Thứ năm, 05/05/2022, 12:00
FED nâng lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm
Ngày 4/5 (theo giờ Washington D.C), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố đợt tăng lãi suất cơ bản lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21 tới nay.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở trung tâm thủ đô Washington D.C
Hãng tin Reuters, AP cho biết trong một động thái được giới phân tích kinh tế và các nhà đầu tư dự báo mấy tuần qua, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 4/5 (rạng sáng 5/5 theo giờ Việt Nam) đã quyết nâng lãi suất liên bang thêm 0,5 điểm phần trăm.
Với quyết định trên, FED đã chính thức nâng lãi suất cho vay áp dụng cho các ngân hàng trên toàn liên bang từ biên độ 0,25%-0,5% hiện nay lên biên độ 0,75%-1%.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của FED, lưu ý hoạt động kinh tế đã sụt giảm trong quý 1/2022, lạm phát vẫn còn quá cao. Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu: “Lạm phát quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Do đó, chúng tôi phải hành động khẩn trương”.
Theo ông Powell, “quan điểm chung của Ủy ban là sẽ tiếp tục lộ trình nâng lãi suất 50 điểm phần trăm tại các cuộc họp kế tiếp”. Trong khi đó, tập đoàn phân tích kinh tế CME Group cho biết thị trường đang kỳ vọng FED sẽ nâng lên lãi suất lên biên độ 3% - 3,25% trước cuối năm 2022.
Theo Bộ Lao động, Mỹ đã có thêm 1,7 triệu việc làm trong ba tháng đầu năm 2022 và có 11,5 triệu việc làm vào tháng 3/2022. Mặc dù vậy, những rắc rối dai dẳng trong chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, tồn đọng hàng hóa tại các cảng, cuộc chiến ở Ukraine và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nước ngoài có thể khiến FED khó khăn hơn trong việc kiềm chế lạm phát mà không có tác động bất lợi cho nền kinh tế Mỹ.
FED ngày 4/5 đồng thời công bố kế hoạch giảm gần 9.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mà họ nắm giữ trên bảng cân đối kế toán. Ngân hàng này bắt đầu mua hàng tỷ USD trái phiếu mỗi tháng kể từ tháng 3/2020 để giúp giữ dòng tiền chảy qua hệ thống tài chính và kích thích nền kinh tế Mỹ và đã tạm dừng các giao dịch mua trên vào tháng trước. FED sẽ tăng giới hạn đó lên 60 tỷ USD đối với Kho bạc và 35 tỷ USD đối với trái phiếu thế chấp vào tháng 9/2022.
Hơn 1 tháng trước, vào ngày 17/3 theo giờ Việt Nam, FED cũng tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm trong quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 3 năm.
Các nhà hoạch định chính sách của FED, những người gần đây nhiều lần phát đi tín hiệu về ý định đẩy nhanh tiến độ nâng lãi suất, đang cố gắng kiềm chế tình trạng lạm phát tăng cao nhất kể từ đầu những năm 1980. Thời điểm đó, cựu Chủ tịch FED Paul Volcker đã tăng lãi suất lên tới 20% và nhấn chìm cả lạm phát và nền kinh tế rộng lớn hơn trong quá trình này.
Lạm phát tại Mỹ hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và các doanh nghiệp ở Mỹ. Thực trạng này của nền kinh tế số một thế giới đã thúc đẩy quyết tâm của FED nâng lãi suất nhằm kiềm chế giá cả leo thang và ghìm tỷ lệ lạm phát.
Giới chuyên gia cảnh báo FED cần đạt được sự "cân bằng tinh tế" để ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy giảm, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nhiều cú sốc bên ngoài, như xung đột Nga-Ukraine và các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Đợt tăng lãi suất ngày 4/5 là đợt mạnh nhất của FED kể từ năm 2000 tới nay, đồng thời là tín hiệu rõ ràng thể hiện quyết tâm của ngân hàng trung ương Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua. Giai đoạn 2000-2001, FED đã nâng lãi suất lên mức 6,5%. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế và nhất là vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001 đã đảo chiều chính sách của FED, theo hướng hạ mạnh lãi suất về mức 1% vào giữa năm 2003.
(Nguồn: Báo Lâm Đồng)
Link gốc: http://baolamdong.vn/the-gioi/202205/fed-nang-lai-suat-lon-nhat-trong-vong-hon-20-nam-3114647/