Thứ sáu, 25/11/2022, 16:00
Lại xuất hiện quầng mây kì lạ trên núi Chứa Chan
Sáng sớm 25/11, rất nhiều người dân ở H.Xuân Lộc, phấn khích khi phát hiện đám mây rất lớn hình nón bao phủ đỉnh núi Chứa Chan.
Hình ảnh mây thấu kính bao phủ đỉnh núi Chứa Chan.
Trước hiện tượng kỳ thú hiếm gặp này, nhiều người dân địa phương đã dùng điện thoại chụp lại khoảnh khắc đẹp này chia sẻ lên mạng xã hội. Đặc biệt, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến từ CLB nhiếp ảnh TP.Long Khánh, huyện Xuân Lộc…, các tay ảnh đến từ TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cũng đã đến nơi đây để phục săn ảnh đẹp.
Nhiếp ảnh gia Cao Tuấn (TP.Long Khánh) bộc bạch: “Mấy ngày nay, sáng sớm nào tôi cũng đến chân núi Chứa Chan từ rất sớm để canh chụp ảnh, nhưng chưa được tấm nào ưng ý. Hôm nay trên đỉnh núi xuất hiện, hiện tượng kỳ thú này, tôi lại bận việc vào trễ nên rất tiếc. Trước hiện tượng nón mây tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, cộng với việc dự báo được thời tiết mấy ngày qua, rất có khả năng trên đỉnh núi Chứa Chan cũng xuất hiện cảnh đẹp, nên cánh nhiếp ảnh chúng tôi đã khăn gói, sách máy chụp hình chuyên nghiệp, flaycam để canh săn ảnh độc”.
Là người dân sống ngay chân núi, anh Nguyễn Đức Tân (ngụ TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) cho biết: “Sáng tôi ngủ dậy đã thấy đám mây to che kín đỉnh núi Chứa Chan và kéo dài đến gần 8 giờ mới tan hết. Khoảng 7 giờ sáng là thấy đĩa mây rõ nhất”.
Theo người dân sống gần núi Chứa Chan, trước đây thỉnh thoảng vẫn bắt gặp cảnh mây tụ trên núi nhưng không lớn và đều như lần này.
Anh Nguyễn Hậu, người dân địa phương, làm nghề dẫn khách du lịch lên trekking trên đỉnh núi Chứa Chan chia sẻ: “đĩa mây” xuất hiện lúc 6 giờ 20 sáng và kéo dài đến khoảng 7 giờ 20 mới tan dần. “Mây như vậy ở núi Chứa Chan lần đầu tiên mới thấy, quá đẹp”, anh Hậu bộc bạch. Nhiều người dân địa phương cũng cho rằng từng nhiều lần bắt gặp hiện tượng “đĩa mây” nhưng quy mô không lớn như vậy.
Cảnh mây vờn quanh núi Chứa Chan, nhìn từ hồ Núi Le.
Theo một lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, trong khí tượng gọi những đám mây như trên là mây thấu kính, thường xuất hiện ở những ngọn núi. Bình thường, luồng không khí chuyển động gặp núi sẽ tạo ra các sóng trong khí quyển, các sóng này không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Trong một điều kiện khí quyển thuận lợi như nhiệt độ không quá cao, độ ẩm lớp không khí sát mặt đất lớn…quá trình chuyển động của các sóng này sẽ đẩy luồng khí ẩm lên đạt tới mức ngưng kết và kích thích việc hình thành những đám mây dạng thấu kính. Mây thấu kính có thể biểu hiện như một đĩa bay nhiều lớp hoặc như một chiếc mũ trùm lên ngọn núi. Nó cũng có thể hình thành ngay trên đỉnh núi hoặc cách xa về phía khuất gió, hình thành đơn lẻ hoặc hình thành cả một chuỗi.
Núi Chứa Chan cao 837m so với mực nước biển còn gọi là “đệ nhị thiên sơn”, là ngọn núi cao thứ hai ở Đông Nam bộ (sau núi Bà Đen - Tây Ninh). Đây là địa danh nổi tiếng xưa nay không chỉ là phong cảnh hữu tình từ vẻ đẹp của núi đá hang động thiên nhiên kết hợp với bàn tay sáng tạo khéo léo của con người mà còn là địa danh với nhiều chiến tích lịch sử đã đi vào ký ức của bao thế hệ cư dân như biểu tượng của quê hương Miền Đông gian lao mà anh dũng. Ngày 4-5-2012, khu di tích lịch sử núi Chứa Chan H.Xuân Lộc vinh dự đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia do Bộ VH-TTDL xếp hạng.
Trước đó, sáng 24/11, hình ảnh một đám mây hình nón như chiếc đĩa bay cũng đã xuất hiện, bao phủ trên đỉnh núi Bà Đen.
(Nguồn: baodongnai.com.vn)