Thứ tư, 19/01/2022, 16:00
Ngôi làng chỉ dùng điện 3 giờ mỗi ngày
Ngôi làng Rumbak có lịch sử hình thành khoảng 400 năm trước, hiện nay được biết tới như một điểm dừng chân của những người leo núi và đặc biệt là người dân ở đây chỉ dùng điện 3 giờ mỗi ngày.
Ngôi làng hẻo lánh không có đường sá đi tới. Nguồn: DAILY MAIL
Làng Rumbak nằm ở độ cao 3.960m so với mực nước biển, tại vùng Ladakh, phía Tây Bắc Ấn Độ. Với dân số khoảng 200 người, cộng đồng nhỏ này sống chủ yếu bằng nghề nông.
Bởi vị trí cách trở, hẻo lánh mà nơi đây không thể tiếp cận bằng phương tiện giao thông bình thường, không có đường dành cho xe chạy. Những con lừa là phương tiện chính để vận chuyển hàng hóa. Còn bình thường chỉ có thể đi bộ đến làng với thời gian khoảng 2 giờ.
Nơi đây cũng “vắng bóng” sóng điện thoại và người dân chỉ được dùng điện trong khoảng thời gian nhất định 3 giờ tối mỗi ngày, bắt đầu từ 20 giờ.
Những ngôi nhà ở Rumbak làm theo phong cách Tây Tạng với phần mái nhà bằng phẳng, tường sơn màu trắng với các khung cửa sổ, cửa ra vào được chạm khắc gỗ tinh xảo.
Do ở khu vực núi cao, khi mùa đông tới nhiệt độ ở đây có thể xuống tới -200C. Với khí hậu khắc nghiệt, người dân thường sử dụng và đãi khách những loại thực phẩm ấm nóng kiểu truyền thống, tiêu biểu như trà bơ.
Thức uống làm từ trà đen, bơ Yak, muối, sữa bò giàu năng lượng, có lợi cho sức khỏe của người dân vùng cao phổ biến không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở các khu vực khác thuộc dãy Himalaya.
Một mảng xanh tại làng Rumbak.
Hình thành cách đây khoảng 400 năm, tuy là vùng xa xôi, hẻo lánh và điều kiện sống khó khăn nhưng đất đai ở đây lại rất màu mỡ. Người dân phát triển nghề trồng lúa mạch và trong vài năm trở lại đây khu vực này còn thu hút du khách du lịch mạo hiểm, đi xuyên núi.
Ngôi làng trở thành một trong những điểm dừng chân quen thuộc cho những người mê mạo hiểm, khám phá thiên nhiên hoang sơ ít có sự can thiệp của các thiết bị công nghệ hiện đại.
(Nguồn: Báo Hậu Giang)