Thứ ba, 23/08/2022, 13:30
Nắng nóng kỷ lục đe dọa kinh tế Trung Quốc
Tình trạng nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ vượt ngưỡng 40oC ở hơn 100 thành phố, đang đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc.
Hình ảnh khô hạn ở sông Dương Tử thuộc thành phố Trùng Khánh (phía Tây Nam Trung Quốc). Ảnh: AP
Các đợt nắng nóng gay gắt nhất trong hơn 60 năm qua, một số nơi ghi nhận nhiệt độ lên tới hơn 44oC. Trùng Khánh, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc nằm ở vị trí ngay ngã ba sông, thường tấp nập du khách vào thời điểm này. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết nắng nóng, du khách đến đây rất thưa thớt.
Thành phố Thành Đô với hơn 20 triệu dân ở Tây Nam Trung Quốc đã ra lệnh tắt nhiều thiết bị điện chiếu sáng, đèn quảng cáo nhằm tiết kiệm điện.
Nhiệt độ tại tỉnh Tứ Xuyên với thủ phủ Thành Đô tuần này tăng cao, có lúc đến 40oC, khiến nhu cầu sử dụng điều hòa tăng lên đột biến. Đợt nóng còn làm mực nước tại các hồ chứa cung cấp nước cho các đập thủy điện trong khu vực giảm xuống thấp.
Cơ quan quản lý đô thị Thành Đô ngày 18/8 thông báo thời tiết nóng bức đã khiến cho việc sản xuất điện bị đẩy đến giới hạn. Nhà chức trách ra lệnh tắt các hệ thống đèn cảnh quan, đèn quảng cáo ngoài trời, đèn biển hiệu các tòa nhà từ ngày 16/8 do tình hình ở mức nghiêm trọng nhất.
Việc thiếu điện tại Tứ Xuyên được cho là có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc vì tỉnh này là nơi cung cấp năng lượng chính cho các vùng công nghiệp ở miền Đông như Giang Tô, Chiết Giang. Tại Giang Tô, nhà chức trách cảnh báo nguy cơ nứt lốp xe do nhiệt độ mặt đường có thể lên đến 68oC.
Nhiệt độ cao còn khiến mực nước trên sông Dương Tử giảm 50% so với mức trung bình trong 5 năm qua. Trong khi đó, một số nơi khác lại có mưa lớn như tại vùng Tây Bắc, lũ quét khiến 18 người thiệt mạng và 13 người mất tích.
Tình hình thiếu hụt điện trầm trọng đang đe dọa hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở nhiều trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc. Các nhà máy của Toyota, Panasonic đã phải ngừng hoạt động một phần trong khi Tesla phải lên tiếng kêu gọi giới chức Thượng Hải hỗ trợ đảm bảo nguồn cung điện.
“Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Chúng ta đã thấy sự giảm tốc trong các ngành thép, hóa chất và phân bón vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động xây dựng, nông nghiệp và sản xuất nói chung. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Dan Wang, chuyên gia kinh tế trưởng, ngân hàng Hang Seng, đánh giá.
Nắng nóng gay gắt cũng khiến nhiều vùng nông nghiệp ở Trung Quốc mất mùa, làm tăng thêm áp lực lạm phát trong nước. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá rau tươi trong tháng 7 đã tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhiều loại thực phẩm khác cũng tăng mạnh.
“Dịch bệnh trong nước đang lây lan tại nhiều nơi, cùng với thời tiết nắng nóng, thiên tai đang khiến việc đảm bảo cho nền kinh tế vận hành trơn tru trở nên khó khăn hơn”, ông Fu Linghui, Phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhận định.
Nắng nóng và tình trạng thiếu điện là một trong những nguyên nhân chính buộc các tổ chức tài chính lớn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022.
Theo Goldman Sachs, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3%, trong khi Nomura đưa ra con số 2,8% - thấp hơn đáng kể so với mức 3,3% trong dự báo đưa ra trước đó.
Chuyên gia của Hang Seng cũng ước tính, tình trạng thiếu hụt điện sẽ làm giảm khoảng 1,5% GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm nay.
Những rủi ro này sẽ không chỉ đe dọa riêng nền kinh tế Trung Quốc. Đợt nắng nóng khiến nhiều công ty phải ngừng hoạt động này có thể để lại những tác động tiêu cực với chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó khiến nhiều mặt hàng tăng giá, dẫn tới lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Dự báo, nhiệt độ cao sẽ tiếp tục duy trì tại các khu vực rộng lớn ở miền Trung Trung Quốc đến cuối tháng 8.
(Nguồn: baohaugiang.com.vn)
Link gốc: https://www.baohaugiang.com.vn/chuyen-thoi-su/nang-nong-ky-luc-de-doa-kinh-te-trung-quoc-113896.html