Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Sự kiện

Thứ sáu, 30/09/2022, 06:00

Lôi cuốn điệu múa mặt nạ Indonesia

Có rất nhiều điệu múa mặt nạ ở các địa phương đều được diễn ra tại các ngôi đền cổ kính là trung tâm tín ngưỡng xưa nay của Indonesia.

Từ lâu, những chiếc mặt nạ cùng các điệu múa mặt nạ đã trở thành một tâm điểm của nền văn hóa Indonesia, khi mà bất cứ hoạt động nào, nhất là mỗi dịp hội hè - lễ Tết, người dân lại mang chúng ra dùng.

Sở dĩ như vậy vì dân gian Indonesia xem mặt nạ là biểu trưng của linh hồn cả người tốt lẫn xấu và họ múa mặt nạ để giao cảm giữa người đang sống với người quá vãng, ca ngợi thần linh, xua đuổi ma tà và ước mong cuộc sống bình yên.

Đầu tiên, có thể thấy mặt nạ và điệu múa mặt nạ Indonesia qua hình ảnh của Ondel-ondel, mà về ý nghĩa là Ông Đùng Bà Đùng do mỗi mặt nạ đều có dạng hình nhân, cao đến 2, 3 mét, sơn đỏ, sơn trắng nổi bật và thường đi từng đôi vợ chồng, đi đâu vang động tới đó.

Ondel- ondel được xem là linh hồn của tổ tiên của cộng đồng người Indonesia tại Jakarta và thường về thăm con cháu trong các dịp lễ Tết. Nhân các buổi khai trương, sự kiện vui vẻ trọng đại, để chào đón quý khách, người ta cũng đội Ondel-ondel nhảy múa tưng bừng dọc đường, vừa đi vừa nhún nhảy, đung đưa, gặp ai thì xoa đầu, âu yếm người ấy.

Thực ra, Ondel-ondel chính là sự thể hiện của tin vui, những gì mới mẻ và hòa hợp (âm dương) trong cuộc sống và giữa mọi người với nhau.

Mặt nạ và điệu múa Hudog ở hòn đảo Borneo (Kalimantan) lại dành để kêu gọi thần nông Hunyang Tenangan hiện linh cho các hạt giống và phù hộ đồng lúa, đồng mía tươi tốt, không bị bệnh.

Người ta làm những cái mặt nạ có mỏ nhọn như con chim hoặc mõm của con thú và cùng nhau nhảy múa thình thịch, giậm chân liên hồi xuống đất nhằm nhào đất cho đất tơi xốp, đồng thời xua đuổi mọi thứ côn trùng, sâu hại.

Những lễ Dayak Hudog, trong đó Dayak là tộc người Dayak, còn Hudog là các con bọ, do đó là một cách cầu mùa, sự bảo vệ của thần linh khỏi châu chấu, bọ xít, bọ lúa, nạn đói…

Tương tự trên, ở Bali có điệu múa mặt nạ Topeng Rangda, còn gọi múa Barong hay múa sư tử. Và người múa sẽ đội một cái mũ cực to với hình của một thần thú từ trời xanh, đại ngàn đi xuống tiêu trừ mọi dịch bệnh, tai họa.

Nội dung của điệu múa luôn xoay quanh cuộc chiến đấu của dân gian dưới sự giúp đỡ của Barong, một sinh vật trông như con sư tử trước nữ quỷ vương Ranga và bè lũ phù thủy, ma quái.

Cuối cùng, Barong chiến thắng và là tượng trưng của sự cân bằng, ổn định trong đời sống. Nhờ những động tác vờn đuổi, nhào lộn tươi vui, mạnh mẽ, dồn dập, múa Barong luôn cho mọi người niềm tin về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Có rất nhiều điệu múa mặt nạ ở các địa phương đều được diễn ra tại các ngôi đền cổ kính là trung tâm tín ngưỡng xưa nay của Indonesia. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng đã dần dà thoát ra khỏi yếu tố tâm linh - tôn giáo để trở thành các màn diễn có tính chất nghệ thuật thưởng thức…

(Nguồn: giaoducthoidai.vn)

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/loi-cuon-dieu-mua-mat-na-indonesia-post609230.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Khai mạc Tuần lễ thể thao, văn hóa và du lịch Bình Định 2024

Xu hướng du lịch mới của giới siêu giàu hiện nay là gì?

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829