Chủ nhật, 03/07/2022, 06:00
Nhiều lợi ích từ 'than sinh học'
Không chỉ tạo được chất đốt an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà than sinh học còn mở ra triển vọng giải quyết tình trạng khan hiếm chất đốt ở nông thôn. Đặc biệt là góp phần giải quyết số lượng lớn phế phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp và giảm một phần chi phí trong việc xử lý chất thải là các phụ phẩm nông, lâm nghiệp ra môi trường.
HTX Thành Long, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã và đang sản xuất loại chất đốt mới có tên gọi “than sinh học”. Đây là loại sản phẩm có giá thành hợp lý, nguyên liệu tận dụng từ các phế phẩm công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng.
Biến phế phẩm thành than sinh học
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trung Thành cho biết, “than sinh học” của HTX Thành Long được sản xuất từ mùn cưa lên men vi sinh của gỗ rừng trồng. Công nghệ chế biến “than sinh học” của HTX là tạo thành một quy trình khép kín. Mùn cưa được sàng lọc kỹ, loại bỏ tạp chất, sau đó được ủ men vi sinh trong vòng 48 giờ, khi đã đạt tiêu chuẩn về độ mịn và độ ẩm sẽ được ép thành các thanh dài.
Than sinh học đã góp phần giải quyết số lượng lớn phế phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Khâu cuối cùng trước khi cho thành phẩm cũng là khâu quan trọng và mất nhiều thời gian nhất là đưa vào lò sấy trong vòng 1 tuần. Sau thành phẩm, “than sinh học” trông không khác gì so với than củi. Than sinh học dễ bắt lửa và có thể cháy trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Loại than do HTX Thành Long sản xuất khi cháy không có khói, không bụi, không mùi. Hiện nay, HTX xây dựng 8 lò sấy, mỗi lò sấy có khả năng sấy 500 kg/mẻ. Với công nghệ khép kín và 15 thành viên đang trực tiếp sản xuất như hiện nay, cơ sở sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thị trường.
“Tôi nhận thấy địa phương có nhiều xưởng chế biến gỗ hàng ngày thải ra một lượng mùn cưa rất lớn, không biết xử lý thế nào, đốt bỏ hay thải loại vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Tôi mong muốn làm ra sản phẩm hữu ích từ chính những phế phẩm chế biến nông lâm sản đó. Cùng với các thành viên HTX, chúng tôi vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm để có những sản phẩm than cung cấp cho thị trường”, anh Nguyễn Trung Thành chia sẻ.
Việc ứng dụng than sinh học tại Việt Nam sẽ giúp hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân, chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và than sinh học có giá trị cao.
Giảm phát thải khí nhà kính
Việc sử dụng than sinh học trong trồng trọt cho thấy việc bón phân than sinh học sản xuất từ nguồn phụ phẩm rơm rạ, trấu, lõi bắp, thân, lá, cành các loại cây trồng… có sẵn làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính.
Bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Môi trường) đánh giá, than sinh học có đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; đẩy mạnh quá trình rửa trôi muối, ức chế sự xâm nhập của Na+ cải thiện và phục hồi đất nhiễm mặn, tăng sức chống chịu của cây trồng, tăng giữ nước, giữ dinh dưỡng trong đất.
Than sinh học đã tạo một bước đi mới trong cuộc cách mạng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Hiện nay, đã có nhiều HTX tăng cường ứng dụng, đổi mới, chuyển giao KHCN trong quá trình sản xuất, nhất là các HTX có đủ năng lực tài chính, có nhu cầu hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ. Bộ TN&MT luôn khuyến khích tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đặc biệt là tích cực nhân rộng các mô hình HTX sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ mới, hoạt động hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính”, bà Phương cho hay.
Tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc HTX Phú Cường cho biết, Với nguồn vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng huy động từ các thành viên và sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng trong tỉnh, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng gồm 10 lò đốt than, khu chứa nguyên liệu, nhà kho đóng gói và bảo quản than thành phẩm, mua sắm một số máy móc, trang thiết bị đồng bộ, bán tự động phục vụ sản xuất, như: Máy sàng, dàn máy sấy, máy ép, băng chuyền, xe xúc lật.
Nhờ nguồn nguyên liệu mùn cưa sẵn có, giá thành rẻ, quy trình chế biến khép kín, sản phẩm than sinh học của HTX Phú Cường ngày càng chinh phục được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh với những đặc tính hữu ích, an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.
“Để tạo ra than sinh học, phải qua các bước như: xử lý nguyên liệu, xây dựng lò đốt và thực hiện quy trình đốt. Đối với nguyên liệu, mùn cưa sau khi được phối trộn thêm các phụ gia, nguyên liệu sẽ được ủ mục, nghiền nhỏ để trở thành mùn hỗn hợp. Sau đó, được ép thành hình ống với độ dài khoảng 50cm, rỗng ruột, cuối cùng đem nung trong lò khoảng 70 giờ và tiếp tục ủ từ 13 - 15 ngày để chuyển hóa thành than”, ông Phương nói.
Ưu điểm vượt trội của than sinh học là không khói, không mùi, cháy lâu, giá thành rẻ và không gây độc hại cho môi trường cũng như người sử dụng. Ngoài ra, than sinh học còn có thể sử dụng làm chất phụ gia đưa vào đất trồng để cải tạo đất.
Mô hình này không chỉ tạo được chất đốt an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mở ra triển vọng giải quyết tình trạng khan hiếm chất đốt ở nông thôn. Đặc biệt là góp phần giải quyết số lượng lớn phế phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp và giảm một phần chi phí rất lớn trong việc xử lý chất thải là các phụ phẩm nông, lâm nghiệp ra môi trường.
Có thể thấy, than sinh học đã giải quyết được hầu hết các vấn đề môi trường cấp thiết như: Chống ô nhiễm nguồn đất, tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường khỏi hiệu ứng nhà kính… Từ đó, tạo một bước đi mới trong cuộc cách mạng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
(Nguồn: vnbusiness.vn)
LInk gốc: https://vnbusiness.vn/kinh-doanh-xanh/da-loi-ich-tu-than-sinh-hoc-1086386.html