Thứ năm, 25/11/2021, 18:01
Nhiều Hiệp hội muốn được đối thoại với Bộ Tài nguyên và Môi trường
Liên quan đến những bất cập của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều luật Bảo vệ môi trường 2020, 12 Hiệp hội ngành nghề đề nghị được đối thoại với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mặc dù đã có nhiều góp ý, kiến nghị gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) thể hiện những quan ngại về một số quy định tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường 2020 (dự thảo) còn bất cập, không phù hợp với các luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến phát sinh thủ tục hành chính, tạo cơ chế xin – cho, nếu được thông qua.
Thế nhưng, cho đến nay, những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa được cơ quan soạn thảo tiếp thu, phản hồi hay chỉnh sửa một cách đầy đủ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây khó cho hoạt động, kìm hãm sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
12 Hiệp hội ngành nghề đề nghị được đối thoại với Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều luật Bảo vệ môi trường 2020. Ảnh minh họa.
Trước thực trạng đã nêu, 12 Hiệp hội gốm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hiệp hội Chè Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; Hiệp hội Sữa Việt Nam; Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Hiệp hội Các nhà Sản xuất xe máy Việt Nam; Hiệp hội Thực phẩm Châu á; Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế; Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam; Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean và Hiệp hội Croplife Việt Nam tiếp tục có văn bản về việc “Góp ý, kiến nghị và đề xuất một cuộc họp đối thoại về một số nội dung bất cập lớn tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường 2020 đã trình Chính Phủ” gửi Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành, các Bộ, ngành liên quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo các Hiệp hội, trong dự thảo mới nhất mà Bộ TN&MT trình Chính phủ để xem xét ban hành, ngoài một số vấn đề đã được tiếp thu, vẫn còn nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết, mà nếu được thông qua, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp.
Các Hiệp hội khẩn thiết, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT và Văn phòng Chính phủ tổ chức một cuộc họp đối thoại với các Hiệp hội để các Hiệp hội có thể nêu các ý kiến chi tiết, giúp hoàn thiện dự thảo Nghị định có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ tạo ra những quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp, trước đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường cũng từng bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" vì những bất cập. Ảnh minh họa.
Cũng tại nội dung văn bản của mình, 12 Hiệp hội doanh nghiệp cũng cho biết, đã có thư kiến nghị ngày 08/11/2021 đề nghị Thủ tướng xem xét góp ý của các Hiệp hội, và đề nghị Văn phòng Chính phủ tổ chức đối thoại để làm rõ và giải quyết những quan ngại đã nêu xoay quanh nội dung dự thảo, đồng thời, nhiều tổ chức khác cũng có thư kiến nghị tới Chính phủ ngày 20/10/2011, 04/11/2021 và 09/11/2021.
Trong đó, ngày 18/11/2021, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển số 2238/PC-VPCP chuyển các kiến nghị này đến Bộ TN&MT xem xét để hoàn thiện dự thảo, nhưng cho đến nay, các Hiệp hội vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ TN&MT.
Được biết, không chỉ tạo ra những quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp, quá trình thẩm định dự thảo trước đó, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra nhiều quy định bất hợp lý, thiếu cơ sở khoa học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, tại văn bản báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường số 154/BCTĐ-BTP ngày 06/10, Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ: Quy định về tham vấn chưa làm rõ trường hợp tham vấn lấy ý kiến nhưng có nhiều ý kiến không nhất trí thì xử lý thế nào?; Bắt buộc thời gian vận hành thử nghiệm tối thiểu là 3 tháng, gây tốn kém chi phí cho những trường hợp không cần vận hành thử nghiệm dài; Quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư không phân biệt doanh nghiệp cũ và mới, khiến doanh nghiệp đã hoạt động vẫn phải di dời.
Đồng thời, Quy định về ghi nhãn không phù hợp với Nghị định 43/2017/NĐ-CP, không phù hợp thông lệ quốc tế, không phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp; Lộ trình lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy không phù hợp, sẽ dẫn đến các nhà máy đóng cửa hàng loạt vào 01/01/2026; Giới hạn điều kiện kinh doanh, phát sinh thủ tục hành chính của bên được ủy quyền tổ chức tái chế, mâu thuẫn với Điều 7 luật Đầu tư; Quan trắc tự động rất tốn kém cho doanh nghiệp, nhưng chưa rõ cơ sở khoa học đưa ra mức quan trắc tự động, đánh đồng một mức cho các loại xả thải khác nhau…
Xin được nhắc lại luật Bảo vệ môi trường 2020 là một luật lớn có tác động sâu rộng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều luật Bảo vệ môi trường 2020 là “kim chỉ nam” đưa luật vào thực tiễn, nếu không giải quyết được những vướng mắc, hạn chế đang tồn tại mà đã vội thông qua, không chỉ khó đưa chính sách vào áp dụng mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực lên hoạt động sản xuất, kìm hãm sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
(Nguồn: diendandoanhnghiep.vn).