Đang tải ...
  
Công nghệ cuộc sống

Thứ năm, 27/01/2022, 10:00

Lâm Đồng vinh danh các công trình khoa học công nghệ

Các công trình khoa học công nghệ vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng trao Giải thưởng Khoa học Công nghệ lần thứ II - 2021 không chỉ có giá trị cao về khoa học và công nghệ mà còn có giá trị ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả, góp phần làm thay đổi cuộc sống.

Dễ dàng nhận biết, từ khi những trái bơ màu xanh dài ngoẵng như cổ ngỗng xuất hiện trên thị trường, người tiêu dùng không còn phải tìm kiếm khó khăn để được ăn một trái bơ sáp ngon như trước đây. Đó là thành quả của công trình “Nghiên cứu, phát triển giống bơ LĐ 034 phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên” do TS. Phạm S và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp, cây ăn quả Lâm Đồng thực hiện trong suốt 18 năm (5/2003 - 12/2020).

Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố, quy trình nhân giống bơ LĐ 034 được nhân rộng, nhu cầu tiêu dùng bơ 034 ở thị trường trong nước phát triển mạnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, có thời điểm lên đến 120 ngàn đồng/kg. Năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã công nhận cây đầu dòng LĐ 034 làm cơ sở để nhân rộng sản xuất và phát triển giống bơ LĐ 034.

Bơ LĐ 034

Với ưu điểm trái dài, hạt nhỏ, cơm vàng, khô, béo, dẻo, chất lượng tốt, cho năng suất cao, giống bơ LĐ 034 nhanh chóng trở thành thương hiệu được trồng khắp các tỉnh Tây Nguyên, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Năm 2019, bơ LĐ 034 được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận Top Sản vật Việt Nam vào năm 2020.

Công trình “Kết quả lai tạo, chọn lọc giống khoai tây TK 15.80” được ThS.Nguyễn Thế Nhuận và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) thực hiện trong 3 năm (1/2017 - 12/2019) nhằm lai tạo, chọn được giống khoai tây phục vụ ăn tươi đạt năng suất cao, có khả năng kháng bệnh mốc sương khá, phù hợp với điều kiện thời tiết quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận.

Kết quả cho thấy, giống TK 15.80 có thời gian sinh trưởng khoảng 95 - 100 ngày. Giống được người dân và thị trường ưa chuộng, cho năng suất cao, ổn định, trung bình đạt 25 - 30 tấn/ha, nhiều nông hộ sản xuất đạt trên 30 tấn/ha, doanh thu đạt 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng/ha.

Khoai tây TK15.80

Trong vụ Đông - Xuân năm 2021, năm 2022, thông qua dự án phát triển giống của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức sản xuất và cung ứng 1,5 triệu cây giống ra rễ sau cấy mô và 50 ngàn củ giống.

Dự kiến thời gian tới, Trung tâm sẽ tổ chức sản xuất và cung cấp mỗi năm khoảng 2 - 3 triệu cây giống và hàng trăm ngàn củ giống cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh. Giống khoai tây TK15.80 vỏ hồng, ruột vàng, chắc, thơm đã góp phần thúc đẩy sản xuất khoai tây bền vững gắn với thương hiệu “Khoai tây Đà Lạt” được ưa chuộng trên thị trường. 
 
Công trình “Ứng dụng biện pháp kỹ thuật tái canh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” của ông Nguyễn Văn Sơn và nhóm tác giả Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh. Từ đó xác định nguồn giống, chủng loại giống, nhu cầu số lượng giống, các giải pháp kỹ thuật và diện tích cần trồng mới, trồng tái canh và ghép cải tạo tại từng địa phương và đề xuất giải pháp thực hiện theo từng năm.

Gia đình ông Nguyễn Quang Triều (xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) tự mở rộng tái canh thêm 1,5ha theo quy chuẩn VnSAT

Đã xác định được diện tích cà phê cần chuyển đổi dựa trên độ tuổi, năng suất kém và nhu cầu từng loại giống cà phê tái canh hàng năm, xác định được các giống cà phê Robusta cho năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh gỉ sắt như: TR4, TR9, TR11, TRS1, Thiện Trường, Hữu Thiên, Trường Sơn… và các giống cà phê chè chủ lực Catimor, Typica.

Kết quả công trình là đã trẻ hóa khoảng trên 60% diện tích vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp bằng các giống cà phê cao sản, chọn lọc có năng suất, chất lượng cao.

Giai đoạn từ 2013 - 2020 đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê 73.161 ha. Riêng năm 2021 ước thực hiện 6.426 ha. Công trình đã giúp nâng cao chất lượng và phát triển nguồn giống tốt, đến nay nhiều giống có ưu thế vượt trội, cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương được chọn lọc, công nhận và phát triển như giống Hữu Thiên; Thiện Trường; Xanh Lùn; Typica, Bourbon, THA1, TN1…

Nhiều chuỗi liên kết tăng năng suất, chất lượng cà phê được hình thành và phát triển sau chương trình tái canh của tinh, tạo ra phong trào tái canh, ghép cải tạo cà phê phát triển mạnh mẽ đến nay.

