Đang tải ...
  
Kinh doanh Tài chính

Chủ nhật, 01/10/2023, 13:30

Những khoản thu nhập nào phải tính đóng bảo hiểm xã hội?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có phản hồi về một số nội dung trong hợp đồng lao động liên quan đến phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động...

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có phản hồi thắc mắc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về nội dung liên quan đến hợp đồng lao động và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

CÁC KHOẢN TÍNH ĐÓNG BẢO HIỂM CẦN GHI ĐẦY ĐỦ TRONG HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, qua thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại một số đơn vị sử dụng lao động, đã phát hiện ngoài mức lương tính đóng thì hàng tháng người lao động được hưởng khoản bổ sung gọi là “khoản bổ sung kế hoạch”.

Trước khi tuyển dụng, đơn vị sử dụng lao động thông báo cho người lao động về các khoản thu nhập (tại thư mời làm việc) gồm mức lương theo chức danh công việc (lương cơ bản) và khoản bổ sung kế hoạch.

Khi ký hợp đồng lao động chính thức, mức lương được người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tại hợp đồng lao động bằng với mức lương theo chức danh công việc tại thư mời làm việc (không ghi nhận khoản lương bổ sung kế hoạch). Đơn vị thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động căn cứ vào mức lương theo chức danh công việc trên hợp đồng lao động.

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho ý kiến đối với khoản bổ sung, mà đơn vị gọi là “khoản bổ sung kế hoạch” nêu trên có là khoản bổ sung phải tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định.

Thông tin về nội dung này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, mức lương theo công việc hoặc theo chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động.

Do đó, khi thoả thuận giao kết hợp đồng lao động thì mức lương và phụ cấp lương, và các khoản bổ sung khác theo thoả thuận của hai bên phải được ghi đầy đủ trong hợp đồng lao động.

Nếu người sử dụng lao động không ghi đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1, Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, mức phạt từ 2 – 5 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; từ 5 – 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; từ 10 – 15 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; từ 15 – 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; và từ 20 – 25 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ ngày 1/1/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động và nội dung của hợp đồng lao động...

Cụ thể, mức lương theo công việc hoặc chức danh: Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc, hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

QUY ĐỊNH RÕ HƠN CÁC KHOẢN THU NHẬP ĐỂ TÍNH ĐÓNG BẢO HIỂM

Đối với các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên, hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động; và các chế độ phúc lợi khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động (các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ…), thì không phải là căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tiền lương đóng bảo hiểm vẫn còn khoảng cách với thu nhập thực tế của người lao động. Ảnh minh họa - N.Dương.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quy định pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, song ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội.

Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập, đó là thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập để quyết toán và thu nhập thực tế.

Trong đó, thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, bằng mức lương tối thiểu vùng cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 3% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Vì vậy, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động. Năm 2022, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động đạt 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.

Do đó, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, Ban soạn thảo đề xuất quy định, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (khu vực doanh nghiệp), thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Quy định này được cho là tiến bộ trong việc xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, góp phần cải thiện mức hưởng lương hưu sau này.

(Nguồn: vnEconomy).

Link gốc: https://vneconomy.vn/nhung-khoan-thu-nhap-nao-phai-tinh-dong-bao-hiem-xa-hoi.htm

Chia sẻ

Xem nhiều

Nhiều người mất tiền triệu phí nhắn tin ngân hàng

Từ 2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829