Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ ba, 12/09/2023, 09:30

Nghề dệt choàng - niềm tự hào của người dân xứ cù lao Long Khánh

Nghề dệt choàng (khăn rằn) xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, không chỉ là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp mà còn là động lực để người dân Làng nghề dệt choàng Long Khánh A  tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống và đưa sản phẩm của làng nghề vươn xa hơn.

Thợ dệt khăn choàng tại Làng nghề dệt choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự.

Vực dậy làng nghề nhờ đổi mới sáng tạo

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn trước sự thay đổi của thị trường, Làng nghề dệt choàng Long Khánh A cũng chịu tác động không nhỏ. Khoảng những năm 2010 - 2012, làng nghề dệt choàng Long Khánh A đứng trước nguy cơ bị mai một khi sản phẩm khăn rằn không còn là sản phẩm thiết yếu được thị trường ưa chuộng.

Từ chỗ có hơn trăm khung dệt thời điểm làng nghề phát triển hưng thịnh thì đến khoảng năm 2010 - 2013 cả khu vực cù lao Long Khánh chỉ còn khoảng vài chục khung dệt hoạt động cầm chừng. Nhiều lao động có thâm niên dệt choàng do không trụ được với nghề nên buộc phải tìm kế sinh nhai khác.

Đứng trước khó khăn về thị trường, thời điểm đó, một số nghệ nhân của Làng nghề dệt choàng Long Khánh A đã phát triển những mẫu khăn rằn mới phục vụ cho phân khúc thị trường khách du lịch. Chính “ngã rẽ này” đã góp phần giúp cho người dân làng nghề tiếp cận với khách hàng mới, giúp sản phẩm khăn choàng thoát khỏi tình trạng bị mai một.

Bà Nguyễn Thị Kim Chiều - người có nhiều tâm huyết với nghề dệt choàng tại ấp Long Tả, xã Long Khánh A, tâm sự: “Những năm 2010 - 2013, thị trường khăn rằn bắt đầu giảm mạnh nhu cầu sử dụng, nhiều cơ sở và hộ dân sản xuất khăn rằn tại Long Khánh A rơi vào tình trạng lao đao khi số lượng đơn đặt hàng liên tục giảm. Thợ thì không có việc làm, các cơ sở chật vật trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, may mắn đã thật sự đến với làng nghề khi những lần tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức, chúng tôi nhận thấy thị trường có nhu cầu sử dụng sản phẩm khăn rằn để làm quà lưu niệm và phụ kiện thời trang... Xuất phát từ nhu cầu mới của thị trường, tôi bắt đầu mày mò, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm khăn rằn mới với họa tiết và màu sắc hấp dẫn hơn... Nhờ cải tiến nên sản phẩm dần được thị trường biết đến và yêu thích hơn. Đây là nền tảng quan trọng để Làng nghề dệt choàng được vực dậy”.

Từ việc sáng tạo thêm một số mẫu khăn rằn mới phục vụ khách du lịch, dần dần, các nghệ nhân ở làng nghề phát triển nhiều sản phẩm thời trang và quà lưu niệm mới như: áo bà ba, túi xách, balo, nón, cà vạt, bông cài áo... Nhờ sản phẩm da dạng và bắt mắt nên thời gian gần đây, số lượng đơn đặt hàng từ thị trường bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt vào thời điểm cuối năm và các lễ hội lớn trong năm.

Theo UBND huyện Hồng Ngự, trung bình mỗi năm, Làng nghề dệt choàng Long Khánh A sản xuất, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại. Hiện Làng nghề dệt choàng Long Khánh A có gần 60 hộ làm nghề với 150 khung dệt, tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.

Sản phẩm thời trang đẹp mắt được thiết kế từ chất liệu khăn choàng.

Chung tay gìn giữ và phát triển làng nghề

Những năm gần đây, nhờ cải tiến mẫu mã nên sản phẩm khăn choàng Long Khánh A dần có lại sự tin yêu của người tiêu dùng. Song, để Làng nghề dệt choàng có thể phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, phát triển nhiều hơn các sản phẩm có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao từ khăn rằn, đẩy mạnh phát triển đa kênh cho sản phẩm truyền thống... là những hướng đi cần được quan tâm đẩy mạnh hơn.

