Thứ hai, 23/01/2023, 09:00
Những năm Mão quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Đây là những sự kiện lịch sử không thể nào quên diễn ra vào năm Mão trong lịch sử Việt Nam. Báo Tri thức & Cuộc sống xin điểm lại những năm Mão đặc biệt nhất lịch sử dân tộc nhân dịp xuân Quý Mão 2023.
Năm 967 (Đinh Mão)
Nghĩa quân của Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đấy, loạn 12 sứ quân cũng được vị thủ lĩnh họ Đinh dẹp xong. Ông lên ngôi vua tự xưng là hoàng đế (thường gọi là Đinh Tiên Hoàng), lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), xây dựng triều chính, mở đầu triều Đinh.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Các sử gia đánh giá, Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam, còn Đinh Bộ Lĩnh là người đã mở ra thời kỳ phục quốc của người Việt: Từ họ Khúc chỉ xưng làm Tiết độ sứ, tới Ngô Quyền xưng vương và tới vua Đinh xưng làm hoàng đế. Sau một số vị vua xưng đế từ trước và giữa thời Bắc thuộc rồi bị thất bại trước hoạ ngoại xâm, đến thời nhà Đinh, người cầm quyền Việt Nam mới thực sự vươn tới đỉnh cao ngôi vị và danh hiệu, khẳng định vị thế vững chắc của quốc gia độc lập, thống nhất.
Năm 1483 (Quý Mão)
Vua Lê Thánh Tông cho biên soạn và ban hành Bộ Luật Hồng Đức, gồm 722 điều, được gọi là “Quốc triều hình luật”. Có thể coi đây là bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: Lĩnh vực luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân-gia đình, luật hành chính...
Điểm tiến bộ trong luật Hồng Đức là nó có một tiến khá căn bản trong việc cải thiện địa vị của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vai trò của người phụ nữ đã được đề cao hơn rất nhiều so với các bộ luật đương thời trong khu vực. Nó cho thấy người vợ có quyền quản lý tài sản của gia đình (khi chồng chết) và họ có quyền thừa kế như nam giới.
Ngoài ra, bộ luật cũng thể hiện chính sách trọng nông của triều Lê (trừng phạt rất nặng các tội như phá hoại đê điều, chặt phá cây cối và lúa má của người khác, tự tiện giết trâu ngựa) và có nhiều quy định thể hiện tính chất nhân đạo, bảo vệ dân thường.
Năm 1927 (Đinh Mão)
Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc được xuất bản. Tác phẩm đã đề cập đến một loạt những vấn đề cơ bản về lý luận của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của học thuyết Mác-Lênin. Thông qua Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Mác - Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất.
Tác phẩm được triển khai theo ba nội dung cơ bản: Những vấn đề lý luận cách mạng chung; tổng kết các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam; xác định phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng. Cụ thể có 15 vấn đề được đề cập: (1) Tư cách một người cách mệnh; (2) Vì sao phải viết sách này?; (3) Cách mệnh; (4) Lịch sử cách mệnh Mỹ; (5) Cách mệnh Pháp; (6) Lịch sử cách mệnh Nga; (7) Quốc tế; (8) Phụ nữ quốc tế; (9) Công nhân quốc tế; (10) Cộng sản thanh niên quốc tế; (11) Quốc tế giúp đỡ; (12) Quốc tế cứu tế đỏ; (13) Cách tổ chức công hội; (14) Tổ chức dân cày và (15) Hợp tác xã.
Cùng với Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh là văn kiện có tính chất cương lĩnh của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam những năm 1920, vạch ra những hình thức và phương pháp tổ chức lực lượng cách mạng góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Năm 1939 (Kỷ Mão)
Đảng Cộng sản Đông Dương ra “Tuyên ngôn về tình hình chung và đường lối cách mạng”. Bản Tuyên ngôn kêu gọi toàn dân hãy thống nhất hành động, tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước ngày càng nghiêm trọng, bản Tuyên ngôn kêu gọi toàn dân hãy thống nhất hành động, tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, chống bọn đầu hàng, thân Nhật, bọn Tờrốtxkit. Cuối cùng, bản Tuyên ngôn kêu gọi các cử tri hãy dồn phiếu cho Mặt trận trong dịp bầu cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ sắp tới.
Cũng trong năm này, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Hội nghị đã giải quyết vấn đề chuyển hướng đường lối và phương pháp cách mạng trong tình hình mới.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng về lý luận và đường lối phương pháp cách mạng của Đảng, thể hiện sự nhạy bén về chính trị và năng lực sáng tạo của Đảng. Nghị quyết góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Năm 1951 (Tân Mão)
Diễn ra Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại Hội là một văn kiện có giá trị thực tiễn và lý luận to lớn. Báo cáo tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng, vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn.
Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này là: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.
Đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn là nhiệm vụ cấp bách. Các nhiệm vụ khác đều nhằm phục vụ nhiệm vụ cấp bách đó... Cũng trong năm này, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt bao gồm tất cả các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, các cá nhân yêu nước nhằm kết chặt khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến kiến quốc.
Tiếp nối Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên - Việt là cơ sở quần chúng để bảo vệ Đảng Lao động Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1975 (Ất Mão)
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu từ ngày 4/3/1975, gồm ba chiến dịch lớn liên tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên (4-24/3); Chiến dịch Giải phóng Huế - Đà Nẵng (21-29/3) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-30/4).
Chiến dịch kết thúc ngày 30/4/1975, với hình ảnh lịch sử là chiếc xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập, xe tăng mang số hiệu 390 húc sập cánh cửa chính và chạy vào trong sân Dinh. Những phút sau đó, tiếp tục có thêm nhiều xe tăng - xe thiết giáp và bộ đội Giải phóng kéo vào trong dinh, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ bù nhin tay sai được đế quốc hậu thuẫn ở Sài Gòn.
Sự kiện vĩ đại này đã mở ra kỷ nguyên đất nước thống nhất và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội.
(Nguồn: Tri thức và Cuộc sống).