Thứ tư, 12/01/2022, 17:00
5 phát minh công nghệ 'đi trước thời đại'
Từ thiết kế năng lượng mặt trời thông minh, hợp kim vô hiệu hóa Covid-19 đến máy in thịt bò 3D, giới công nghệ đã có những phát minh độc đáo, tạo thuận lợi cho đời sống của con người trong thời gian tới.
Mái hiên năng lượng mặt trời thông minh
Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện những mái hiên năng lượng mặt trời (NLMT) thông minh, vừa tận dụng ánh nắng mặt trời để sản xuất điện lại kiêm chức năng tấm lợp che nắng che mưa.
Mái hiên NLMT thông minh mới của hãng Xponent Power (XP) ở California (Mỹ) có tên Xpanse Solar Awning (XSA) có thể tự động thu vào, mở ra chỉ bằng một nút nhấn, hoạt động giống như một tấm pin NLMT theo yêu cầu, có công suất sạc lên đến 1.200 watt.
Theo Xponent Power, XSA rất linh hoạt, phù hợp cho những người sống lưu động, cắm trại cách xa nơi có điện. XSA có kích thước 4,9 x 2,1 m với cấu trúc lưới kính hiệu suất cao, cung cấp các mức sạc 800, 1.000 hoặc 1.200 watt tùy theo kích thước. XSA có thể lắp trên nóc xe, phương tiện giao thông, nhưng phải thu lại khi xe lăn bánh.
Ảnh minh họa Xponent Power
Xponent Power hiện đang có kế hoạch sản xuất các loại mái tùy chọn cho xe hay mái dùng cho ngành y tế di động, cứu trợ khẩn cấp, quân đội hay các ngôi nhà nhỏ.
Hợp kim mới có thể vô hiệu hóa 99,75% vi rút SARS-CoV-2
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông (UHK) vừa phát triển thành công một loại hợp kim, chính xác hơn là thép không gỉ có thể vô hiệu hóa 99,75% vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 3 giờ, và tăng lên 99,99% trong 6 giờ so với hơn 2 ngày ở bề mặt các kim loại khác.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông (UHK) vừa phát triển thành công một loại hợp kim có thể vô hiệu hóa 99,75% vi rút SARS-CoV-2.
Giáo sư Huang Mingxin, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, vật liệu mới này sẽ được ứng dụng để tạo ra các sản phẩm như thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang hay những bề mặt được nhiều người chạm vào tại những nơi công cộng như sân bay, nhà ga xe điện, rạp chiếu phim, sân vận động. Đặc tính kháng khuẩn của hợp kim này vẫn phát huy tác dụng ngay cả khi vật liệu xuống cấp trong quá trình sử dụng. Nó được sản xuất bằng công nghệ luyện kim dạng bột, có chi phí thấp.
Ngoài vi rút SARS-CoV-2, vật liệu này cũng còn có thể vô hiệu hóa nhiều loại vi rút và mầm gây bệnh khác như cúm A/H1N1 hay khuẩn Escherichia Coli...
Ghế ô tô có thể phát hiện tài xế say rượu
Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghiệp tiên tiến quốc gia Nhật Bản (NAST) vừa phát minh ra ghế ô tô có thể phát hiện tài xế say rượu. Theo đó, chiếc ghế đặc biệt này được trang bị hệ thống cảm biến siêu nhạy, có thể nhận biết những thay đổi về nhịp tim, hô hấp do rượu khi tài xế ngả người lên ghế.
Đây là sản phẩm mới của nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ - Khoa học Công nghiệp tiên tiến Quốc gia Nhật Bản.
Theo nhóm đề tài, hệ thống cảm biến này có độ tin cậy cao hơn so với những cách phát hiện lái xe say rượu bằng camera lắp trong xe hay trên đường. Hệ thống cảm biến này được làm từ vật liệu áp điện, tạo ra dòng điện khi chịu áp lực cơ học, nhưng lại có thể chịu nhiệt độ cao nhờ cáp đồng trục lắp trong tấm vật liệu áp điện đặc biệt gấp lại.
Bít tết bò in 3D từ tế bào cơ nhân tạo
Đầu tháng 12/2021, hãng MeaTech3D của Israel thông báo đã nuôi trồng thành công bít tết bò bằng kỹ thuật in 3D trong phòng thí nghiệm thay thịt bò truyền thống. Miếng bít tết nói trên nặng 104 gam, chủ yếu là chất béo và tế bào cơ nhân tạo. Đây là miếng bít tết nhân tạo lớn nhất đầu tiên được con người sản xuất, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sản xuất bít tết in sinh học quy mô thương mại trong tương lai.
Bít tết bò in 3D từ tế bào cơ nhân tạo
Theo tiết lộ của MeaTech3D, tế bào dùng để in miếng bít tết này được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến độc quyền. Bắt đầu bằng các tế bào gốc của bò từ mẫu vật mô, nuôi trồng để chúng nhân lên. Khi đủ số lượng, tế bào gốc được biến đổi thành mực in sinh học để tương thích với máy in 3D.
Máy in của MeaTech3D được thiết kế theo kết cấu thịt bít tết, sản phẩm in xong được đặt trong lồng ấp phát triển tiếp, tế bào gốc sẽ lớn dần thành mỡ và mô cơ để tạo ra miếng bít tết sản phẩm như thịt sinh học.
Ra đời thiết bị đo đường huyết bằng mồ hôi
Từ trước tới nay, để đo lượng đường trong máu hay đường huyết để điều trị bệnh tiểu đường, người ta phải trích máu, vừa đau lại dễ gây nhiễm trùng. Nhưng nay, Trường Đại học bang Pennsylvania (UoP), Mỹ đã phát triển thành công thiết bị theo dõi đường huyết thông qua mồ hôi.
Đây là sản phẩm không xâm lấn, chi phí thấp và có thể phát hiện nhanh glucose (đường huyết) trong mồ hôi bằng các cảm biến và điện tử sinh học siêu nhạy.
Thiết bị đo đường huyết bằng mồ hôi
Theo GS. Huanyu Cheng, chủ nhiệm dự án, thiết bị này được sản xuất từ vật liệu có tên graphene cảm ứng laser (LIG), với độ dẫn điện cao. Vì LIG không nhạy với glucose, nhóm nghiên cứu đã bổ sung niken, chất nhạy với glucose và vàng, để giảm phản ứng dị ứng với niken. Cuối cùng là tạo ra một khoang siêu nhỏ cho phép mồ hôi đi qua giữa da và cảm biến, tránh gây kích ứng da.
Mặc dù nồng độ glucose trong mồ hôi thấp hơn khoảng 100 lần so với nồng độ trong máu nhưng thiết bị của UoP đủ nhạy để đo chính xác lượng glucose trong mồ hôi và phản ánh nồng độ này trong máu. Hiện nhóm đề tài đang cải tiến, tinh chỉnh và mở rộng nền tảng thiết bị để theo dõi được nhiều hơn các chỉ dấu sinh học khác có trong mồ hôi nhằm phục vụ việc tầm soát và chữa bệnh cho con người.
(Nguồn: Báo Đắk Lắk)