Thứ năm, 08/08/2024, 13:30
Mạng xã hội đang làm biến dạng ngôn ngữ
Người dùng mạng xã hội đang làm tiếng Việt méo mó khi cố ý sử dụng ngôn ngữ sai chính tả với mục đích giễu nhại, mua vui. Sự trong sáng của tiếng Việt bị ảnh hưởng lớn khi loại ngôn ngữ biến dạng này ngày càng phổ biến.
Biết sai nhưng vẫn dùng
Lướt qua mạng xã hội mỗi ngày, không khó để nhìn thấy những từ/cụm từ được người dùng sử dụng sai chính tả: “không bít”, “dễ huông”, “quánh giá”, “khó chiệu”, “cái gì dzẫy”, “giải cíu”, “tới công chiện”, “chúng mình có nhao”… Đổi từ hoặc thêm/bớt chữ cái trong từ là cách phổ biến mà cư dân mạng dùng để tạo ra “ngôn ngữ mới”. Việc viết sai này chủ yếu để mua vui hoặc giễu nhại. Nhưng khi từ cái sai trở thành phổ biến, nhiều người sử dụng lại là vấn đề rất đáng được lưu tâm.
Nhiều tựa sách tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của tiếng Việt đã được phát hành - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ, Thái Hà Books
Trong tiếng Việt xưa nay có rất nhiều từ vay mượn và được Việt hóa, dần trở thành ngôn ngữ chung của người Việt. Đó là cả một tiến trình phát triển của ngôn ngữ gắn liền với lịch sử của đất nước, trải qua những giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, việc cố tình dùng từ sai chính tả lại là vấn đề khác. Khi từ ngữ sai lệch được cộng đồng chấp nhận và sẻ chia, sử dụng lặp đi lặp lại, vô tình trở thành ngôn ngữ chung. Trên fanpage truyền thông của một số đơn vị cũng như fanpage của một số trang tin điện tử hiện nay, loại ngôn ngữ này cũng được những người quản trị sử dụng để gia tăng sự hài hước. Nhiều người nổi tiếng/có ảnh hưởng cũng thường xuyên viết dòng trạng thái hay tương tác với khán giả bằng những bình luận cố tình dùng từ sai chính tả.
“Thú thật, điều đáng tiếc nhất và khiến bản thân tôi cảm thấy âu lo là hiện nay đã xuất hiện một thứ “tiếng Việt dị dạng”, “tiếng Việt méo mó”, “tiếng Việt nói ngọng”. Do người sử dụng không hiểu tiếng Việt? Không, họ hiểu, nhưng lại cố tình viết sai chính tả. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng trên mạng xã hội. Ví dụ: “hay thặc”, “nỗi bùn”, “kon chuột”, “pà con”, “chuyện giè đó?”, “bình lựng”… Thiết nghĩ, trải qua bao thăng trầm lịch sử, ông bà ta đã chắt chiu, gìn giữ và trao lại cho thế hệ sau vô số hạt gạo ngon, gạo quý. Lẽ nào ngày nay chúng ta lại nhẫn tâm ném vào đó cát, sạn như một cách giễu nhại, mua vui?” - nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc trăn trở. Anh là một trong những người tâm huyết, nghiên cứu kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt và đã xuất bản nhiều tựa sách hay. Tâm tư trên là một trong những điều anh muốn gửi gắm nhất đến các bạn trẻ, nhân dịp ra mắt tập sách mới: Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm (Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành).
“Một khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hay bất cứ loại hình nghệ thuật gì, tôi nghĩ, chúng ta phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: của người Việt, dành cho người Việt, vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của bản sắc Việt, tinh hoa Việt thì mới có thể hòa nhập vào dòng chảy văn hóa của nhân loại”.
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc
Giản lược từ cũng là một trong những cách làm thay đổi từ ngữ. Về mặt nghĩa, người tiếp nhận vẫn hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng lại vô tình làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Mới đây, khi chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai dùng từ “công 1” thay vì “công diễn 1”, khán giả ngay lập tức bình luận góp ý trên fanpage của chương trình. Sự quan tâm của công chúng đối với cách dùng từ - vốn là chi tiết rất nhỏ trong tổng thể chương trình - cho thấy rằng, bên cạnh một bộ phận người dùng từ ngữ sai lệch, vẫn có rất nhiều người tôn trọng chuẩn mực và cùng gìn giữ, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Vui tức thời nhưng hệ lụy lâu dài
Trong Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc cũng chỉ ra nhiều từ ngữ xuất hiện gần đây: “trẻ trâu”, “ảo tung chảo”, “bom hàng”, “bốc phốt”… Trong tác phẩm Tình ca tiếng nước ta (xuất bản vào tháng 6/2024), nhà báo Dương Thành Truyền có dành một phần nội dung viết về ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay đã đi vào lời ăn tiếng nói hằng ngày. Thời đại công nghệ đã sản sinh ra nhiều ngôn ngữ mới được định danh với những tên gọi: ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ gen Z, tiếng lóng thời @…
Lionbooks tổ chức nhiều sự kiện lan truyền tình yêu quê hương, đất nước và nguồn cội cho trẻ thơ - Nguồn ảnh: Lionbooks.
