Đang tải ...
  
chưa có chuyên mục 3

Thứ bảy, 08/01/2022, 20:00

Nhà hát 'khát' kịch bản hay

Các nhà hát đồng thời nhận kịch bản tác giả gửi, của Hội Sân khấu chuyển sau các trại sáng tác, hay qua giới thiệu cá nhân. Nhưng kịch bản vẫn khan hàng.

Một vở dựng nhiều lần, vở cũ càng dựng nhiều lần

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết: “Nhà hát chúng tôi cũng có mấy nguồn tìm kịch bản. Các tác giả chủ động gửi kịch bản đến. Hội Sân khấu cũng hay gửi kịch bản về. Một kênh khác là từ bạn bè, từ những nhà văn, hay người yêu văn học yêu sân khấu. Có ba kênh như vậy, nhưng vẫn khó kiếm kịch bản hay”.

"Hoa cúc xanh trên đầm lầy", kịch bản Lưu Quang Vũ, bản dựng của Nhà hát Tuổi trẻ. 

Thiếu kịch bản nên tác giả Chu Thơm cho biết việc một kịch bản được dựng đi dựng lại là chuyện thường ngày. Kịch bản Giai nhân và anh hùng của ông cũng được dựng đi dựng lại trong nhiều năm. Mới đây, tại Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc, vở Ao làng của ông cũng được Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại sau khi Nhà hát Tuồng dựng. Đoàn kịch tư nhân của đạo diễn Trần Lực cũng chủ yếu dựng lại vở cũ, đó là Quẫn của Lộng Chương và mới đây là Bạch đàn liễu của Xuân Trình…

Chưa kể, theo ông Chu Thơm, nhiều kịch bản của Lưu Quang Vũ cũng được dựng lại liên tục tại các đơn vị sân khấu có thực lực như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam… trong hàng chục năm qua, như Bệnh sĩ, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tin ở hoa hồng, Người tốt nhà số 5, Ai là thủ phạm, Hồn Trương Ba da hàng thịt…

Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết đúng là sân khấu Việt Nam đang rất thiếu và yếu kịch bản. Vì thế, việc dựng lại các kịch bản cũ, trong đó có kịch Lưu Quang Vũ, là dễ hiểu. Về phía nhà hát, việc dựng lại kịch bản đã thành công sẽ an toàn, dễ quảng bá, đồng thời còn có thể tiết kiệm được chi phí.

Điểm đáng khuyến khích nhất của việc dựng lại kịch bản cũ, theo ông Dương, là thế hệ khán giả mới có cơ hội tiếp cận và nhận thức về một thời kỳ đã qua. “Tuy nhiên, một nhà hát thực sự có năng lượng sáng tạo và nội lực bền vững, cần thu hút khán giả bằng các tác phẩm mới, chạm đến được nhiều tầng cảm xúc của hôm nay, ngân rung những âm hưởng tiên phong của thời đại”, ông Dương chia sẻ.

"Hồn Trương Ba da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ được dựng đi dựng lại nhiều lần. 

Kịch bản sân khấu… thiếu tính sân khấu

Ông Chu Thơm cho biết các nhà biên kịch sân khấu cũng rất năng động tiếp cận nhà hát. “Bây giờ có nhiều người làm một cái kịch bản song rồi gửi trên mạng hoặc in thành sách và mang đến để chào. Gọi là đi bỏ mối đấy. Nên vấn đề là phải có kịch bản hay thôi, chứ không sợ có kịch bản hay mà nhà hát không biết. Khan hiếm kịch bản là vấn đề của người viết”, ông nói.

Cũng chính vì thế, khi NSND Triệu Trung Kiên mở “chợ kịch” để người trong nghề chào bán kịch bản đã không có mấy tác dụng. Ông Nguyễn Sĩ Tiến cho biết nhà hát ông không mua được kịch bản nào từ “chợ” đó.

Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Cần thừa nhận rằng đa số tác giả kịch bản xuất phát điểm là các nhà văn, nhà thơ. Có cả nhà báo, họa sĩ và đôi khi là cả những nhà quản lý hoặc làm những ngành nghề chuyên môn hoàn toàn không liên quan đến kịch học. Bởi vậy, nhiều kịch bản đọc có vẻ rất hay vì nó tràn đầy cảm xúc và ngôn ngữ của tác giả, nhưng tính sân khấu rất thiếu nên sẽ vô cùng khó dựng”.

"Thiên mệnh", Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu kịch nói 2021, đặt vấn đề trách nhiệm người đứng đầu đất nước. Ảnh: Nhà hát kịch Việt Nam. 

Theo nhà biên kịch Chu Thơm, thời gian gần đây, năm nào Hội Nghệ sĩ sân khấu cũng tổ chức trại sáng tác kịch bản. “Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhất là NSND Thúy Mùi (Chủ tịch Hội) rất chú ý sáng tác kịch bản. Nhưng có phải đâu cứ đi sáng tác nhiều là được kịch bản. Có nhiều người tuần nào cũng có nước mắt, trại nào cũng có mặt mà sáng tác thì không thấy ra”, ông Chu Thơm nói.

Cũng theo ông Chu Thơm, một vấn đề nữa dẫn đến thiếu kịch bản hay là độ cởi mở của người duyệt vở. “Tất nhiên, kịch Lưu Quang Vũ phải hay thì người ta mới dựng lại, và kịch dựng được vì nó an toàn, đã được khẳng định dù nói vấn đề gai góc. Nhiều người ngại đi tìm cái mới vì sợ động chạm nhiều thứ. Tức là khâu kiểm duyệt kịch bản cũng nhạy cảm”, ông Chu Thơm nói.

Bộ VH-TT-DL đang có kế hoạch xây dựng đề án phát triển văn học nghệ thuật với quy mô chương trình mục tiêu quốc gia. Trong dự thảo đầu tiên “Đề án nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021 - 2015” được đưa ra lấy ý kiến Hội Nhà văn Việt Nam, cũng có đoạn nhắc tới sân khấu. Theo đó, dự kiến có việc phát động sáng tác và đặt hàng kịch bản văn học từ 2023 - 2024.

(Nguồn: Giáo dục online)

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829