Thứ sáu, 16/12/2022, 06:00
Nhà vượt lũ bỏ hoang ở Đồng Tháp Mười
Hàng trăm căn nhà vượt lũ ở Đồng Tháp Mười bị bỏ hoang do người dân thất nghiệp, về lại nhà cũ hoặc bỏ quê đến nơi khác làm công nhân.
Những ngày cuối tháng 11/2022, sau cơn mưa lớn, chị Nguyễn Thị Diễm (32 tuổi) cùng chồng dùng tấm bạt che chắn các lỗ thủng trên mái của căn nhà gạch đã mục nát tại Tuyến dân cư ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Vợ chồng chị Diễm quê tỉnh Cà Mau, trước đây, đến địa phương cất chòi tạm ở bờ sông để làm nghề lột vỏ cây. Mấy năm trước, thấy những căn nhà vượt lũ của người dân địa phương bỏ hoang nên anh chị xin vào ở tạm.
Những căn nhà bị bỏ hoang ở ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng.
Sát vách căn nhà này, một căn nhà vượt lũ khác cũng trong tình trạng xây thô chưa tô, chưa gắn cửa, bị bỏ hoang trống trước, trống sau, bên trong cỏ dại, dây leo mọc đầy, làm nhà cho chuột, gián.
Theo ghi nhận, dọc Tuyến dân cư Cả Nổ, có khoảng 30 căn nhà bỏ hoang. Ngoài những căn nhà có người dân nơi khác đến ở tạm, nhiều căn được tận dụng làm nhà kho, nuôi vịt; một số căn đã quá cũ, tường bị đổ sập gần hết; có căn sau nhiều năm mưa, nắng, chỉ còn lại nền nhà. Ông Trần Văn Bé (61 tuổi, người dân ấp Cả Nổ) cho biết, trừ một số hộ từ lúc nhận nhà nhưng không đến ở, một số căn còn lại, người dân có đến ở một thời gian, sau đó khóa cửa nhà đi làm xa, mỗi năm đến tết mới trở về.
Cách đó hơn 40km, Tuyến dân cư ấp Mương Khai, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa cũng xảy ra tình trạng tương tự với 10 căn nhà vượt lũ bị bỏ hoang. Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Võ Văn Hiền thông tin, toàn xã có 160 lô đã hoàn thiện hạ tầng, người dân vào ở hết. Trước đây, trên địa bàn xã có một số cơ sở đan lục bình nhưng qua đợt dịch Coivid-19 đã ngưng hoạt động. Nhiều năm lũ thấp, ít cá, tôm, người dân không có kế mưu sinh, ở địa phương cũng không có cơ sở giải quyết việc làm nên họ phải bỏ nhà đến nơi khác làm việc.
Những căn nhà vượt lũ tại xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An - Nguyễn Văn Trang, tỉnh có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở 10 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường với gần 34.000 lô nền (20.000 lô thuộc hộ đối tượng, còn lại lô nền sinh lợi), tổng vốn đầu tư dự án gần 940.000 tỉ đồng. Hiện có khoảng 30.000 lô, nền đã bàn giao cho người dân, đạt 88%. Trong đó, có gần 20.000 căn nhà đã xây xong, có người vào ở, đạt 59%. Các cụm, tuyến hoàn thiện đường giao thông, hệ thống thoát nước, điện, nước khoảng 58%.
Tuy nhiên, 2 năm trước, Chính phủ qua xem xét nhận thấy, các hộ này có điều kiện kinh tế khó khăn, không thể xây dựng nhà ở nên đã cho phép để lại cho cha, mẹ, vợ (chồng), con thừa kế hoặc chuyển nhượng cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Trang, chương trình cụm, tuyến dân cư vùng lũ đã phát huy tác dụng, hỗ trợ chỗ ở kiên cố cho người dân vùng lũ an tâm sinh sống. Tuy nhiên, qua nhiều năm lũ thấp, thiếu việc làm nên tỷ lệ người dân vào ở chưa cao. Tỉnh đang yêu cầu các địa phương thống kê lại số lượng, về lâu dài sẽ hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ việc làm cho người dân, khắc phục tình trạng bỏ cụm, tuyến dân cư hoặc trở về nơi cũ sinh sống./.
Chương trình cụm, tuyến dân cư vùng lũ Đồng bằng sông Cửu long (giai đoạn 1) từ năm 2001-2008 được triển khai tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An và TP.Cần Thơ. Dự án có tổng vốn gần 5.800 tỉ đồng với 804 cụm, tuyến dân cư, hỗ trợ 146.000 hộ dân sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt giai đoạn 2 của chương trình, gồm 179 dự án cụm, tuyến với 56.000 hộ dân của tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP.Cần Thơ. Tổng kết chương trình năm 2015, Thủ tướng đồng ý cho kéo dài giai đoạn 2 của chương trình đến năm 2020 với 8.400 hộ dân thuộc chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 168 tỉ đồng.
(Nguồn: Long An Online).
Link gốc: https://baolongan.vn/nha-vuot-lu-bo-hoang-o-dong-thap-muoi-a146570.html