Thứ hai, 22/11/2021, 17:00
Mối đe dọa nào sẽ xuất hiện sau COVID-19?
Các chuyên gia cảnh báo, thế giới cần chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch nguy hiểm hơn trong tương lai tương tự như COVID-19.
Thế giới vẫn đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa bởi các chủng virus mới tương tự SARS-CoV-2.
Nghiên cứu gần đây của Trường ĐH Duke (Mỹ) chỉ ra rằng tỉ lệ nhân loại hứng đại dịch tương tự COVID-19 là khoảng 40% và có thể tăng đáng kể vào những năm tới. Theo đó, xác suất của một đại dịch giống COVID -19 là khoảng 2% cho bất kỳ năm nào. Vì vậy, những người sinh năm 2000 ước tính có 38% nguy cơ trải qua đại dịch trong đời.
Các nhà nghiên cứu từ Trường ĐH Padua (Ý) và Trường ĐH Duke (Mỹ) sử dụng phương pháp thống kê mới để đo lường quy mô và tần suất bùng phát dịch bệnh, bao gồm dịch hạch, đậu mùa, tả, sốt phát ban và các loại virus cúm mới trong 400 năm qua để ước tính cường độ và xác suất chúng tái diễn hằng năm.
Trước đó, các nhà khoa học cho biết, tính riêng 20 năm trở lại đây, thế giới đã tránh được "5 viên đạn" gồm SARS, MERS, Ebola, cúm gia cầm và cúm lợn. Mặc dù thu được nhiều kiến thức từ những dịch bệnh nêu trên, thế giới nhìn chung vẫn rơi vào thế bị động khi COVID -19 bùng phát. Tốc độ lây lan của virus cho thấy độ nguy hiểm của một thế giới "siêu toàn cầu hóa" trong đại dịch.
Giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo vào năm ngoái rằng dù "rất nghiêm trọng" nhưng COVID -19 chưa chắc đã là đại dịch lớn thực sự khi vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh. Nhiều năm trước, dịch bệnh có thể khởi phát ở một khu vực nào đó và kết thúc khi chưa kịp lây lan sang những nơi khác.
Đại dịch COVID-19 đã chứng minh rằng các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người có thể gây ra những mối đe dọa to lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Hơn 70% mầm bệnh mới nổi và tái phát có nguồn gốc từ động vật. Điều đó bao gồm cả virus SARS CoV-2, loại virus mà các nhà khoa học tin rằng có nguồn gốc từ dơi.
Thậm chí, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các loài gặm nhấm từng bị phơi nhiễm với các loại virus corona nhưng không biểu hiện triệu chứng. Khả năng này tương tự như với loài dơi, loài đang bị nghi gây ra đại dịch Covid-19. Chính vì vậy các nhà khoa học đã đặt ra giả thuyết rằng, các loài động vật gặm nhấm, ví dụ như chuột, có thể mang virus cùng họ với virus SARS và có thể làm bùng lên một đại dịch kế tiếp, tương tự như COVID -19.
Vẫn còn nhiều câu hỏi về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Nhưng các chuyên gia trên toàn cầu đồng ý rằng cộng đồng có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ lan tỏa trong tương lai. Một trong những cách thức là để các bác sĩ thú y, bác sĩ và nhà khoa học làm việc cùng nhau để khám phá sâu hơn về mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người với động vật và môi trường sống tự nhiên.
Thế giới cần chuẩn bị những phương án để đối phó tốt hơn với các đại dịch trong tương lai.
Để ngăn chặn các đại dịch mới, các nhà khoa học cần xác định các loài động vật có khả năng là vật chủ chứa các chủng virus lây nhiễm sang người nhất. Đổi lại, điều này đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ về các hành vi của con người như phá rừng đến săn bắt các loài động vật hoang dã đã góp phần lan tỏa mầm bệnh như thế nào.
"Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của các dịch bệnh mới là sự tương tác gia tăng của con người và động vật. Không có gì lạ khi các bệnh do dơi lây sang người. Đôi khi nó xảy ra trực tiếp như loài dơi ở Bangladesh đã nhiều lần truyền vi rút Nipah sang người. Hoặc mầm bệnh có thể di chuyển gián tiếp qua vật chủ trung gian. Ví dụ, vào năm 1994, những con dơi ở Úc đã lây nhiễm vi rút Hendra cho ngựa, một bệnh đường hô hấp sau đó truyền sang người", chuyên gia Hassan Vally của Trường ĐH La Trobe (Úc) cho biết.
Hiện nay đã xác định được hơn 250 loại virus gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Với những virus chưa xác định được, họ khẳng định chúng có thể gây ra mối đe dọa tương tự hoặc thậm chí là nguy hiểm hơn so với nhóm virus trên.
Chính vì vậy, như chuyên gia Victoria Brookes của Trường ĐH Charles Sturt (Úc) chỉ ra, điều thiết là các nhà nghiên cứu và chính phủ phải hiểu và nắm lấy khái niệm rằng sức khỏe của động vật, con người và môi trường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. "Thế giới cần nhận thức tầm quan trọng của việc cùng nhau xây dựng các kịch bản phản ứng sớm đối với các đợt bùng phát dịch bệnh, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng y tế cần thiết cả ở địa phương lẫn toàn cầu", bà nhấn mạnh.
(Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp)