Nằm ở xã Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), làng nghề đan đó gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp miền Bắc. Trước đây, làm đó, đan rọ mang lại thu nhập chính cho người dân địa phương khi sản phẩm có mặt ở khắp các chợ làng, chợ huyện và sang cả các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa khiến làng nghề mai một, chỉ còn lại hai thôn Nội Lăng và thôn Tất Viên nỗ lực gìn giữ làng nghề truyền thống. Qua góc máy của tác giả Thục Nghi (Đà Nẵng) hãy cùng thưởng thức bức tranh thôn quê bình dị, yên bình và đầy chất thơ của nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ngôi nhà ngói nhỏ đậm chất Bắc Bộ với những người dân đang cần mẫn bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống.
Nguyên liệu để làm ra chiếc đó, cái rọ là tre hoặc loại nứa già được chuyển từ rừng về. Đó có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn.
Đó là công cụ không thể thiếu để đánh bắt trên sông rạch, vùng chiêm trũng, đầm phá khắp miền Bắc. Một chiếc đó có thể chứa 8-9kg cá, tôm.
Đầu tiên, người thợ phải chẻ những loại nan khác nhau phục vụ cho việc đan đó. Công đoạn này được gọi là “pha”, đa phần do đàn ông thực hiện. Mỗi loại nan có kích cỡ khác nhau, phải được vót thật đều và mỏng, gồm: nan suốt, nan so le, nan hom, nan khoáy…
Một chiếc đó đẹp phải được đan cân đối, đường đan và các lớp đan đều nhau cả trong lẫn ngoài. Sản phẩm đan xong có hình bầu dục, hai đầu chắc chắn, đuôi nhọn, miệng tròn nhỏ.
Để tăng độ bền, người dân thường treo đó, rọ lên gác bếp để tránh mối mọt, có khói ám vào trong một thời gian nhất định để giúp sản phẩm vừa đẹp, vừa không bị rêu bám.
(Nguồn: baodanang.vn)
Link gốc: https://baodanang.vn/channel/5433/202307/lang-dan-do-hon-200-tuoi-o-hung-yen-3947882/