Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ bảy, 09/11/2024, 12:00

Nhà ga, không chỉ là nơi để lên tàu

Ở nhiều nước phát triển, nhà ga không chỉ là đầu mối giao thông đường sắt. Không gian này vừa là nơi kết nối nhiều loại hình giao thông khác nhau, vừa trở thành trung tâm mua sắm, ẩm thực, giải trí, trưng bày triển lãm… và là điểm hẹn của nhiều người.

Nữ hành khách trình diễn piano trong khi chờ lên tàu tại ga Formosa ở Cao Hùng.

Không gian giải trí

Hầu hết nhà ga lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Ba Lan… mà tôi từng đi qua, đều là những trung tâm mua sắm và giải trí lớn nhất vùng đó.

Hai lần sang Nichibunken ở Kyoto (Nhật Bản) để dự hội thảo và tập huấn chuyên môn vào các năm 2011 và 2013, hầu như tối nào, nhóm học giả đa quốc tịch chúng tôi cũng bắt xe bus đến ga Kyoto để thư giãn. Có nhiều tiệm café, tiệm kem, hàng quán… từ bình dân đến sang trọng, phục vụ từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm.

Đó là chưa kể hệ thống cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, Lawson… bao quanh nhà ga, phục vụ 24/7. Trong khuôn viên nhà ga còn có phòng tập gym, sàn chơi bowling, rạp chiếu phim và hiệu sách rất lớn, bán đủ thể loại sách bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ phổ dụng khác.

Năm nay qua Đài Loan nghiên cứu, tôi lưu trú và làm việc tại Academia Sinica ở Đài Bắc. Cứ mỗi cuối tuần, tôi lại bắt xe bus, đi 8 phút thì tới ga Nam Cảng để mua sắm, ăn uống và giải trí.

Sự kiện tư vấn sức khỏe tâm thần cho du khách tại ga Formosa ở Cao Hùng.

Đầu tháng 4/2024, khi có trận động đất mạnh 7,5 độ Richter xảy ra ở Hoa Liên, miền Trung Đài Loan, thì Đài Bắc cũng bị ảnh hưởng: cây đổ hàng loạt, đường sá sụt lở nhiều nơi, nhiều tòa nhà cũ bị ảnh hưởng…, nên hệ thống vận chuyển đường sắt ở Đài Bắc tạm ngưng trong 1 giờ. Ngay sau động đất, tôi muốn biết người Đài Loan ứng xử với động đất như thế nào, nên bắt xe bus tới ga Nam Cảng. Rất bất ngờ là nhà ga đông đúc, nhộn nhịp như thường ngày.

Rất nhiều nhà ga ở Đức, Bulgaria, Pháp, Đài Loan… mà tôi từng ghé qua, còn là không gian văn hóa rất hấp dẫn. Tôi đã từng xem triển lãm tranh, tượng của các nghệ sĩ đương đại trong ga xe điện ngầm Brandenburg ở Berlin (Đức); tham quan khu trưng bày khảo cổ học dưới lòng ga tàu điện ở trung tâm Sofia (Bulgaria), thăm phòng triển lãm hiện vật khảo cổ thời Trung cổ trong ga metro nằm gần Đại học Sorbone ở Paris (Pháp)…

Và mới đây là xem phần trưng bày đồ gốm sứ Trung Hoa phục chế ở ga trung tâm Đài Bắc, quảng bá cho sưu tập gốm sứ “quốc bảo” các thời Tống - Nguyên - Minh - Thanh đang trưng bày tại Cố cung Bác vật viện Đài Loan.

Lưu dấu di sản

Ấn tượng nhất là phần trưng bày vết tích các tòa thành cổ có niên đại từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16 ở nhà ga trung tâm Sofia (Bulgaria). Khi xây dựng ga xe điện ngầm này, người ta phát hiện các bức tường gạch chôn vùi trong lòng đất, nên tạm dừng thi công. Các nhà khảo cổ học được phái đến và họ đã tiến hành khai quật trong nhiều năm liền, phát hiện một hệ thống thành quách, hào, lũy, mạng lưới cấp thoát nước cổ xưa tọa lạc ở đây.

Trưng bày khảo cổ học trong lòng ga trung tâm thành phố Sofia (Bulgaria).

Vậy là, một mặt người Bulgaria vẫn xây dựng nhà ga, mặt khác họ tiến hành hoạt động bảo tồn và trưng bày các vết tích khảo cổ ở khu vực: lộ thiên (trước lối vào sảnh chính của nhà ga) và trong lòng đất (nơi kết nối các sảnh chờ tàu liên kết các tuyến đường khác nhau). Khách đi tàu khi đến ga này sẽ được tham quan miễn phí phần trưng bày khảo cổ học, giới thiệu lịch sử và văn hóa của Sofia hàng trăm năm trước.

Tương tự, ga MRT Bắc Môn ở Đài Bắc, cũng được kiến lập trên “vùng đất di sản”. Ngay trong lòng ga, cách mặt đất chừng 15m, có một khu trưng bày dấu vết thành lũy của thời kỳ nhà Thanh (1683-1895) và thời kỳ người Nhật (1895-1945) quản lý hòn đảo này, cùng những hiện vật phát hiện khi khai quật khảo cổ học ở đây.

Du khách ăn uống trong Food Terrace ở ga Nam Cảng.

Trong khi đó, ga Formosa ở Cao Hùng (Đài Loan) là một địa chỉ thu hút du khách đến tham quan. Bởi, nơi đây có một mái vòm bằng thủy tinh màu, theo phong cách mosaic rất độc đáo, trùm kín khoảng không lớn nhất của nhà ga, nơi kết nối các tuyến đường màu đỏ và màu cam đi xuyên qua ga này.

Bản thân nhà ga là một tác phẩm nghệ thuật, đúng như tên của nó, do những nhà hàng hải người Bồ Đào Nha đặt cho Đài Loan, khi họ đặt chân lên hòn đảo này vào cuối thế kỷ 16: Ilha Formosa (Hòn đảo xinh đẹp), mà người Đài Loan chuyển ngữ thành Mỹ Lệ đảo.

Nhà ga ở xứ người không chỉ là nơi để bắt đầu hay kết thúc một chuyến đi. Đó là trung tâm kinh tế, địa chỉ văn hóa, nơi thỏa mãn thú ẩm thực và là chốn hò hẹn của nhiều người, cả cư dân bản địa, lẫn những kẻ lữ hành.

(Nguồn: baoquangnam.vn)

Link gốc: https://baoquangnam.vn/nha-ga-khong-chi-la-noi-de-len-tau-3143968.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Sắp diễn ra Lễ hội Ẩm thực Chay Xuân Ất Tỵ 2025 tại TPHCM

Rêu đá - Thức quà của dòng suối trong lành

Ngôi sao nhạc Pop vĩ đại nhất thế kỷ 21 gọi tên Beyoncé

Về xứ Thanh xem trò Xuân Phả có '1-0-2' tồn tại 1.000 năm

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829