Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ hai, 09/09/2024, 13:00

Kiếm tiền từ cỏ dại

Tại một số vùng đất lúa hay đất nuôi tôm sản xuất không hiệu quả ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng bồn bồn, mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ còn thoát nghèo nhờ mô hình này.

Cây bồn bồn từ loài cỏ dại trở thành món ăn đặc sản giúp nhiều nông dân ở huyện Mỹ Tú có thu nhập ổn định.

Cỏ dại thành đặc sản

Từng được xem là loại cỏ dại, nhưng nhiều năm trở lại đây cây bồn bồn bỗng trở thành loại cây đem lại nguồn sinh kế ổn định cho người dân xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Loại cây trồng này cũng trở thành đặc sản làm nên thương hiệu dưa chua bồn bồn nổi tiếng.

Nếu như bồn bồn ngoài tự nhiên chỉ cho thu hoạch 1 vụ/năm thì nay với việc trồng chuyên canh mỗi năm cho thu hoạch khoảng 6 tháng. Ngoài ra bồn bồn là loại cây có sức sống mãnh liệt, ít sâu bệnh nên trong quá trình canh tác hầu như không sử dụng phân thuốc nên được xem là loại rau sạch, giúp cho môi trường sống tự nhiên của các loài cá được đảm bảo phát triển tốt, góp phần làm tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Chuyển sang trồng bồn bồn hơn chục năm nay đã mang về nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình, bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh (55 tuổi, ngụ xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú) cho biết, gia đình vốn có truyền thống trồng lúa. Tuy nhiên, những năm trở lại đây cây lúa cho năng suất thấp, làm không có lãi, thậm chí thâm hụt tiền vốn. Từ đó gia đình quyết tâm chuyển đổi sang loại cây trồng mới.

Sau khi tìm hiểu, nhận thấy mô hình trồng bồn bồn vừa nhẹ công chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên bà mạnh dạn mua giống về trồng. Hiện bà Hạnh trồng bồn bồn trên diện tích 5.000m2, mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 700-800kg, đem lại nguồn thu nhập khoảng 7 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (40 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú) cũng có cuộc sống khấm khá nhờ cây bồn bồn. Trước đây, anh làm công nhân, nhưng thu nhập “ba cọc ba đồng”. Nhờ tích góp được một số vốn, anh quyết định nghỉ việc để về quê thuê 6.000m2 đất trồng bồn bồn. Hiện mỗi tháng gia đình thu hoạch từ 700kg đến 1,2 tấn bồn bồn, với giá bán dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 10-15 triệu đồng mỗi tháng.

Thay vì thu hoạch bồn bồn bán cho thương lái thì bà Ðặng Thị Xứng (60 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú) chọn bán cho khách qua đường. Mỗi ngày, bà thu hoạch khoảng 20-25kg rồi mang ra phía trước nhà để bán với giá khoảng 30.000-35.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi tháng bà còn làm vài chục ký dưa chua bồn bồn để bán lẻ, giao cho các đám tiệc với giá 40.000 đồng/kg. Nhờ đó kiếm được thu nhập khá.

Thu nhập khá nhờ nghề nhổ bồn bồn

Bồn bồn vào vụ còn giúp cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm nghề nhổ bồn bồn thuê. Bình quân một lao động có thể nhổ được từ 20-30kg, thu nhập từ 140.000-280.000 đồng/ngày.

Bà Thạch Hên (50 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú) cho biết, bà sống nhờ nghề làm thuê, làm mướn nên thu nhập bấp bênh. Những năm gần đây, khi bồn bồn được trồng nhiều ở địa phương và trở thành đặc sản, bà kiếm được thu nhập trên dưới 200.000 đồng/ngày nhờ nghề nhổ bồn bồn thuê.

Theo bà Hên, bồn bồn ngập sâu trong nước nên muốn thu hoạch người dân phải trầm mình nhiều giờ để nhổ. Bồn bồn vừa nhổ lên mang chặt bỏ phần lá, giữ lại phần gốc, sau đó tách bỏ bẹ lá bên ngoài để lấy phần lõi non bên trong.

Ðang nhổ bồn bồn cách bà Hên không xa, ông Trần Văn Hai (63 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú) cho biết, với những người có tuổi, việc tham gia nhổ bồn bồn cũng đem lại nguồn thu nhập giúp trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, nghề này cần có sức khỏe, dẻo dai, tương đối vất vả bởi phải dầm mưa dãi nắng và trầm mình cả ngày dưới nước.

“Mỗi ngày tôi đi nhổ bồn bồn thuê từ lúc 3 giờ hoặc 5 giờ sáng. Nhổ đến tận 9-10 giờ sáng thì lên bờ nghỉ ngơi, ăn uống rồi lại tiếp tục công việc vào lúc giữa trưa. Ðến khi lái lại cân thì xong công việc”, ông Hai nói.

Theo ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú, trên địa bàn hiện có khoảng 80ha đất chuyên canh bồn bồn, chủ yếu được chuyển đổi từ đất trồng lúa hay nuôi tôm kém hiệu quả. Ðịa phương cũng đã thành lập Tổ hợp tác bồn bồn ở xã Mỹ Tú và đưa bồn bồn trở thành sản phẩm tiềm năng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

(Nguồn: baocantho.com.vn)

Link gốc: https://baocantho.com.vn/kiem-tien-tu-co-dai-a178100.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

Rêu đá - Thức quà của dòng suối trong lành

Loạt đám cưới ngập vàng khiến dân tình ‘choáng ngợp’ năm 2024

Ngư dân Núi Thành tu sửa tàu thuyền cho vụ biển mới

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829