Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7

Thứ sáu, 11/03/2022, 07:30

Khó tìm đầu ra, người trồng thanh long điêu đứng

Bình Thuận - Từ năm 2019 đến nay giá thanh long liên tục giảm sâu, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều nhà vườn thanh long gặp khó khăn do không tìm được đầu ra.

Hiện nay, lứa thanh long chong điện cuối vụ nghịch năm đang cho thu hoạch nhưng giá nằm ở mức rất thấp, thương lái chỉ mua mão, ước sản lượng trái trong vườn để mua mà không cần tính đơn giá trên ký như trước.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên ở thôn Phú Lập, xã Hàm Phú (huyện Hàm Thuận Bắc) chia sẻ, những năm qua, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất 700 trụ thanh long. Hàng ngày, ngoài chăm sóc vườn thanh long, chị tranh thủ thời gian để làm thuê cho các vườn thanh long lân cận, góp phần tăng thêm thu nhập. Nhưng từ năm 2019 đến nay, giá thanh long không ổn định, nhiều nhà vườn phá bỏ thanh long để chuyển đổi cây trồng nên chị cũng mất đi nguồn thu từ công nhật làm thuê, chỉ tập trung chăm sóc vườn thanh lòng của gia đình.

Vườn thanh long 700 trụ của chị Liên nằm cạnh kênh chính Sông Quao; có nguồn nước tưới chủ động, rất thuận lợi cho việc canh tác, chăm sóc thanh long trái vụ. Bước vào vụ chong điện thanh long trái vụ năm 2021 – 2022, lường trước sự rủi ro do giá thanh long không ổn định, chị Liên đã chia vườn thanh long 700 trụ làm 2 đợt chong điện theo hình thức cuốn chiếu, với hy vọng nếu không trúng giá pha này, thì còn pha tiếp theo để cứu vớt. Cách làm này được nhiều nhà vườn áp dụng trong những năm qua cũng rất hiệu quả.

Đợt chong điện thứ nhất, thanh long cho thu hoạch theo đúng kế hoạch vào những ngày đầu tháng chạp năm Tân Sửu, nhưng đúng thời điểm này nhiều cửa khẩu xuất hàng qua thị trường Trung Quốc đóng cửa, giá thanh long giảm chỉ còn 1.000 – 3.000 đồng/kg. 350 trụ với gần 3 tấn thanh long, chị Liên chỉ thu được 2 triệu đồng, lỗ hơn 10 triệu đồng tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền điện, chưa tính công làm. Pha chong điện thanh long thứ 2 với 350 trụ còn lại, vừa cho thu hoạch những ngày đầu tháng 3/2022 này cũng chỉ thu được 2 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc có rất nhiều nhà vườn chong điện thanh long trái vụ đang rơi vào tình cảnh điêu đứng như chị Liên. Đi dọc 2 bên bờ kênh chính Sông Quao, không khó để chúng ta thấy những vườn thanh long đang chín đỏ chờ người mua. Chị Lưu Thị Bích Tuyền - thôn Phú Thắng, xã Hàm Phú có 600 trụ thanh long đang rộ trái chín cho biết, thương lái chỉ mua mão, ước sản lượng trái thanh long nguyên vườn để mua mà không cần tính đơn giá trên ký như trước. Do đó, nhiều nhà vườn chưa tìm được người mua ưng ý để bán.

Một thời thanh long được xác định là cây trồng chủ lực, xóa đói, giảm nghèo, thì nay cây trồng này làm cho nông dân vướng phải nợ nần. Câu hỏi thường trực mà nhà vườn thanh long đang trăn trở là tiếp tục đầu tư hay phá bỏ; nếu phá bỏ thì trồng cây gì hiệu quả hơn nhưng chưa có câu trả lời? Chị Liên chia sẻ thêm, một số hộ đã phá bỏ thanh long trở lại làm lúa. Nhưng theo chị thì việc phá bỏ thanh long trở lại làm lúa như trước kia thì thật là đáng tiếc. Bởi việc đầu tư ban đầu cho thanh long chi phí khá lớn, nhưng phá bỏ lại phải mất một khoản chi phí nữa mà trồng lúa thì hiệu quả kinh tế cũng không cao.

Trước tình cảnh khó khăn của các nhà vườn thanh long, chính quyền cần quan tâm, có giải pháp tháo gỡ, giúp họ có điều kiện tiếp tục tái đầu tư phát triển sản xuất thanh long, vượt qua khó khăn này. Hiện bà con rất mong được tiếp cận các chương trình vốn vay ưu đãi và được khoanh nợ để tiếp tục vay vốn đầu tư. 

(Nguồn: baobinhthuan.com.vn)

Chia sẻ

Xem nhiều

Xuất khẩu rau quả vượt mốc 6 tỉ đô la Mỹ

Thế giới đang trở nên quá nóng đến mức nguy hiểm

Thái Lan kiểm soát chặt hàng hóa nước ngoài

UAE đúc thỏi vàng lớn nhất thế giới, nặng 300,12 kg

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829