Đang tải ...
  
Kinh doanh Bất động sản

Thứ năm, 08/09/2022, 15:00

Kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ gỡ ‘nghẽn’ tái định cư

Tái định cư luôn là câu chuyện khó khi giải phóng mặt bằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang từng bước hoàn thiện các quy định nhằm khơi thông những bế tắc cho vấn đề này.

Một dự án chung cư tái định cư hoang vắng.

Dân khó đồng thuận, “nghẽn” khâu tái định cư

Tái định cư là việc nhà nước bố trí, sắp xếp chỗ ở cho người sử dụng đất có đất thu hồi hoặc nhà nước, doanh nghiệp thực hiện khi cải tạo, xây dựng nhà chung cư. Khi đó, lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn.

Trên thực tế, thu hồi đất và tái định cư trong thời gian qua còn có những bất cập, hạn chế, gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài và bức xúc cho người dân. Một trong những nguyên nhân phổ biến đó là khi triển khai tái định cư, người dân được đền bù chưa được sự quan tâm đúng mực, chưa được đánh giá đúng thực tại cuộc sống. Bởi vậy, khi cuộc sống bị thay đổi, sinh kế của người dân cũng thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống.

Bà Hoa, một trong những cư dân đầu tiên chuyển về sinh sống ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B cho biết, so với nơi ở cũ, căn hộ của bà hiện nay khang trang hơn rất nhiều, nhưng nơi ở mới này không thuận tiện cho công việc của những người trong gia đình, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, thực hiện chương trình tái định cư để thực hiện dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (quận Bình Tân), gia đình chị Loan chuyển về sinh sống tại khu dân cư Vĩnh Lộc B chia sẻ, ngày trước chị bán hủ tiếu, bánh canh, mỗi ngày cũng kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng. Về khu tái định cư, buổi sáng chị cũng mở quán bán xôi, trưa và tối bán ốc, nhưng chưa được một tuần đã dẹp vì không có người mua.

Tháng 6/2022, tại cuộc họp với HĐND TP. HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT chia sẻ, đã từng có 10 năm công tác tại huyện Nhà Bè, chưa thấy có trường hợp nào người dân tái định cư chịu lên ở chung cư. Đơn cử như dự án bờ kè đã 7 – 8 năm nay chưa được phê duyệt phương án tái định cư vì người dân không chịu lên ở chung cư quận 7 hay quận 2 dù quỹ nhà tái định cư của thành phố thì có đủ.

"Người dân thuộc diện di dời giải tỏa trên địa bàn không chịu di dời vì họ đã sinh sống ở đây lâu đời nên họ muốn được tái định cư ở khu vực gần nơi họ đã từng sinh sống", đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của quận 8 thông tin thêm cho phóng viên VietnamFinance khi xuống thực địa đang triển một dự án hạ tầng của thành phố.

Có thể nói, với tình trạng hiện nay, việc bố trí cơ học cư dân từ địa bàn này đến địa bàn khác là rất khó khăn khi việc tái định cư không thuận tiện cho sinh hoạt và công việc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Điều chỉnh chính sách để dân đồng tình

Chính sách tái định cư đến nay đã có nhiều thay đổi theo thời gian, tuy nhiên vẫn còn mờ nhạt như trong một số quy định của Luật đất đai năm 2013:

Khoản 2 Điều 85 có quy định: “Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng miền”.

Hoặc Khoản 2 Điều 86 quy định như sau: “Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng”.

Như vậy, vì quy định chưa cụ thể về điều kiện tái định cư, đặc biệt là tái định cư tại chỗ nên nhiều địa phương đã không thể hoàn thành công tác di dời người dân, giải phóng mặt bằng. Người dân có đất bị thu hồi, thiệt thòi khi phải di chuyển chỗ ở khỏi khu vực quen thuộc, thay đổi tập quán sinh sống, không đảm bảo thu nhập… đã khiếu kiện, khiếu nại. Tình trạng xảy ra suốt thời gian dài ở nhiều nơi vẫn chưa được giải quyết.

Hiện nay, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã chỉ đạo “có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã công bố dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có lợi cho người dân khi thu hồi đất liên quan đến chính sách tái định cư, trong đó có vấn đề tái định cư tại chỗ.

Nhiều ý kiến đóng đóng góp của các chuyên gia, tổ chức… đã được ghi nhận để hoàn thiện các quy định cụ thể. Gần đây nhất, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường lần 3 về việc góp ý một số quy định của Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013. Cụ thể, HoREA đề nghị xác định chính sách tái định cư “đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ và bổ sung chính sách hỗ trợ “giải quyết chỗ ở tạm thời” đối với trường hợp được tái định cư tại chỗ”.

Như vậy, trong thời gian sắp tới, việc hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần gỡ các “nút thắt” liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân. Các quy định sẽ được cụ thể hóa giúp người dân an tâm thực hiện chính sách cùng chính quyền các cấp.

(Nguồn: vietnamfinance.vn)

Link gốc: https://vietnamfinance.vn/ky-vong-luat-dat-dai-sua-doi-se-go-nghen-tai-dinh-cu-20180504224273700.htm

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829