Thứ ba, 12/04/2022, 09:03
Tìm cách 'thích ứng' với mặt bằng giá mới
Xăng, dầu, thực phẩm thiết yếu… tăng giá khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là sinh viên, người lao động thu nhập thấp... bị ảnh hưởng trực tiếp.
Khi không còn chọn lựa khác, việc thích ứng bằng cách tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu là phương án được nhiều người áp dụng để vượt qua khó khăn thực tại.
Ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Y tế An Giang, em Huỳnh Kim Giang (huyện Chợ Mới) không ở trọ lại TP. Long Xuyên mà chọn cách sáng đi học, tối chạy về nhà để tiết kiệm chi phí. Kim Giang cho biết, trước thời điểm xăng tăng giá, mỗi khi đổ đầy bình xăng xe khoảng 50.000 đồng, chạy đi và về được đôi ba lần. Tuy nhiên, hiện tại, đầy bình xăng đến 70.000 đồng, tính ra mỗi tháng tốn thêm hơn 300.000 đồng so với trước.
“Nhà em đơn chiếc nên thu nhập không ổn định, bởi vậy chi tiêu tăng lên, càng khó khăn. Để tiết kiệm, chiều em nói mẹ nấu cơm dư một chút để sáng hấp hoặc chiên lại ăn rồi mới đến trường, vừa đỡ tốn kém, lại an toàn. Còn khi đi thực tập ở bệnh viện, em ăn ở các bếp cơm từ thiện để tiết kiệm chi phí và bù vô các khoản chi tiêu khác” - Kim Giang tâm sự.
Người dân cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm tối đa để mong đủ trang trải cho cả nhà.
Nhà ở thị trấn An Châu (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) nên năm đầu tiên nhập học, em Lê Văn Nhân (sinh viên Trường Đại học An Giang) quyết định không ở trọ lại TP. Long Xuyên. Mỗi khi có lịch học là Nhân chạy xuống trường, học xong quay về nhà, vừa tiết kiệm được tiền trọ, vừa có thời gian phụ tiếp công việc trồng hoa, làm nấm rơm với gia đình. Tuy chạy đi và về có cực, nhưng tính toán chi phí các thứ, tiết kiệm được khá nhiều.
“Xăng lên giá gần 30.000 đồng/lít, giờ có giảm xuống một chút nhưng vẫn cao hơn lúc trước. Bởi vậy, mỗi tháng số tiền dành cho việc chi tiêu của sinh viên như em tăng lên rất nhiều. Ở trọ tốn kém đủ thứ, đi về như vậy có cực một chút, nhưng đỡ tốn hơn, mà giờ cũng đâu vô đó cả rồi” - Nhân giải thích.
Đã 75 tuổi, ông Trần Văn Sơn (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) làm nghề chạy “xe ôm” để kiếm sống qua ngày, vừa lo tiền ăn, vừa góp tiền trọ mỗi tháng. Ông Sơn cho biết, hiện giờ khách đi ít, nên mỗi ngày kiếm được khoảng 40.000-50.000 đồng.
“Lúc dịch bệnh khó khăn thì khỏi nói, nhưng giờ tình hình chẳng khá hơn, mỗi ngày chỉ chạy được vài cuốc xe. Bởi vậy, dù xăng lên nhiều, tôi cũng chẳng dám tăng giá, sợ người ta chê mắc, không đi thì tiền đâu mà ăn cơm, đóng tiền trọ. Lúc nào được cho gạo thì đỡ khoản đó, giờ mua gạo giá cũng lên, đồ ăn cũng lên. Tháng nào không bệnh đau thì đủ ăn, đủ sống, già rồi đâu có ăn uống gì nhiều mà tốn, lây lất qua ngày”- ông Sơn thiệt tình nói.
Anh Huỳnh Văn Đậm (huyện Châu Thành) làm nghề chạy xe dịch vụ cho biết, từ thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, hợp đồng thuê xe đi du lịch trong và ngoài tỉnh rất nhiều. Chưa kịp mừng vì được làm việc, kiếm tiền sau khoảng thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh thì… xăng tăng giá.
“Giá xăng dầu tăng kéo theo giá giữ xe, quán ăn tăng… Dù vậy, giá hợp đồng khách hàng vẫn không tăng, vì thời buổi kinh tế khó khăn, thêm cạnh tranh nữa, nếu lấy giá cao quá ai đâu mà thuê xe. Bởi vậy, thời điểm này chạy nhiều cuốc không đâu có lời được như trước. Mà không chạy cũng đâu được, tiền nợ vay ngân hàng, tiền tài xế, tiền thay nhớt, bảo trì xe… bao nhiêu thứ phải trả” - anh Đậm thông tin.
Để tiết kiệm chi phí trong kinh doanh, anh Đậm kết nối các anh em cùng làm nghề dịch vụ thuê xe ở huyện Châu Thành lại với nhau. Nhóm xe của anh Đậm có đủ các loại xe từ 4-29 chỗ. “Nhờ mình vô nhóm, xe nhiều nên mỗi lần đổ xăng dầu đều được ưu đãi, mỗi lít xăng rẻ hơn 200 đồng. Giờ cái nào cũng tốn kém, giá cả tăng nên ráng thích ứng” - anh Đậm chia sẻ.
Tay xách đồ đạc lỉnh kỉnh, bà Lê Thị Dung tranh thủ ghé sạp rau cải ở chợ Mỹ Quý (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) để chọn lựa vài loại rau về nấu bữa cơm trưa cho gia đình. Vừa lựa rau, bà Dung vừa than: “Giờ ra chợ hỏi cái gì cũng tăng giá, từ dầu ăn cho đến nước tương, nước mắm… Mới hôm trước mua giá này, nay ra mua người ta báo giá lên tới mấy ngàn đồng mỗi loại, giá xăng lên, chi phí vận chuyển tăng nên phải tăng theo. Toàn những mặt hàng thiết yếu, không mua cũng không được, bởi vậy bắt buộc phải mua, chi tiêu bây giờ phải tính toán thật kỹ lưỡng, cẩn thận. Bởi vậy, mỗi lần đi chợ là tôi tranh thủ mua đồ ăn cho vài ngày, nấu đồ ăn sáng tại nhà cho tiết kiệm, an toàn hơn”.
Nghe chia sẻ của bà Dung, chị Phương (chủ sạp rau cải) vừa cân rau, vừa chia sẻ: “Đầu mối tăng ít, nên mình giữ giá cũ bán cho bà con, ai cũng khổ nên chia sẻ được gì là tiếp liền. Nhưng một số loại rau, củ, quả có xuất xứ từ Đà Lạt, do vận chuyển xa nên chi phí đội lên, bắt buộc mình phải tăng giá, mà giá tăng thì bán chậm, cũng khổ”.
Mỗi người đều có cách tiết kiệm riêng tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của mình, nhưng ai cũng cố gắng tính toán lại, xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý để có thể trang trải đủ chi phí cho gia đình.
(Nguồn: Báo An Giang).
link gốc: https://baoangiang.com.vn/doi-song-chat-vat-vi-gia-ca-leo-thang--a330468.html