Cà phê tái canh sai trĩu quả.

Công trình “Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Đơn Dương giai đoạn 2015 - 2020” do UBND huyện Đơn Dương thực hiện trong 6 năm (1/2015 - 12/2020) đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân: giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ các công nghệ để giải quyết các vấn đề cơ bản về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích hiện có.

Từ đó, phát triển các sản phẩm lợi thế của huyện như cây ăn quả (hồng, dứa, chuối, quýt..), rau, hoa các loại…; phát triển nuôi trồng nấm, cây dược liệu, bảo quản, chế biến nông, lâm sản; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và giải quyết nước sạch quy mô hộ gia đình và cụm dân cư; khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống và nghề phụ; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn; cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Mô hình trồng rau nhà kính tại Lâm Đồng

Tổng diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao hiện nay là 10.512 ha/11.763 ha đất canh tác rau, hoa toàn huyện (chiếm 89,4%), diện tích nhà kính, nhà lưới là 2.330 ha; tưới tự động, nhỏ giọt ngoài nhà kính, nhà lưới: 8.100 ha. Giá trị thu nhập từ sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm; có những mô hình đạt từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,7 lần, từ 41,4 triệu đồng/người năm 2014 lên trên 72 triệu đồng/người năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,41%.

Công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thành phố thông minh” của ông Trần Thanh Nam và cộng sự Viễn thông Lâm Đồng thực hiện từ tháng 2/2017 đến tháng 12/2019, đã xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh Đà Lạt - IOC có khả năng giám sát và quản lý các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số; Xây dựng hệ thống thông tin kết nối người dân với chính quyền, trong đó có các ứng dụng trên thiết bị di động, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp trong quá trình quản lý, cung cấp, tìm kiếm và tra cứu thông tin, tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; Xây dựng cổng Thông tin du lịch - Ứng dụng du lịch thông minh và bản đồ số du lịch trên thiết bị di động, giúp du khách trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại Đà Lạt.

Sau hơn 2 năm vận hành thử nghiệm, đã tiếp nhận được phản hồi tích cực từ người sử dụng, tiếp nhận được 3.221 phản ánh tại hiện trường trên các lĩnh vực qua hệ thống, có 210.000 lượt tương tác, 19.958 lượt tải ứng dụng DalatFlowerCity trên các thiết bị di động, số hóa được 97.751 thửa đất cho các phường, 11 phân khu. Công trình góp phần thực hiện thành công Đề án "Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh" giai đoạn 2018 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. 
 
Cụm công trình “Cải tiến kỹ thuật nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất dây chuyền công nghệ khai thác, tuyển khoáng và sản xuất alumin thuộc Công ty Nhôm Lâm Đồng” do ông Nguyễn Quang Thuyết và cộng sự Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng thực hiện từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2019. Nhóm tác giả đã thực hiện 12 giải pháp, sáng kiến kỹ thuật trong dây chuyền công nghệ đã được thiết kế tại nhà máy Alumin.

Công trình cải tiến kỹ thuật làm chủ công nghệ sản xuất Alumin.

Từ đó, đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Alumin; đội ngũ các cán bộ, công nhân viên, kỹ sư tại đơn vị làm chủ được công nghệ sản xuất, không lệ thuộc vào thiết bị, dây chuyền công nghệ ngoại nhập, có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cho các nhà máy có tính năng tương tự.

Qua kết quả nghiên cứu, thực nghiệm, nhà máy đã tăng dần công suất, giảm dần các chỉ tiêu tiêu hao nguyên vật liệu, giảm giá thành sản xuất qua từng năm. Đến năm 2018, nhà máy đã vượt công suất thiết kế, đạt 675.000 tấn Alumin quy đổi, lợi nhuận toàn bộ dự án đạt trên 1.800 tỷ đồng, nộp ngân sách cho tỉnh trung bình khoảng trên 400 tỷ/năm. 

Phát biểu tại lễ trao giải, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh - Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa VI - VII, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam khóa VIII (2020 - 2025) đã nhấn mạnh: “Trong cả nước có 4/63 tỉnh, thành có Giải thưởng Khoa học Công nghệ trong đó có Lâm Đồng. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với sự phát triển khoa học công nghệ và với các nhà khoa học. Là người dành cả đời gắn bó với khoa học công nghệ, tôi rất vui mừng trước những thành tựu tốt đẹp mà tỉnh Lâm Đồng đạt được trên lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Hy vọng lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm đến việc phổ biến tạo điều kiện để những công trình đoạt giải sẽ được ứng dụng sâu rộng không chỉ ở Lâm Đồng mà ở các địa phương khác trong cả nước”. 

(Nguồn: Báo Lâm Đồng)

Chia sẻ

Xem nhiều

Cận cảnh siêu tay ga Vespa 946 Dragon

Kỷ lục thị trường ô tô Việt: Cứ hơn 8 giây có một người chốt cọc VF 3

3 sai lầm khi sạc điện thoại khiến smartphone nhanh hỏng

Kết quả khảo sát trình độ công nghệ của các cường quốc gây bất ngờ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829