Thứ năm, 15/09/2022, 14:00
Làng nghề đãi hến trăm tuổi bên bờ sông La
Hà Tĩnh - Dọc sông La có hàng tá làng nghề, nhưng riêng về làm hến phải kể đến xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, nơi người dân lội sông, chao hến hàng trăm năm nay.
Nằm bên bờ sông La, xã Trường Sơn (nửa trên ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều làng nghề gắn liền với cuộc sống sông nước. Nếu như làng nghề đóng thuyền ở thôn Bến Đền đã ít nhiều mai một thì làng nghề làm hến ở thôn Bến Hến vẫn duy trì và ngày càng khẳng định được thương hiệu.
Theo câu chuyện truyền miệng của người dân làng này, cách đây hơn 300 năm, trong làng có một gia đình mẹ mất sớm, người cha một mình chịu cảnh gà trống nuôi con, lớn lên người con thi đỗ làm quan, trên đường trở về quê hương vinh quy bái tổ, khi đi qua sông La thuộc xã Trường Sơn hiện nay gặp sấm sét, mưa gió dữ dội và bị rơi xuống sông. Người dân trong làng tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy xác, chỉ vớt được những con hến nho nhỏ, đem về nấu cháo, nấu canh thấy rất ngon, rất ngọt.
Từ đó, người dân đi bắt hến về phục vụ nhu cầu ăn uống, ăn không hết họ đưa sang các làng bên đổi lấy các loại thức ăn như cá, thịt, rau… Dần dần trở thành nghề mưu sinh của làng Bến Hến và được duy trì cho đến tận ngày nay.
Để bắt được hến, người dân phải dậy từ sáng sớm để xuống sông, dùng cào để tìm hến. Những năm trở lại đây, máy móc và phương tiện hiện đại giúp việc cào hến đỡ vất vả hơn, người dân ngồi trên thuyền máy, cắm cào xuống cát chạy dọc trên sông là bắt được hến. Vụ chính thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch.
Để đảm bảo độ tươi ngon của hến, sau khi đánh bắt chúng sẽ được ngâm cho nhả bớt bùn, cát trong miệng rồi luộc ngay tại bờ sông. Mỗi mẻ luộc thường từ 20 - 30 kg hến, kéo dài trong khoảng 15 - 20 phút với yêu cầu là lửa phải to, được duy trì đều.
Hiện nay, hến chủ yếu được khai thác xung quanh khu vực sông La, đoạn chảy qua huyện Đức Thọ. Nếu như việc đi cào, đi bắt thường của đàn ông thì công việc luộc hến, đãi hến lại dành cho phụ nữ trong làng.
Sau khi luộc, hến sẽ được đem xuống sông để đãi, tách riêng phần vỏ và phần ruột. Cả ruột và vỏ hến đều chìm nhưng phần thịt nhẹ hơn vỏ, khi chao dưới nước, ruột sẽ nổi lên nên chỉ cần nhanh tay hất phần ruột hến sang rổ khác. Công việc cứ tiếp tục nhiều lần cho đến khi tách ruột và vỏ hến nhưng cần đến sự khéo léo và tỉ mẩn của người phụ nữ.
Không chỉ khéo léo vào tỉ mẩn, những người phụ nữ đãi hến còn phải có cả sức khỏe. Sau khi luộc, ruột và vỏ hến vẫn dính vào nhau, người đãi phải dùng tay khuấy thật mạnh chiếc rổ nặng hàng chục kg này để chúng bung ra.
Sau khi đãi, công đoạn cuối cùng là nhặt sạn thêm một lần nữa trước khi đem về chế biến, đưa đi chợ bán. Hến thường được dùng để làm món xào xúc bánh đa, nhúng, nộm, lẩu, cháo, cơm hến... Theo người dân ở Đức Thọ, hến Trường Sơn có vị ngọt đậm đà, không hôi bùn, rất khác biệt so với các nơi khác.
Hến sông La không chỉ tiêu thụ ở Hà Tĩnh, mà đặc sản này đã có mặt tại các tỉnh, thành lớn trên cả nước. Những vị cao niên trong làng nói, nghề làm hến trên sông La không chỉ là làng nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa của quê hương, mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Từ hến, có thể làm nhiều món như canh hẹ, canh rau vặt, canh mít, xào giá đỗ…Khách hàng còn đặc biệt ưa chuộng vì hến là thực phẩm sạch, được làm thủ công hoàn toàn và sống trong môi trường tự nhiên. Nếu ngày xưa hến là món ăn dân dã của bà con nông dân thì giờ đã được nâng tầm lên đặc sản, vào hẳn khách sạn, nhà hàng sang trọng.
(Nguồn: nongnghiep.vn)
Link gốc: https://nongnghiep.vn/lang-nghe-dai-hen-tram-tuoi-ben-bo-song-la-i332381.html