Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 01/11/2024, 08:30

Nhiều nông dân trắng tay sau bão lụt

Quảng Bình- Ảnh hưởng của bão số 6 những ngày qua đã gây mưa lớn và ngập lụt nhiều nơi, khiến sản xuất nông nghiệp của bà con bị thiệt hại, đặc biệt ở vùng “rốn lũ” huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới.

Lệ Thủy là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 6, hiện nước đã rút nhưng nhiều nơi trên địa bàn vẫn còn bị ngập. Đợt lũ này, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng nề, không ít hộ bị mất trắng đến hàng trăm triệu đồng.

Gia đình anh Đỗ Văn Cường (SN 1994), thôn Văn Minh, xã Trường Thủy bỗng chốc trắng tay sau khi toàn bộ vốn liếng đầu tư chăn nuôi gà bị cuốn theo dòng nước. Đợt lũ này, gần 6.000 con gà của gia đình anh bị chết, trong đó có 4.000 con gần xuất bán và 2.000 con đang nuôi kế vụ kịp bán dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, 120 bao thức ăn chuẩn bị cho gà cũng bị hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính hơn 250 triệu đồng.

Anh Cường cho biết: “Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ tôi thấy nước lên nhanh và chảy xiết như năm nay. Khi nước còn cách chuồng gà 50m, vợ chồng tôi đã làm sàn cao thêm nửa mét để gà tránh lụt nhưng vẫn không cứu được. Hôm trước nước rút xác gà nằm la liệt khắp nơi, tôi phải nhờ anh em, hàng xóm đến nhặt giúp mang đi chôn lấp. Bao nhiêu vốn liếng gia đình đều nằm ở chuồng gà, nay coi như mất trắng”.

Nước ngập khiến 16 tấn cá của gia đình anh Hoàng Tấn Khôi (TP. Đồng Hới) bị mất trắng.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Mai Văn Hòa, thôn Hương Thi, xã Trường Thủy cũng lâm vào tình cảnh tương tự bởi đàn gà 4.500 con gần xuất bán cũng bị chết do ngập lụt. Anh Hòa chia sẻ: “Sống ở đây hàng chục năm rồi nhưng chưa có lúc nào nước lên nhanh và chảy xiết như năm nay. Rút kinh nghiệm từ trận “đại hồng thủy” năm 2020, tôi đã nhờ bà con hàng xóm di chuyển gà lên cao để tránh lũ nhưng không ngờ nước lên nhanh, ngập lút sân nên không thể cứu vãn được gì. Rất xót vì số tiền bỏ ra rất lớn, gà lại sắp đến ngày xuất bán. Việc tái đàn đối với gia đình là hết sức khó khăn do vốn liếng đã mất trắng, trong khi gia đình còn nợ ngân hàng, người thân hơn 200 triệu đồng.”

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng cho biết: Đến trưa ngày 31/10, sơ bộ trên địa bàn huyện, diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại là 605,63ha; cây trồng lâu năm 10ha; cây trồng hàng năm 105,1ha; gia súc bị chết, cuốn trôi là 301 con; gia cầm 62.420 con. Ngoài ra, diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ bị thiệt hại là 332,82ha; diện tích nuôi cá-lúa, nuôi hồ mặt nước lớn 133ha; 5 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Hiện, nhiều diện tích cây trồng, gia súc, gia cầm, vật nuôi bị thiệt hại trên địa bàn huyện vẫn chưa thống kê hết.

Không chỉ chăn nuôi, các hộ nuôi trồng thủy sản cũng chịu thiệt hại nặng nề. Sau đợt lũ này, hàng tỷ đồng của bà con đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Trang trại của anh Hoàng Tấn Khôi, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) có gần 2ha nuôi cá nước ngọt. Để tránh lũ, gia đình anh đã be bờ lên cao nhưng năm nay mưa lớn, nước dâng quá nhanh, khoảng 16 tấn cá trắm, rô phi, diêu hồng, chép… trong hồ đều bị trôi theo dòng nước. Anh Khôi ngậm ngùi: Để tránh thiệt hại, gia đình chỉ kịp di chuyển số lợn thương phẩm lên cao, còn 10 con lợn nái, 100 con lợn sữa với hơn 500 con gà trên 1 tháng tuổi đều bị chết do mưa lụt. Đặc biệt, cá trong hồ gia đình đang chờ bán vụ đông và dịp Tết Nguyên đán cũng mất trắng, ước tính thiệt hại gần 1 tỷ đồng.  

Theo thống kê sơ bộ từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh, đến trưa ngày 31/10, trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại 791,2ha; cây trồng lâu năm 26,2ha; cây trồng hàng năm 151ha; gia cầm bị chết 70.538 con; gia súc bị chết, cuốn trôi 488 con; diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ là 716 ha; nuôi cá-lúa, nuôi hồ mặt nước lớn 178ha. 

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết: Sau khi nước lũ rút, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên động vật là rất cao, các trang trại, gia trại chăn nuôi phải ưu tiên tối đa cho việc thu dọn xác động vật và chôn lấp. Rắc vôi, khử khuẩn khu vực chuồng nuôi, cũng như dọn dẹp sạch lượng bùn đất. Không vội vàng tái đàn khi môi trường chăn nuôi chưa an toàn, đặc biệt không vứt xác động vật chết ra sông, suối. Chi cục sẽ khẩn trương phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin đợt 2 để bà con sớm tái đàn, ổn định sản xuất...

(Nguồn: Quảng Bình Online).

LInk gốc: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/nhieu-nong-dan-trang-tay-sau-bao-lut-2222052/

Chia sẻ

Xem nhiều

Campuchia: Phát hiện 12 bức tượng thần tại Công viên khảo cổ Angkor

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829