Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ ba, 21/05/2024, 06:00

Nhan nhản khóa học hè lừa đảo trên mạng

Kỳ nghỉ hè của học sinh đang đến gần, trên mạng xã hội hiện đã xuất hiện hàng loạt quảng cáo các khóa học kỹ năng lừa đảo bằng "chiêu" khuyến mãi, cấp học bổng, “chốt đơn” càng nhanh giảm giá càng nhiều...

Nhiều "chiêu thức"lừa tiền

“Mùa hè quân đội - chúng em là phi công, sẽ giúp con rèn luyện kỷ cương quân đội, bổ sung kiến thức quốc phòng, nhảy dù và thoát nạn trên máy bay, đồng thời giúp con học cách yêu thương bản thân, giải tỏa năng lượng dồn nén”… Đây là nội dung quảng cáo của một khóa học hè trên Facebook. Trang này cho biết đơn vị tổ chức là “Đại học quốc gia Việt Nam” liên kết với “một tổ chức không quân” thực hiện. Trên thực tế, Việt Nam không có đại học nào mang tên này.

Phụ huynh tìm hiểu về khóa học hè bị dẫn dụ vào một nhóm trên ứng dụng Telegram, tham gia các thử thách bằng cách chuyển tiền để tương tác - Ảnh chụp màn hình.

Sau khi nhắn tin hỏi thăm với tư cách phụ huynh, chúng tôi được yêu cầu kết bạn Zalo với một tài khoản tên Mai Linh. Người này cho biết, khóa học dành cho lứa tuổi 7-16, được tổ chức trong dịp hè trên toàn quốc. Nếu phụ huynh đăng ký học ngay trong tháng Năm, học sinh sẽ được miễn học phí nếu đạt thành tích tốt trong khóa học, cấp học bổng 15 triệu đồng. Đăng ký xong, nhân viên tư vấn này yêu cầu chúng tôi đăng nhập vào ứng dụng Telegram, vào nhóm phụ huynh để tham gia vòng sơ tuyển. Một nhóm người tự xưng là phụ huynh liên tục làm theo các hướng dẫn trong nhóm, thậm chí còn có người nhắn tin riêng với người mới để “động viên”, hối thúc chuyển khoản như những người khác để nhận ưu đãi.

“Sau khi hoàn thành bài kiểm tra của Trại hè phi công 2024 và có biểu hiện xuất sắc, học viên sẽ được chương trình hỗ trợ khóa học nâng cao và dẫn dắt đi tham gia biểu diễn ở các lữ đoàn phòng không, không quân trên mọi miền tổ quốc (hoàn toàn miễn phí)...”, điều phối viên của chương trình này viết trong nhóm.

Nhiều trang mạo danh, lấy hình ảnh, logo của Học viện Hàng không Việt Nam để quảng cáo các khóa trại hè.

Một phụ huynh là chị Hà Thu Trang (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết chị đã làm theo các hướng dẫn này và chỉ trong vòng 15 phút, chị đã mất 45 triệu đồng. Chị kể: “Lúc đầu, họ yêu cầu chuyển khoản 599.000 đồng, chỉ vài phút sau tôi được trả lại. Số tiền sau đó tăng dần, khi đã chuyển trên 10 triệu đồng thì họ lấy lý do lỗi cú pháp nên không thể chuyển trả lại và yêu cầu tôi đóng thêm 10 triệu, 20 triệu đồng để lấy lại tiền đã đóng. Khi chuyển hết 45 triệu đồng, thấy tôi nghi ngờ, họ lập tức chặn tôi”.

Tương tự, fanpage mạo danh “Trải nghiệm - Hàng không quốc gia 2024” liên tục rao tuyển sinh các khóa hè với nội dung: trẻ được trải nghiệm hàng không chân thực, được chuyên gia và đội ngũ hướng dẫn trải nghiệm thực tế làm phi công… Khi nhấn vào tìm hiểu, phụ huynh cũng được nhân viên tư vấn nội dung khóa học hấp dẫn, hối thúc chuyển khoản ngay để nhận ưu đãi, học bổng.

Ngoài ra còn có hàng loạt khóa học khác như: trải nghiệm làm chiến sĩ biên phòng, làm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy; làm tiếp viên hàng không… quảng cáo nhan nhản trên mạng với "chiêu thức" tương tự. Các nhóm lừa đảo này liên tục cập nhật danh sách chuyển khoản chốt đơn (giả) của những phụ huynh khác vào nhóm khiến nhiều người “sập bẫy”, mất hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Cần kiểm chứng nhiều bước

Ông Nguyễn Minh Tùng - Trưởng phòng Tuyển sinh - Công tác sinh viên (Học viện Hàng không Việt Nam) - cho biết: hiện có rất nhiều fanpage mạo danh Học viện Hàng không Việt Nam với thủ đoạn tinh vi nhằm tạo lòng tin của khách hàng. Chẳng hạn lấy logo, bài viết, hình ảnh từ trang website, Facebook, fanpage của nhà trường quảng cáo, rao bán các khóa học trải nghiệm hàng không dịp hè. Ông khẳng định học viện không tổ chức bất kỳ khóa học trải nghiệm hàng không hè nào cho học sinh. Phụ huynh cần đề cao cảnh giác để tránh bị lừa gạt.

