Thứ sáu, 12/08/2022, 08:30
Lễ hội Tăm Blang M’prang Bon của người M'nông
Trong kho tàng lễ hội của đồng bào các dân tộc Đắk Nông, lễ hội Tăm Blang M’prang Bon (trồng cây rào bon) thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc M’nông.
Đồng bào M'nông biểu diễn múa chiêng trong ngày hội.
Truyền thuyết của đại ngàn
Lễ hội Tăm Blang M’prang Bon xuất phát từ truyền thuyết xưa của tộc người M’nông Preh. Thuở xưa, rừng Nâm Nung có một bộ tộc Lao Bô (ma rừng). Cứ đêm đến, ma rừng lại lẻn vào làng tìm phụ nữ và trẻ con dọa dẫm khiến người M’nông Preh lo sợ. Chúng hay vào bon làng quấy phá, bắt người, nhất là phụ nữ và trẻ em. Mỗi khi bị ma rừng tấn công, người dân trong bon liền kéo nhau vào rừng ẩn nấp dưới bóng cây Blang. Lao Bô không sợ bất cứ thứ gì, chỉ sợ duy nhất cây Blang (cây gạo).
Người M’nông cho rằng cây Blang rất thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh che chở cho dân làng. Con ma rừng không sợ bất cứ thứ gì nhưng khi nhìn thấy loại cây có lớp vỏ sần sùi màu đỏ thẫm chứa nhiều gai nhọn mà người dân Tây Nguyên gọi là cây Blang thì lập tức biến mất. Từ đó, người M’nông tin rằng Blang là cây thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh sẵn sàng bảo vệ, che chở dân làng. Vì vậy, mỗi năm dân làng đều tổ chức lễ hội trồng cây Blang ngăn ma rừng không cho xâm nhập để phá hoại bon làng. Cây Blang có sức sống mãnh liệt, chỉ cần một lớp vỏ khô vùi xuống đất cũng đâm chồi nảy lộc.
Blang không chỉ là cây thiêng bảo vệ buôn làng mà còn là biểu tượng cho ý chí vươn lên cùng tấm lòng thành thẳng và ước muốn được trường tồn, sống lâu, bất khuất kiên trung của cộng đồng người M’nông trong mọi hoàn cảnh. Do đó trong tất cả các lễ hội của đồng bào M’nông luôn lấy cây Blang làm cột lễ.
Chuẩn bị lễ vật
Lễ Tăm Blang M'prang Bon thường tổ chức vào mùa khô, khi dân làng thu hoạch xong mùa vụ. Thông thường, trước khi lễ hội Tăm Blang M’prang Bon diễn ra một ngày, dân làng đến chân núi Nâm Nung xin phép thần linh lấy những cây Blang còn nhỏ rồi đặt cẩn thận vào trong gùi và mang về. Cây Blang là lễ vật không thể thiếu trong ngày hội. Ngoài ra, lễ còn có các sản vật khác như: gà, heo, cơm lam và nải chuối được đặt lên bàn thờ để kính báo ông bà đã khuất về dự lễ. Trước ngày lễ, dân làng sắm sửa trang phục mới, trang trí nhà cửa tinh tươm để đón khách quý từ khắp nơi về dự lễ hội.
Du khách cùng hòa vào lễ hội của người M'nông. Ảnh tư liệu.
Tiến hành lễ cúng
Lễ Tăm Blang M'prang Bon trải qua 3 lần cúng. Lần đầu tiên vào buổi sáng sớm trước ngày diễn ra lễ chính, các già làng, nghệ nhân tham gia lễ hội sẽ làm lễ cúng ở nhà xin phép thần linh cho dựng cây nêu, đồng thời báo cáo ông bà tổ tiên biết trong bon làng sắp tổ chức lễ hội. Lễ cúng lần hai vào buổi chiều sau khi già làng cùng thanh niên trong bon dựng hàng rào, trồng cây Blang trước nhà văn hóa cộng đồng. Lễ vật dâng thần linh gồm: 1 ché rượu cần, một cành cây Blang, 1 con gà (hoặc heo), máu gà (hoặc heo), 1 chén cơm trắng, 3 quả cà, gạo, ớt xanh, ống đựng rượu cần, đèn sáp ong và than quấn bông gòn đặt cạnh cây Blang vừa trồng. Lễ cúng cuối cùng được tổ chức vào chiều tối khi dân làng tập trung đầy đủ.
Giữa đất trời, trước cây nêu cao to có đặt đầy đủ lễ vật, già làng khấn các thần linh chứng giám làm lễ trồng cây Blang rào bon, xin các thần linh chăm sóc cho cây tươi tốt để bảo vệ bon làng, bảo vệ chúng sinh không bệnh tật, ốm đau... Khấn xong, già làng dùng ngọn đuốc châm vào đống củi chất sẵn trước sân để kết thúc phần lễ. Ngọn lửa thiêng rực sáng cả vùng trời như một tín hiệu sự cho phép của thần linh.
Rộn ràng, tươi vui
Tiếng cồng chiêng vang lên, người dân hòa mình vào “bữa tiệc” âm nhạc đặc sắc của núi rừng. Các bà, các mẹ ngày thường lam lũ nương rẫy hội tụ về trở thành những nghệ nhân đánh cồng chiêng, hát dân ca, thổi M’buốt vui tươi rộn ràng. Những chàng trai, cô gái nắm tay nhau cùng nhảy múa quanh ngọn lửa hồng. Trong ngày hội, mọi người cùng nhau thưởng thức ẩm thực M’nông, hương vị nồng nàn của núi rừng cao nguyên như rượu cần, cơm lam, thịt heo, gà nướng. Họ “cháy” hết mình với đêm hội vài năm mới tổ chức một lần.
(Nguồn: baodaknong.org.vn)