Thứ năm, 09/06/2022, 13:00
Lão nông miền Tây và những giống nhãn mới, lạ
Vĩnh Long - Vài năm gần đây, tại huyện Mang Thít, bà con nông dân truyền tai nhau về những giống nhãn mới, lạ, cho "siêu trái" của nông dân Nguyễn Văn Phúc ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An.
Với thâm niên trong nghề trồng nhãn ở tỉnh Vĩnh Long, ông Phúc nắm giữ bí quyết cho ra đời nhiều giống nhãn mới, lạ, cho 'siêu trái', cơm dày, tiềm năng xuất khẩu lớn.
Giống nhãn tím bắt mắt của ông Nguyễn Văn Phúc, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Kim Anh.
Dọc con đường dẫn vào khu vườn nhãn của ông Phúc, màu của giống nhãn tím khá bắt mắt, khiến phóng viên thích thú xen lẫn tò mò muốn tìm hiểu về giống nhãn này. Theo lời kể của ông Phúc, trên diện tích 4 ha, ông canh tác rất nhiều giống nhãn, giống nhãn tím ra đời cũng từ một giống nhãn xuồng đột biến. Nhận thấy màu sắc đẹp, cơm dày, hạt nhỏ, trái lại to, ông quyết định ghép và phát triển giống nhãn tím này.
Nông dân này cho biết thêm, chỉ vụ đầu tiên thu hoạch trái, giá bán của giống nhãn tím đã ở mức 80.000 đồng/kg, hiện nay đang bước vào mùa thu hoạch rộ của nhiều loại trái cây nên giá có phần sụt giảm hơn, nhưng vẫn ở mức cao 50.000 đồng/kg. Ông Phúc đã thực hiện ghép thành công 150 gốc nhãn tím để phục vụ bà con nông dân có nhu cầu phát triển giống nhãn này trên địa bàn.
Giống nhãn mới cho siêu trái, trung bình mỗi chùm nhãn nặng từ 3 – 4 kg. Ảnh: Kim Anh.
Ngoài nhãn tím lạ mắt, vườn của ông Phúc còn có giống nhãn mới cho “siêu trái” giá trị kinh tế cao mà ông dự tính đặt tên là nhãn miền Tây. Đặc tính nổi trội của giống nhãn này là dễ xử lý ra hoa, ít bị sâu bệnh tấn công, năng suất cao, trung bình trên diện tích 1.000 mét vuông, giống nhãn mới cho từ 400 – 500 kg trái.
Theo quan sát của phóng viên, mỗi chùm nhãn ở đây nặng từ 3 – 4 kg, nhãn mọc đều thành từng chùm riêng biệt, ít trái đeo. Toàn vườn hiện đang trồng 1.250 cây nhãn “siêu trái” và đang ghép 500 cây con để nhân rộng và chuyển giao cho bà con nông dân có nhu cầu phát triển.
“Bây giờ 1 kg nhãn mình bán cho thị trường bao nhiêu thì mình bán một cây giống cũng bằng với giá 1 kg nhãn. Để bà con có thể nhân rộng và phát triển giống nhãn này”, ông Phúc chia sẻ.
Qua tham khảo thị trường ở các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh, ông Phúc cho hay: “Trái nhãn mới ra thị trường không dưới 80.000 đồng/kg, thực tế bây giờ vựa đang mua tôi là 100.000 đồng/kg và bao giá thu mua hết toàn vườn. Tôi đánh giá, với nông dân trồng nhãn thì trái nhãn 15.000 đồng/kg là đã có lời rồi, trái nhãn này khi thị trường có biến động, vẫn không mất giá 30.000 đồng/kg, nông dân không gặp khó khăn”.
Bên cạnh đó, giống nhãn mới trồng khoảng 6,5 tháng có thể cho trái, nếu giá cả thị trường chưa hợp lý, nhãn có thể được neo thêm 1,5 tháng mà trái không bị phù đầu, lên mọng hay nứt, cơm lại không lạt.
Tuyệt chiêu trồng nhãn thành công
Chia sẻ về tuyệt chiêu thành công với cây nhãn, lão nông này cho hay, ngoài kỹ thuật trồng, nông dân phải có tâm huyết cộng với tư duy thị trường mới có thể phát triển bền vững với cây nhãn. Ông Phúc chỉ ra, để cho ra giống nhãn mới “siêu trái”, ông đã mất nhiều năm kết hợp lai ghép nhiều giống nhãn có nguồn gốc trong và ngoài nước với nhau cho phù hợp với môi trường, đau đầu tại sao muốn phát triển lại khó xử lý ra hoa, trải qua 7 lần thất bại mới có thể chọn lọc lại gốc nhãn có đặc điểm nổi trội để giữ lại và phát triển đến hôm nay.
Trải qua 7 lần thất bại, ông Nguyễn Văn Phúc mới thành công trong việc ghép giống nhãn siêu trái. Ảnh: Kim Anh.
Theo ông Phúc, kỹ thuật trồng nhãn cũng tương đối đơn giản, bà con nông dân chuyển đổi sản xuất từ đất lúa sang phát triển kinh tế vườn, chủ động lên mô líp cao, cung cấp đủ nước cho cây, đặc biệt là mùa nắng, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, hàm lượng hữu cơ cung cấp cho đất phải chiếm trên 60%. “Thị trường hiện nay ưa chuộng nhà vườn sử dụng phân hữu cơ”. Ông khẳng định nếu bà con nông dân bón phân hữu cơ, vườn nhãn chắc chắn cho năng suất cao. Bí quyết riêng sử dụng phân bón hữu cơ của ông Phúc là dùng men vi sinh để ủ cá tra trên 3 tháng sau đó bón cho vườn nhãn.
Trong năm 2022, ông Nguyễn Văn Phúc lên kế hoạch ghép 1.250 cây nhãn siêu trái. Ảnh: Kim Anh.
Ngoài ra, cây giống nhãn siêu trái sau khi được ghép thành công có giá cao nhất lên tới 1.500.000 đồng/cây giống. Ông Phúc cho biết thêm, từ 6,5 tháng đến 1 năm nhãn siêu trái có thể xử lý cho trái, tuy nhiên để tiết giảm nhân công lao động, gia tăng năng suất, ông Phúc cho lời khuyên nên duy trì cây đến 2 năm. Đồng thời, để mua được cây giống với giá bán thấp, nhà vườn nên tham gia liên kết với các hợp tác xã đến mua cây giống số lượng lớn với mức giá ưu đãi.
Phân hữu cơ ủ từ cá tra là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính bón cho cây nhãn. Ảnh: Kim Anh.
Yếu tố thị trường cũng được ông đặc biệt quan tâm, nhất là thị trường xuất khẩu, “Bây giờ quy định thì 2,5 phân trở lên nhãn Việt Nam mới đủ quy định xuất khẩu, nhãn này cơm dày, hạt nhỏ, trái to, bảo quản được lâu, phù hợp với thị trường, 95% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, vì vậy tôi phải quyết tâm phát triển”, ông Phúc cho biết.
Giống nhãn siêu trái sẽ được ông Nguyễn Văn Phúc phát triển khắp cả nước. Ảnh: Kim Anh.
Hiện nay, ông Phúc đang xây dựng và phát triển giống nhãn mới cho "siêu trái" với quy mô lớn ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đăk Lăk, để những nông dân có tâm huyết, đam mê với cây nhãn cùng phát triển.
(Nguồn: nongnghiep.vn)
Link gốc: https://nongnghiep.vn/lao-nong-mien-tay-cho-ra-doi-nhieu-giong-nhan-moi-la-d325015.html