nói.
(Nguồn: giaoduc.edu.vn).
Link gốc: https://www.giaoduc.edu.vn/nu-gia-lang-tren-dinh-truong-son.htm