Thứ bảy, 04/12/2021, 14:30
Ưu đãi hoàn trả 'Con dao hai lưỡi với trang thương mại điện tử'
Tuy nhiên, chính sách này chỉ dành cho những khách hàng có lịch sử mua hàng với nhà bán lẻ, và quy định này sẽ không được áp dụng với tất cả các sản phẩm.
Theo Business Insider, các nhà bán lẻ như Amazon, Target và Walmart đang đồng loạt đưa ra “ưu đãi”: Nếu người mua muốn trả lại hàng, họ cứ việc giữ lại món đồ đó, người bán sẽ hoàn tiền đầy đủ mà không cần lấy lại hàng, một động thái có thể sẽ khiến khách hàng “thích thú”, vì như thế cũng có nghĩa họ được dùng sản phẩm miễn phí.
Tại sao họ làm điều này? Giao hàng miễn phí từ lâu đã trở thành yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng, nhưng hóa ra các nhà bán lẻ cũng không muốn trả tiền giao hàng, đặc biệt là đối với một mặt hàng đang bị gửi trả về.
Do đại dịch và những thách thức hậu cần toàn cầu, gánh nặng vận chuyển ngày càng đổ lên vai họ. Số đơn gửi trả hàng trực tuyến đã tăng 70% vào năm 2020, khiến các nhà bán lẻ bị mắc kẹt với việc xử lý các chi phí phát sinh, có thể cao tới 15% -20% giá thành sản phẩm. Thành thử, họ thà hoàn tiền cho khách mà không lấy lại hàng vẫn còn có lợi hơn việc phải lấy lại món hàng.
Tuy nhiên, quy định này sẽ không được áp dụng với tất cả các sản phẩm, và không phải ai cũng được hưởng lợi. Chính sách này chỉ dành cho những khách hàng có lịch sử mua hàng với nhà bán lẻ, và các mặt hàng đủ điều kiện thường là không có khả năng bán lại hoặc rất rẻ.
Amazon thậm chí còn có thể cấm hoặc kiện bạn nếu gửi trả hàng quá nhiều. Tờ Wall Street Journal đã phỏng vấn Nir Nissim, người xác nhận đã bị Amazon cấm mua sắm vào tháng 3/2018 sau 5 lần trả hàng. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng anh cũng được mở tài khoản trở lại, song đó không phải là trường hợp duy nhất.
Amazon không hề thông báo trước với người dùng trước khi đóng tài khoản của họ, và cũng không đề cập đến án phạt này trong quy định đổi trả. Tuy nhiên, điều khoản của Amazon cho phép công ty “có quyền từ chối dịch vụ và chấm dứt tài khoản” theo “quyết định riêng của mình”.
Một cựu quản lý của Amazon cho biết công ty có thể đóng tài khoản với nhiều loại hành vi khác nhau, bao gồm “yêu cầu hoàn lại quá nhiều tiền, gửi lại các mặt hàng sai hoặc vi phạm các quy tắc khác, chẳng hạn như nhận tiền bồi thường khi viết đánh giá”.
Chris McCabe, cựu điều tra viên thực thi chính sách tại Amazon và hiện là nhà tư vấn tại EcommerceChris LLC, cho biết công ty thường cấm các tài khoản đang “tạo ra nhiều vấn đề nan giải cho Amazon”.
Bởi vậy, khách hàng nên sử dụng “ưu đãi hoàn trả” này một cách nghiêm túc, không nên lạm dụng, sẽ gặp phải hậu quả đáng tiếc.
(Nguồn: diendandoanhnghiep.vn).