Thứ tư, 06/04/2022, 09:30
Nghề chằm lá ở U Minh
Cà Mau - Xã Nguyễn Phích là vùng đất phèn chua mặn ở huyện U Minh. Nơi đây sông ngòi chằng chịt. Hai bên bờ lá dừa nước xen lẫn với choại, ráng, sậy, trúc…mọc sum suê. Nhờ nguyên liệu phong phú mà người dân ven sông Cái Tàu dùng lá dừa nước chằm ra loại lá chằm đốp dùng để lợp nhà, rất bền và đẹp.
Những vườn dừa nước mọc sum suê ở ven sông Cái Tàu, U Minh.
Bà Nguyễn Thị Bé (70 tuổi, ở Ấp 6, xã Nguyễn Phích) chuyên chằm lá chằm đốp từ lúc 15 tuổi, do bà ngoại và mẹ truyền nghề. Bà Bé kể: “Ngày xưa bà ngoại tôi chằm lá để lợp nhà, thấy bà con chòm xóm có nhu cầu sử dụng, bà nghĩ ra cách chằm lá để bán. Vậy là nghề chằm lá đã gắn liền với cuộc đời tôi hơn 55 năm nay”.
Ông Đỗ Văn Ngỡi, chồng bà Bé, làm hom sóng lá để chằm.
Cũng theo bà Bé, chằm lá đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ nên nghề này thích hợp với chị em phụ nữ. Để làm ra miếng lá chằm đốp phải qua nhiều công đoạn. Khâu đốn lá, phải lựa tàu lá già, thân cao to, lá có bề bảng rộng và dài. Dây chằm lá dùng dây lạt cà bắp hoặc dây da trúc. Khi róc lá dừa nước, phải dùng dao thật bén, ép mặt lưng dao vào sát bẹ lá rồi róc thật nhanh để lá nằm xuôi theo một bề, không bị rách. Cây sóng dừa nước sau khi róc hết lá, chẻ đôi, phơi cho dẻo để làm cây hom.
Bà Nguyễn Thị Bé mỗi ngày chằm được hàng trăm miếng lá.
Cách chằm lá cũng rất đơn giản: xếp 2 miếng lá chồng lên nhau tới phần cọng, rồi kẹp giữa tàu lá vào hom, sau đó dùng tay xỏ dây lạt bện cho chặt. Khi chằm, lấy cặp lá đầu tiên làm chuẩn và cứ thế ốp lá, xỏ lạt đến hết cây hom và công đoạn cuối cùng là rút lạt, khoá thật chặt trong hom.
Hom lá bà Bé chằm có chiều dài 1,5 m, tương đương với 25 đôi lá. Lúc trẻ, bà chằm mỗi ngày trên 300 miếng, nay về già, bà cặm cụi cũng được hơn 100 miếng. Lá chằm đốp bà Bé làm ra không đủ bán cho bà con dùng để lợp nhà, dừng vách… được mọi người rất ưa chuộng.
Lá chằm đốp được phơi nắng cho khô trước khi bán cho bà con quanh vùng.
Nghề chằm lá dừa nước đã gắn bó lâu đời với người dân sông Cái Tàu, Nguyễn Phích, U Minh nói riêng, Cà Mau nói chung, trở thành nghề truyền thống, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang nét đẹp mộc mạc, hồn quê của miền sông nước Cà Mau.
(Nguồn: baocamau.com.vn)
Link gốc: https://www.baocamau.com.vn/doi-song/nghe-cham-la-o-u-minh-72218.html