Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 19/08/2022, 15:00

Nghề đặt dớn ở rừng U Minh

Thời điểm mùa sa mưa cũng là lúc người dân ở vùng lâm phần rừng tràm U Minh Hạ bắt đầu nghề đặt dớn. Đây được xem là nghề truyền thống đem lại nguồn thu nhập cho người dân nơi đây.

Đặt dớn tuy không phải là nghề chính nhưng mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Ở xứ rừng này, mỗi hộ đều có từ 1-4 cái dớn được bố trí khá bài bản dưới tán rừng, đặt xuyên suốt từ mùa nắng đến mùa mưa. Mùa nắng thì dớn được kéo lên chỗ cạn, mùa mưa thì di chuyển dớn ở một địa điểm thích hợp khác. Người đặt dớn phải có kinh nghiệm và chọn địa thế, địa hình phù hợp, cũng như bố trí lưới ven sao cho đúng hướng đi của cá thì mới dính được nhiều loại cá đồng, lươn…

Một số bà con cho biết, dớn được đặt và bố trí theo hình chữ V và lưới ven được bố trí tới cửa miệng dớn. So với lú, lượng cá, tôm có thể thoát ra ngoài, còn dớn, một khi đã vào không thể thoát ra được. Dớn chủ yếu đặt cá lóc, cá dày, rắn, lươn…

Dớn được đặt ở nơi thông thoáng, bà con luôn kiểm tra dớn sau mỗi lần đổ, tránh trường hợp dớn bị rách.

Ấp 16, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, có khoảng 200 hộ dân, đa phần làm nghề gác kèo ong, trồng tràm. Đặc biệt, ai cũng đặt dớn dưới tán rừng để tăng thu nhập cho gia đình. Ông Mai Quốc Sự, Trưởng Ấp 16, xã Nguyễn Phích, phấn khởi: “Ngoài đặt dớn, bà con đặt thêm vài cái lọp, vừa khỏi phải đi chợ mua thực phẩm mà lại có thêm thu nhập hàng ngày”.

Sản vật thu được khi đổ dớn.

Đặc sản cá dày vùng rừng U Minh.

Vì là thực phẩm sạch nên những sản vật bắt được từ dớn vô cùng hút hàng, có bao nhiêu thương lái cũng đến tận nhà để mua. Bình quân mỗi hộ có dớn bán được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, những lúc trời mưa, cá đồng nhiều thì thu nhập nhiều hơn.

Theo anh Trần Thanh Hiếu, Ấp 13, xã Khánh Lâm, nghề này tương đối nhàn vì có thể kết hợp làm được nhiều công việc khác để tăng thu nhập.

Nghề đặt dớn đã làm nên nét đẹp bình dị, chân quê của người dân xứ rừng U Minh.

Ngoài trồng rừng tràm, gác kèo ong, trồng chuối, đặt dớn được xem là nghề thu nhập hàng ngày của bà con xứ rừng U Minh. Vừa khai thác cũng vừa bảo tồn, những con cá, lươn kích cỡ nhỏ thì bà con thả lại hoặc giữ lại để nuôi, nhân giống, từ đó góp phần bảo vệ, giữ gìn nguồn lợi cá đồng, về lâu dài sẽ mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

(Nguồn: baocamau.com.vn)

Link gốc: https://www.baocamau.com.vn/doi-song/dat-don-o-rung-u-minh-73427.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Mật ngữ nghề biển

Bheem, con trâu giá 70 tỉ đồng

Miền Tây nước ngọt không còn dồi dào

Trượt ván Skateboard thu hút giới trẻ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829