Thứ sáu, 29/04/2022, 06:00
Nông dân làm gì khi bán đất nông nghiệp?
Khi thanh long chín đỏ cành không ai mua, nông dân tại nhiều địa phương ở Bình Thuận đã chặt bỏ vườn và căng biển bán đất. Nhưng cũng có nhiều người quyết giữ lại mảnh vườn vì bán đất rồi thì không biết làm gì, khi cả đời họ chỉ biết làm nông.
Câu chuyện thanh long chín đỏ cành không ai mua không còn là chuyện lạ của người dân Bình Thuận, nơi được mệnh danh là thủ phủ thanh long. Rồi diện tích thanh long bị chặt bỏ trên 2.000 ha khiến nhiều người giật mình. Người chuyển đổi cây trồng, người treo bảng bán đất, làm đất nông nghiệp thời gian gần đây “sốt” chưa từng có.
Về 2 huyện có diện tích thanh long nhiều nhất tỉnh - Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, không khó để thấy những vườn thanh long vàng héo không ai muốn chăm sóc, những “núi” thanh long chất đống không ai dòm ngó. Nợ nần chồng chất khi giá vật tư, phân bón leo thang mà giá thanh long rớt đáy, trong khi đó giá đất nông nghiệp tăng chưa từng có, khiến nhiều nông dân nghĩ ngay đến việc bán đất.
Làng quê vốn yên bình ngày nào nay nhộn nhịp hẳn khi xuất hiện nhiều nhóm người đến xem đất, chốt giá đất. Ít người mạnh dạn thay đổi cây trồng như dừa, rau màu… Đa phần nông dân đều treo bảng bán đất khi giá chào mời quá hấp dẫn. Khi có ai hỏi đến bán đất nông nghiệp rồi làm gì? Đa phần đều nhận lại cái lắc đầu chưa biết, thấy được giá bán trước tính sau.
Nhiều người trong số ấy cả một đời gắn bó với nông nghiệp, là nông dân thực thụ tay lấm chân bùn bao nhiêu năm. Ấy vậy mà họ nỡ lòng bán mảnh đất đã từng khiến họ sung túc, đổi đời. Rồi những người mua đất nông nghiệp kia, ít ai biết làm nông, họ mua để đó đầu cơ, chờ giá lên lại bán. Nghịch lý là thế, đất sản xuất dần thu hẹp, những nông dân làm chủ ngày xưa chắc gì mua lại được mảnh vườn để sản xuất hay bán được ít tiền chia 5 xẻ 7, rồi lại đi làm thuê, làm mướn. Khổ muôn đời vẫn khổ.
Nhiều nhà vườn thanh long ở Bình Thuận chặt bỏ khi giá cả giảm sâu.
Tuy nhiên, không phải người làm nông nào cũng ham bán đất dù có lúc giá cả nông sản bấp bênh, thời tiết không ủng hộ. Trong khi hàng trăm nông dân ở 2 huyện trên ùn ùn chặt bỏ thanh long, sang nhượng đất nông nghiệp, thì nông dân vùng đất Tánh Linh, Đức Linh lại có suy nghĩ rất khác. Bất cứ giá nào họ vẫn giữ đất để canh tác.
Có thời điểm “cò đất” vào tận vườn trả cái giá có nằm mơ nông dân nơi đây cũng không dám nghĩ tới, nhưng họ vẫn kiên định không bán. Cả đời họ chỉ biết làm nông, bán đất rồi họ lấy gì sinh nhai, biết có đủ tiền mua lại mảnh vườn khác mà sản xuất. Tuy làm nông không giàu như làm những ngành nghề khác, nhưng nông dân nơi đây cho rằng làm nông đã giúp họ thoát nghèo, nếu biết tính toán trồng cây, nuôi con hợp lý thì đất sẽ không phụ lòng người.
Nghĩ vậy, họ kiên trì bám đất, chăm chỉ làm ăn và để dành phần tài sản ấy cho con cháu về sau. Nhờ thế, 2 huyện miền núi của tỉnh luôn xuất hiện những mô hình nông nghiệp điển hình, những gương nông dân sản xuất giỏi, những sáng kiến kinh nghiệm, những thương hiệu đặc biệt từ nông nghiệp mà ít nơi nào làm được.
Đã có lúc một số xã ở 2 huyện này cũng sốt đất, làm nhiều nông dân mất kiên định khi giá chào mời cao. Nhưng rất may, bên cạnh những suy nghĩ tích cực của một bộ phận nông dân ở làng quê, chính quyền các địa phương cũng ra sức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán đất nông nghiệp.
Vì thế, câu chuyện bán đất nông nghiệp không còn là mối bận tâm của nông dân và chính quyền nơi đây, mà hơn hết họ tập trung sản xuất, học hỏi, tìm tòi nhiều cây trồng, mô hình mới lạ để tạo nên những sản phẩm, thương hiệu riêng mà nơi khác không có được. Theo họ, làm giàu từ nông nghiệp không còn là chuyện khó, nếu biết suy nghĩ, lựa chọn cây trồng hợp lý vào từng thời điểm.
(Nguồn: baobinhthuan.com.vn)
Link gốc: https://baobinhthuan.com.vn/ban-dat-nong-nghiep-lam-gi-97082.html