Thứ hai, 03/01/2022, 18:00
Những thất bại công nghệ đáng nhớ năm 2021
Năm 2021 sắp khép lại, và đây là thời điểm phù hợp để nhìn lại những thất bại công nghệ lớn nhất trong năm, theo tổng hợp từ chuyên trang công nghệ Cnet.
Thông tin sai lệch ở khắp mọi nơi
Vấn nạn tin giả đã xuất hiện trong năm 2020 và điều này tiếp tục diễn ra trong năm 2021, diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, khoa học, y tế,… Việc phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả cũng trở nên khó khăn hơn.
Theo đánh giá từ Cnet, những thông tin sai lệch về vắc xin gây ra những hậu quả nghiêm trọng bậc nhất. Số lượng thông tin sai lệch về vắc xin đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng bị đình trệ, làm tăng số lượng ca bệnh,… Phần lớn số lượng tin giả thường xuất hiện trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube,… nơi có tốc độ truyền tin rất nhanh.
Vụ bê bối của Facebook (Meta)
Năm qua ngoài việc đánh dấu sự thay đổi lớn khi công ty Facebook chính thức đổi tên thành Meta, gã khổng lồ được điều hành bởi tỷ phú Mark Zuckerberg này còn phải đối mặt với vụ bê bối được tiết lộ bởi người cũ.
Cựu nhân viên Frances Haugen đã nộp một bản báo cáo tài liệu để tố cáo gã khổng lồ này là một công ty độc hại, chứa đầy sự thù hận và thông tin sai lệch. Sự nghi ngờ đã tăng cao khi Facebook dừng dự án thành lập mạng xã hội Instagram dành riêng cho trẻ em và thật sự bùng nổ khi Haugen chính thức lên tiếng tố cáo.
Báo cáo của cô chỉ ra rằng dù Facebook biết nhiều sự kiện có thể gây ra những tranh cãi, nhưng họ thường bỏ qua và không xử lý. Bê bối này đã ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook tố cáo công ty cũ.
Khủng hoảng chuỗi cung ứng
Sự cố tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đàu Suez chỉ là một phần nhỏ của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra sự thiếu hụt nhiều thứ. Kết quả là rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này.
Tiêu biểu là ở nhiều nơi trên thế giới, lượng hàng trong mùa lễ hội bị hạn chế đáng kể khi chuỗi cung ứng gặp vấn đề. Ngoài ra, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này có thể được nhìn thấy rõ nhất trong ngành công nghiệp ô tô khi hàng loạt nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới phải tạm dừng hoặc cắt giảm lượng sản xuất vì thiếu hụt chip.
Văn hóa độc hại của Activision Blizzard
Rất nhiều người đã sốc khi một báo cáo về văn hóa độc hại tại công ty game nổi tiếng Activision Blizzard được tiết lộ, từ phân biệt giới tính đến cưỡng hiếp cùng với những phản ứng thô thiển của ban lãnh đạo.
Nhiều vấn đề được đưa ra ánh sáng sau khi một cơ quan chức năng tại California đệ đơn kiện công ty này, cáo buộc một nền văn hóa bất bình đẳng giới trong công ty, nơi các nhân viên nữ thường xuyên bị quấy rối. Hiện các nhân viên và cổ đông đang yêu cầu Tổng giám đốc Bobby Kotick từ chức. Microsoft, Sony và Nintendo đều đã lên án hành vi của Activision.
Sập internet
Năm 2021 chứng kiến sự cố sập internet từ rất nhiều đơn vị lớn trong lĩnh vực công nghệ. Tháng 6, gã khổng lồ Amazon đã chứng kiến sự cố sập internet trên dịch vụ điện toán đám mây, kéo theo đó là một chuỗi domino trong những tháng sau đó. Trong những tháng cuối năm, Google và Facebook đều chứng kiến các dịch vụ của mình bị sập trong khoảng thời gian nhất định, theo New York Times.
Một số ứng dụng của công ty Facebook như Facebook, Instagram, WhatsApp, Messenger đã bị sập trong thời điểm cuối năm. (Ảnh: CNBC).
Big Tech thất bại
Những ông lớn trong ngành công nghệ (Big Tech) không chỉ gặp vấn đề từ các chuyên gia, mà còn gặp vấn đề từ chính nhân viên của mình.
Apple đã phải đối mặt với sự phản đối từ chính nhân viên trong một phong trào đang phát triển có tên #AppleToo. Mục đích của họ là thay đổi văn hóa giữ bí mật, vốn đã cổ xúy cho các hành động đáng lên án, từ quấy rối tình dục đến phân biệt đối xử.
Google đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì các chính sách làm việc từ xa được coi là "đạo đức giả", đặc biệt sau khi một giám đốc điều hành cấp cao có đi du lịch New Zealand trong khi các nhân viên khác được yêu cầu quay lại văn phòng.
Theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng trước, hơn 1/3 phụ nữ trong ngành công nghệ đang có kế hoạch rời bỏ công việc trong hai năm tới. Đại dịch có thể là một nguyên nhân, nhưng lý do chính được họ đưa ra là sự bất bình đẳng giới trong công việc.
Hệ thống tự lái trên Tesla
Trong nhiều năm, nhiều khách hàng đã chi thêm tiền để sở hữu những chiếc xe Tesla với bản tự lái. Tháng 7, Tesla đã tung ra phần mềm FSD Version 9 beta để lựa chọn nâng cấp cho một số xe Tesla. Tuy nhiên, phần mềm này ngay lập tức đối mặt với những câu hỏi về sự an toàn khi xe điện Tesla liên tục gặp các sự cố khác nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia Cnet, hệ thống tự lái của Tesla vẫn còn một số điểm sai sót.
Những chiếc xe Tesla có hệ thống tự lái liên quan đến một số vụ tai nạn.
Mạng xã hội của cựu Tổng thống Donald Trump bị hack trước ngày ra mắt
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sốc khi thông báo rằng ông sẽ ra mắt một trang mạng xã hội riêng có tên Truth Social. Tỷ phú người Mỹ cho biết mục tiêu của việc ra mắt mạng xã hội này là để chống lại Big Tech. Dù vậy, mạng xã hội của ông Trump đã bị hack ngay từ lúc chưa ra mắt, qua đó làm dấy lên những câu hỏi về tính bảo mật.
Mạng 5G vẫn chưa phổ biến
Mạng 5G được coi là bước nhảy vọt trong ngành viễn thông, có thể giúp thay đổi cuộc sống con người. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia Cnet, mạng 5G chỉ có tốc độ nhanh hơn đôi chút (thậm chí có lúc chậm hơn) mạng 4G. Do đó, mạng 5G chưa thực sự phổ biến trong năm 2021, và có thể đây chỉ là một cách thổi phồng về tính năng của công nghệ này. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn kỳ vọng về một năm 2022 bùng nổ hơn đối với công nghệ này.
(Nguồn: vietnambiz.vn)