Thứ sáu, 23/06/2023, 10:00
Nông dân trẻ thu tiền tỷ từ lá cảnh
Lộc Ngãi, mảnh đất trù phú của huyện Bảo Lâm vốn quen với cây chè, cây cà phê nhưng nhiều nông dân trẻ đã và đang chuyển hướng sản xuất, thay đổi cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và xây dựng khát vọng nông dân thời đại mới.
Nguyễn Ngọc Quỳnh Như trong vườn lá cảnh.
Thất bại không nản
Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, cô nông dân mới ngoài 30 tuổi của Chi hội Nông dân Thôn 6, xã Lộc Ngãi (Bảo Lâm) đang trong ngày cắt dương xỉ và tùng nho. Từng bó lá được cắt, xếp gọn, sẵn sàng chuyển tới những khách hàng trên mọi miền đất nước. Cô nông dân vốn sinh ra trong gia đình chuyên trồng cà phê nhưng với cái nhìn của người trẻ, Quỳnh Như đã chọn một hướng đi mới: trồng lá cảnh.
Nguyễn Ngọc Quỳnh Như khi bắt đầu trồng lá cảnh đã gặp phải thất bại, cô nông dân trẻ tâm sự thật lòng. Là sinh viên tại TP Hồ Chí Minh, tìm tòi các loại cây trồng có thu nhập tốt hơn cà phê, Quỳnh như phát hiện ra nhu cầu lá cảnh của các shop hoa rất cao. Vậy là cô mày mò, trồng thử nghiệm 1 sào dương xỉ Pháp. Chưa nắm được tính chất của cây cũng như khí hậu của đất cao nguyên, Như trồng cây trong nhà lưới. Vậy là lượng mưa, ẩm quá lớn khiến cây nấm bệnh, chết rụi. Không nản lòng, rút kinh nghiệm qua thất bại, Như chuyển sang nhà kính để trồng dương xỉ. Và những cành dương xỉ cứng cáp, xanh ngắt được thị trường đón nhận đã giúp Như vững tin vào con đường của mình, đó là năm 2016.
Từ 1 sào nhà kính đầu tiên, sau 8 năm gắn bó với lá cảnh, Quỳnh Như hiện có trang trại lá cảnh rộng 3,6 ha với 2 ha nhà kính. Quỳnh Như trồng khoảng 20 giống lá cảnh phổ biến, được thị trường ưa chuộng như dương xỉ Pháp, trầu bà Nam Mỹ, tùng nho, tùng đuôi chồn, lá chanh… Mỗi ngày, trang trại xuất từ 500 - 1.000 bó lá đi khắp nơi trên cả nước.
Ngoài lá của trang trại, Quỳnh Như còn liên kết thu mua lá cảnh của một số nông hộ khu vực Bảo Lộc, Bảo Lâm. Nông dân cung ứng lá cho nông trại chủ yếu là các loại lá cảnh trồng ngoài trời như cây đô la lá nhỏ, đô la lá bạc. Cô chia sẻ, những loại lá cần môi trường sống trong nhà kính chủ yếu do trang trại tự sản xuất. Còn với các loại lá trồng ngoài trời, cô sẵn sàng cung cấp giống, liên kết thu mua với nông dân để đa dạng hóa mặt hàng cũng như đồng hành cùng bà con phát triển nghề trồng lá cảnh.
Hiện, trang trại của gia đình Quỳnh Như có lượng đầu ra ổn định, hàng đi đều, thu nhập tốt. Một điều Quỳnh Như tâm đắc với cây cảnh lá là cây không quá phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch như rau hay hoa. Khi hàng chậm, cây có thể giữ lá được thời gian lâu dài hơn, giúp người nông dân giảm áp lực rất nhiều.
Chất lượng lá quyết định thành công
“Dù trồng lá cảnh nhưng nông dân phải xác định, chất lượng vẫn là yêu cầu quan trọng nhất. Chỉ có trồng được những chiếc lá đạt chuẩn, nông dân mới tồn tại và phát triển bền vững với nghề”, cô nông dân trẻ khẳng định.
Để giảm chi phí đầu vào cũng như đảm bảo chất lượng giống, Quỳnh Như nhập hạt trực tiếp về nhân giống. Thường lá cảnh lớn khá chậm, từ hạt - vào vỉ - ươm - ra cây cho tới khi được thu hoạch, phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Và do hầu hết lá cảnh đều là cây có nguồn gốc nước ngoài nên Như phải tìm hiểu rất kỹ quy trình trồng, chăm sóc cũng như môi trường sống của cây. Nhiều loại yêu cầu nhà kính, có loại thích hợp nhà lưới, có loại sống ngoài trời, mỗi loại đều cần một quy trình chăm sóc khác nhau.
“Khác nhau nhưng chung một điểm là lá cảnh cần lượng dinh dưỡng rất lớn do cắt cành liên tục. Vì vậy trang trại tự ngâm ủ phân cá, đậu tương và chế phẩm Bio của Dalat Hasfarm thành một hỗn hợp dinh dưỡng hữu cơ rất thích hợp với cây” - Quỳnh Như chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho lá cảnh.
Ngoài ra, nhà kính đều được xếp lưới đen che nắng để giảm ánh sáng, giúp lá đạt màu xanh đậm, được khách hàng ưa chuộng hơn. Nếu nắng quá nhiều, nhiều loại lá sẽ nhạt màu, thậm chí ngả vàng. Khi cắt lá, công nhân cũng được đào tạo phải cắt lá bánh tẻ, không già không non, đảm bảo độ xanh mướt, bóng đẹp cũng như bền cây, giúp người yêu hoa sử dụng lá cảnh với thời gian kéo dài.
Ông Hồ Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi đánh giá, Nguyễn Ngọc Quỳnh Như là nông dân trẻ sản xuất giỏi của địa phương. Trang trại lá cảnh của vợ chồng Quỳnh Như sử dụng nhiều lao động trong xã, tạo việc làm cho bà con; đồng thời, cùng bà con tham gia nhiệt tình phong trào xây dựng nông thôn mới. Cô là tấm gương thanh niên nông thôn lao động giỏi, làm giàu trên mảnh đất quê hương, vươn lên phát triển kinh tế gia đình và xây dựng cộng đồng.
(Nguồn: baolamdong.vn)
Link gốc: http://baolamdong.vn/kinh-te/202306/nong-dan-tre-thu-tien-ty-tu-la-canh-7a1198b/