Mở rộng, biến đổi và dung nạp là con đường tất yếu của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Theo nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, nếu nhìn theo hướng tích cực thì chính thế hệ trẻ (gen Z) đang là nhân tố có thể góp phần làm giàu thêm cho tiếng Việt trong tương lai. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, người trẻ không nên quá lạm dụng từ vay mượn và việc từ ngữ bị viết sai lệch một cách cố ý là điều cần lên tiếng.
Năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Đến nay, tinh thần ấy vẫn luôn được kế thừa và phát huy. Sách giáo khoa, truyền thông đại chúng đều chú trọng các bài học/chương trình tôn vinh tiếng Việt. Ngôn ngữ trong sáng luôn là tiêu chí hàng đầu trong các ấn phẩm dành cho thiếu nhi của các đơn vị làm sách/xuất bản. Những cuốn sách về ngôn ngữ của các tác giả là nhà thơ, nhà báo, nhà văn hay nhà nghiên cứu đều cùng hướng đến tinh thần chung: ca ngợi vẻ đẹp và giá trị bản sắc của tiếng Việt. Vẻ đẹp đó còn gắn liền với văn hóa của dân tộc, từ lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt hằng ngày, kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca, văn chương bác học và văn chương bình dân…
“Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, suy đến cùng, dựa trên sự am hiểu sâu sắc những đặc trưng của tiếng nước ta, mà chiều sâu chính là tâm thức ngôn từ của người Việt, của văn hóa Việt” - nhà báo Dương Thành Truyền - Đại sứ Văn hóa đọc nhiệm kỳ 2024-2025 - bày tỏ. Trong khi những người lớn có tâm huyết cùng nhau lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, những giá trị nhân văn cao đẹp và góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt thì cũng có rất nhiều người lớn khác đã và đang vô thức làm điều ngược lại.
Trên không gian mạng, ngôn ngữ lệch chuẩn/sai chính tả lại đang được cộng đồng vô tư sử dụng. Không riêng người trẻ, rất nhiều người dùng mạng xã hội (nhiều độ tuổi, ở nhiều lĩnh vực) cũng đã sử dụng loại ngôn ngữ này trên các dòng trạng thái, trong phần bình luận. Dù là với mục đích mua vui, vô thưởng vô phạt, nhưng khi đám đông cùng nhau lan tỏa chúng một cách vô thức thì loại ngôn ngữ sai lệch này sẽ ngày càng chiếm lĩnh không gian mạng. Việc này những tưởng là chuyện nhỏ nhưng hệ lụy là lâu dài. Khi người trẻ/thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ lệch chuẩn, tiếng Việt sẽ còn tiếp tục bị viết sai chính tả, bị làm biến dạng và ngày càng méo mó hơn.
“Tiếng Việt còn là bản sắc riêng của mỗi cá nhân”
Trong hành trình lan tỏa những giá trị Việt từ trang sách, Lionbooks tổ chức chuỗi sự kiện “Tiếng” Việt tại TPHCM và Hà Nội, dành cho các em thiếu nhi từ 1-12 tuổi. Nội dung chương trình được lấy chất liệu từ series sách Em yêu Việt Nam mình do đơn vị phát hành. Sự kiện gần nhất sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 9 - 11/8 tại Nhà văn hóa Thanh Niên (quận 1, TPHCM).
“Tiếng” không chỉ là thanh âm của ngôn ngữ mà còn là bản sắc riêng của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi vùng đất. Từ cách thể hiện bên ngoài đến nội tâm bên trong, ngôn ngữ là cách chúng ta nói với thế giới: chúng ta là ai, chúng ta có gì khác biệt và chúng ta có gì để tự hào. Mỗi bộ sách kể một câu chuyện khác nhau, bằng cách thức khác nhau, nhưng đều gửi gắm mong ước rằng sẽ góp phần nuôi dưỡng trong lòng trẻ thơ tình yêu và sự gắn bó với quê hương, nguồn cội. Đó chính là thứ “tiếng” của riêng các con, tạo nên bản sắc cá nhân rõ ràng nhất để các con có thể trưởng thành vững vàng, tự tin” - chị Nguyễn Chiều Xuân - nhà sáng lập Lionbooks - chia sẻ.
(Nguồn: phunuonline.com.vn)
Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/mang-xa-hoi-dang-lam-bien-dang-ngon-ngu-a1525127.html