Theo ông Lương Dũng Nhân - Giám đốc đào tạo Hệ thống giáo dục ATY - việc lựa chọn các khóa học được quảng cáo trên mạng cũng là một kỹ năng, năng lực khi “mua sắm trực tuyến”. Để không bị lừa, phụ huynh phải kiểm chứng thông tin qua nhiều bước. Đầu tiên, cần kiểm tra địa điểm tổ chức. Nếu chương trình quảng cáo đưa ra nhiều nội dung thu hút nhưng không ghi rõ văn phòng/trụ sở, mập mờ thông tin khóa học thì phụ huynh cần cảnh giác. Thậm chí, với các đơn vị có ghi thông tin địa điểm, phụ huynh nên tới trực tiếp tìm hiểu, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, địa điểm sẽ diễn ra khóa học. Khi đăng ký, chủ tài khoản để thu phí thường là các công ty, đơn vị tổ chức. Nếu người đứng tên tài khoản là cá nhân, phụ huynh không vội chuyển khoản mà cần đặt nghi vấn.

“Với những đơn vị lừa đảo, họ sẽ cố gắng chốt đơn càng nhanh càng tốt. Họ tung nhiều chương trình ưu đãi, thao túng tâm lý người mua, lúc này phụ huynh cần tỉnh táo, thoát ra ngay khỏi nhóm hoặc kết thúc cuộc gọi để bình tâm, kiểm tra lại. Không vì ham khuyến mãi, học bổng mà chuyển tiền vào lúc này” - ông Lương Dũng Nhân cảnh báo.

Ông cũng lưu ý, nhằm tăng độ tin tưởng, những khóa học lừa đảo còn quảng cáo liên kết với các cơ quan nhà nước như: công an, phòng cháy chữa cháy, quân đội… Để làm những chương trình này, đơn vị tổ chức phải có văn bản ký kết 2 bên, phụ huynh cần kiểm tra tính pháp lý cẩn thận trước khi đăng ký.

Nhiều khóa học khiến học sinh, phụ huynh thêm hoang mang

Theo ông Nguyễn Minh Thành - nghiên cứu sinh tâm lý học (Đại học Catholique Louvain, Bỉ), ngoài những khóa học lừa đảo còn xuất hiện nhiều khóa học phản giáo dục, kém chất lượng. Nhiều người tự xưng là chuyên gia, mở các khóa học với mức học phí từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, dành cho cả học sinh và phụ huynh. Điều đáng lo ngại là những khóa học này không được kiểm chứng về chất lượng, nhiều người không có chuyên môn nhưng vẫn mở lớp và dùng nhiều chiêu thức để tuyển sinh. Trong đó có nhiều khóa học có nội dung phản giáo dục, phân biệt giới tính, tổ chức chương trình sơ sài, thậm chí có những hoạt động không phù hợp với trẻ.

Việc liên tục theo dõi và tin vào những nội dung này có thể làm cho cha mẹ lâm vào tình trạng: tự trách bản thân vì luôn thấy mình sai lầm, tồi tệ trong việc nuôi dạy con cái; gia tăng sự so sánh xã hội khi liên tục đối chiếu mình với những cha mẹ hoàn hảo được xây dựng “ảo” trên mạng xã hội; gia tăng chủ nghĩa hoàn hảo trong việc nuôi dạy con khi liên tục đặt ra áp lực và kỳ vọng cho bản thân và con cái, vượt quá mức thực tế.Ông khuyên phụ huynh nên sáng suốt, cân nhắc khi lựa chọn bất kỳ khóa học nào cho cả con lẫn cha mẹ.

Nguyễn Loan

Đăng ký khóa học hè cho con, mẹ bị lừa mất 1 tỉ đồng

Mới đây, Công an TP Hà Nội vừa cảnh báo nhiều trường hợp bị lừa tiền khi đăng ký các khóa trại hè. Điển hình như trường hợp chị M. tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Sau khi lên mạng xã hội tìm kiếm khóa học hè cho con, chị thấy nhiều fanpage với nội dung quảng cáo tham gia “Học kỳ trong quân đội 2024”. Các tài khoản này giới thiệu có kết nối các đơn vị quân đội trên toàn quốc và học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng vũ trang; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị quân đội. Mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị quân đội khiến chị càng tin tưởng.

Liên hệ với trang mạng này, chị được dẫn dụ cho số điện thoại và chuyển sang nhắn tin Zalo, Telegram. Chị được yêu cầu thực hiện các “khảo sát” để đạt điểm tín nhiệm cao. Cụ thể tham gia “khảo sát 1” với số tiền hơn 3 triệu đồng, “khảo sát 2” với số tiền hơn 10 triệu đồng, chị M. đều được hoàn lại tiền và được trả phí khảo sát nhỏ. Khi tham gia “khảo sát 3” với số tiền 35 triệu đồng, chị M. không nhận được tiền. Các đối tượng lấy lý do khác nhau yêu cầu chị tiếp tục chuyển tiền để được lấy lại số tiền chưa được hoàn. Chỉ trong vòng 5 tiếng, chị M. đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) khuyến cáo, khi muốn đăng ký cho con học những khóa trải nghiệm, kỹ năng, phụ huynh nên liên hệ hoặc gọi điện thoại đến các trường, đơn vị để hỏi, xác minh rõ ràng. Việc đăng ký nên thực hiện trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản. “Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền” - đại diện Công an TP Hà Nội lưu ý.

M. Quang

(Nguồn: phunuonline.com.vn)

Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/nhan-nhan-khoa-hoc-he-lua-dao-tren-mang-a1518934.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Sẽ là lễ khai mạc đặc biệt nhất lịch sử Olympic

Lại cháy hơn 20 chiếc xe điện du lịch ở Hội An

Olympic 2024 khai mạc ấn tượng

Bóng đá nam Olympic không dành cho những ngôi sao lớn?

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829