Đang tải ...
  
Đời sống

Chủ nhật, 23/01/2022, 15:00

Mô hình nuôi ốc nhồi phát triển ở Đắk Lắk

Những năm gần đây, mô hình nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Thị trường nuôi ốc nhồi thương phẩm cũng đang mở rộng, tuy nhiên, nhiều nông hộ đang nhân rộng ra ồ ạt nên về lâu dài cần có chiến lược để phát triển bền vững.

Sau 3 năm nuôi ốc nhồi, gia đình anh Huỳnh Ngọc Hội (thôn 10, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) mỗi năm thu lãi hơn 150 triệu đồng. Khoảng một năm trở lại đây, nhận thấy mô hình nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên từ diện tích 350m2 hồ nuôi ban đầu, anh đã mở rộng ra 1.500m2 nuôi ốc bố mẹ và 500m2 nuôi ốc con để bán giống. Trung bình mỗi tháng, anh bán ra từ 20 - 30 nghìn ốc giống và 1 - 2 tạ ốc thương phẩm.

Được biết, ngoài bán ốc giống cho bà con ở địa phương, anh còn cung cấp cho người dân ở huyện Krông Ana và các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi...

Anh Hội chia sẻ, hiện tại ốc nhồi Đắk Lắk được rất nhiều tỉnh khác ưa chuộng, nuôi bao nhiêu, thương lái đến thu mua bấy nhiêu bởi chất lượng tốt hơn so với các nơi khác. Ốc nhồi nuôi ở các hồ nước Đắk Lắk có thịt dai, thơm... nên được nhiều nhà hàng đặt mua với số lượng lớn.

Vì vậy, tại huyện Buôn Đôn, mô hình này đang được nhân rộng nhanh. Vào tháng 9/2021, Tổ hợp tác thanh niên nuôi ốc nhồi huyện Buôn Đôn do anh làm tổ trưởng thành lập với 14 thành viên, chỉ sau 3 tháng đã tăng lên 25 thành viên. Với vai trò làm tổ trưởng và người bán ốc giống, để ổn định đầu ra cho các thành viên cũng như bà con, anh đang chế biến các sản phẩm đông lạnh như ốc nhồi ống nứa, chả ốc... cung cấp cho những quán nhậu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Hồ nuôi ốc giống của anh Huỳnh Ngọc Hội ( thôn 10, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn).

Cũng là một trong những hộ nuôi ốc mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, anh Đàm Quang Huấn (thôn 11, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) cho hay, hiện tại, đầu ra ốc nhồi rất ổn định, không đủ cho các thương lái, các nhà hàng đến thu mua, với giá bán dao động từ 70 - 90 nghìn đồng/kg.

Từ năm 2020, người dân đổ xô nuôi ốc nhồi vì nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, vậy nên năm nay anh vừa bán ốc thương phẩm, vừa phát triển ốc giống để cung cấp cho người nuôi. Dự kiến, thời gian tới anh sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi ốc để tổ chức nuôi, bao tiêu sản phẩm, cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi.

Hiện tại, nhiều hợp tác xã (HTX) đang nỗ lực liên kết, tìm hướng bảo đảm đầu ra cho sản phẩm ốc nhồi. Điển hình như HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Hợp Nhất (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) hiện có khoảng 20 thành viên nuôi ốc nhồi. Để làm tốt vai trò của HTX trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ngay từ khâu tuyển xã viên vào cũng phải lựa chọn khắt khe. Theo đó, các thành viên phải bảo đảm sản xuất để HTX mua được và HTX đảm nhận vai trò kết nối với các đơn vị để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Trần Văn Đông, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, việc phát triển mô hình nuôi ốc nhồi nằm trong dự thảo Đề án xây dựng các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại địa phương. Theo đó, định hướng chung để phát triển mô hình này một cách bền vững là cần gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra.

Đặc biệt, ở khâu sản xuất cần chú trọng đến chất lượng vệ sinh an toàn trong nuôi trồng từ các yếu tố nguồn nước, thức ăn... mới đảm bảo ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm.

Anh Đàm Quang Huấn (thôn 11, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) thu hoạch ốc nhồi thương phẩm.

Ông Trịnh Bá Sơn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Đắk Lắk cho biết, ốc nhồi là loại thủy đặc sản nằm trong kế hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Hiện tại, một số địa phương đang phát triển mô hình nuôi ốc nhồi như các huyện: Ea Kar, Krông Pắc, Buôn Đôn, Ea Súp... Hiện nay, Chi cục cũng định hướng cho những vùng có điều kiện phù hợp nuôi ốc nhồi và khi người dân cần phát triển sẽ được hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Qua khảo sát cho thấy, ốc nhồi rất dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh nên nhận định trong 2 năm tới vẫn phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao vì cung chưa đủ cầu. Tuy nhiên, cần hình thành các chuỗi sản xuất (từ sản xuất giống, nuôi ốc thương phẩm đến tiêu thụ sản phẩm) theo các HTX, tổ hợp tác để phát triển loại thủy đặc sản này một cách bền vững.

(Nguồn: Báo Đắk Lắk)

Chia sẻ

Xem nhiều

Mật ngữ nghề biển

Bheem, con trâu giá 70 tỉ đồng

Miền Tây nước ngọt không còn dồi dào

Trượt ván Skateboard thu hút giới trẻ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829