Gánh vác “Sứ mệnh” tiếp tục gìn giữ và phát triển Làng nghề dệt choàng trong giai đoạn mới, các bạn trẻ ở Làng nghề ấp ủ nhiều dự định, hoài bão, nhưng cũng không khỏi trăn trở. Bạn Đinh Kim Hạnh là truyền nhân thế hệ thứ 4 tại Làng nghề dệt choàng Long Khánh A, chia sẻ: “Vừa qua, nghề dệt choàng xã Long Khánh A được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây là niềm vinh dự lớn lao của những người con nơi đây. Song song với niềm tự hào, bản thân tôi cũng cảm thấy lo lắng, bởi để có thể gìn giữ và phát triển nghề dệt choàng tốt hơn trong bối cảnh hiện nay, không phải là câu chuyện dễ dàng đối với những người trẻ như tôi.

Tôi hiểu rằng, muốn sản phẩm thu hút được khách hàng thì bên cạnh việc gìn giữ yếu tố truyền thống trên chiếc khăn rằn rất cần sự sáng tạo và đổi mới hơn nữa các sản phẩm của làng nghề. Trong tương lai, những sản phẩm được thiết kế từ khăn rằn không chỉ dừng lại là: nón, áo dài, ba lô, túi xách... mà sẽ là những sản phẩm có tính thẩm mỹ và thời trang hơn. Đây thật sự là cơ hội nhưng cũng là thách thức không hề nhỏ với những người kế thừa nghề dệt choàng truyền thống. Do đó, để đưa làng nghề phát triển xa hơn thì rất cần có sự chung tay của tất cả hộ dân ở làng nghề...”.

Bên cạnh sự quyết tâm của người dân Làng nghề dệt choàng, sự đồng hành, tiếp sức của chính quyền các cấp trong những năm qua là nền tảng quan trọng để Làng nghề dệt choàng phát triển mạnh mẽ. Nhận thấy việc gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tỉnh Đồng Tháp đã dành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển như: hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại, hỗ trợ xúc tiến quảng bá sản phẩm tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ đầu tư cải tiến bao bì sản phẩm... Các chương trình tiếp sức được thực hiện xuyên suốt trong những năm qua đã góp phần giúp sản phẩm khăn choàng của xã Long Khánh A từng bước đổi mới, phù hợp hơn với người tiêu dùng hiện đại...

Nhiều sản phẩm thời trang và nghệ thuật được học sinh huyện Hồng Ngự thiết kế từ chất liệu khăn choàng của địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt choàng”, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt choàng - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành, địa phương khẩn trương có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, cần gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đồng thời để các thế hệ tiếp theo hiểu và thêm yêu mến hơn nghề dệt choàng truyền thống, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp đơn vị liên quan tổ chức cho các trường học triển khai hoạt động giáo dục gắn với di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đưa giá trị cốt lõi của di sản văn hóa đến gần học sinh...

Nghề dệt choàng xã Long Khánh A được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là niềm tự hào của người dân cù lao Long Khánh nói riêng, người dân Đồng Tháp nói chung. Để Làng nghề dệt choàng tiếp tục phát triển cùng dòng chảy của lịch sử thì không phải là trách nhiệm riêng của người dân ở làng nghề mà cần có sự vào cuộc và trách nhiệm chung của cả cộng đồng, các cấp, các ngành liên quan, bởi gìn giữ làng nghề truyền thống không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.

(Nguồn: baodongthap.vn)

Link gốc: https://www.baodongthap.vn/kinh-te/nghe-det-choang-niem-tu-hao-cua-nguoi-dan-xu-cu-lao-long-khanh-116709.aspx

Chia sẻ

Xem nhiều

Về miền đồng lác Vũng Liêm

Thương lái lúa gạo sẽ phải có 'giấy phép hành nghề'?

An Giang mùa trâm chín

Gà Mã Đà đẹp như chim, có nguy cơ tuyệt chủng

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829