Thứ sáu, 14/04/2023, 09:00
Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp liên tục thoái lui khỏi thị trường
Khó khăn ở thị trường xuất khẩu lẫn nội địa cùng diễn biến tình hình kinh doanh bất định đã khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức và nản lòng, họ đã chọn giải pháp thoái lui, rời khỏi thị trường.
Hơn lúc nào hết cộng đồng doanh nghiệp đang mong mỏi các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, thúc đẩy và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã có. Việc hỗ trợ kết nối với các tổ chức tín dụng với lãi suất vừa phải, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng tìm kiếm thị trường mới,… cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp mong mõi chờ đợi trong bối cảnh tình hình khó khăn hiện nay.
Những khó khăn của thị trường bất động sản cũng đặt ra yêu cầu để Nhà nước có những chính sách hợp lý để ngành kinh tế này có thể phát triển lành mạnh, làm đúng vai trò của mình nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Ảnh minh họa: H.P
Số lượng rút lui cao gần gấp đôi lượng gia nhập thị trường
Trải qua một năm 2022 hoạt động đầy ảm đạm, cùng với gần 3 tháng đầu năm 2023 không ký kết được hợp đồng xây dựng công trình mới, ông N.Đ. Chính, chủ một công ty xây dựng, đã quyết định đăng ký cho doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đến hết năm nay.
Theo đó, gần 10 người thợ xây đã gắn bó với ông Chính bôn ba trên mọi hành trình ở TPHCM và các tỉnh lân cận trong những năm qua cũng phải nghỉ việc, trở về quê nhà hoặc tìm công việc mới.
Chia sẻ về tình hình khó khăn của thị trường bất động sản và xây dựng trong 2 năm qua, ông Chính ngậm ngùi than rằng có những công trình thực hiện xong công ty bị thua lỗ nặng vì giá vật tư và chi phí nhân công tăng cao, khiến ông không thể tiếp tục cầm cự và duy trì hoạt động doanh nghiệp quy mô nhỏ này nữa.
Không riêng lĩnh vực xây dựng hay bất động sản mà theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quí 1-2023, cả nước có đến 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cùng thời gian trên số doanh nghiệp thành lập chỉ hơn 33.900 doanh nghiệp.
Kết quả này cho thấy số doanh nghiệp rời thị trường nhiều gần gấp đôi số doanh nghiệp mới thành lập. Như vậy bình quân một tháng trong quí 1 có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tương đương mỗi ngày có khoảng 670 doanh nghiệp ngừng hoạt động).
Trong đó, đa số doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn giống như trường hợp tại công ty ông N.Đ. Chính (chiếm hơn 71%). Cụ thể theo số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong quí vừa qua là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 20.984 doanh nghiệp (chiếm 49%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỉ đồng) với 38.535 doanh nghiệp (chiếm gần 90%)…
Đáng chú ý, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể trong quí vừa qua là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1%, và số doanh nghiệp giải thể là hơn 4.600 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử các quí 1, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường…
Trên thực tế, trong những tháng qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm quy mô sản xuất, thậm chí sa thải nhiều lao động do khó khăn về đầu ra ở thị trường thế giới. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử,… Cùng với đó, việc đưa các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cũng đã tiết giảm được nguồn nhân lực.
Tình trạng các nhà bán lẻ ở TPHCM đuối sức vì kinh doanh ế ẩm, thu không đủ bù chi nên phải trả mặt bằng nhiều. Ảnh minh họa: Vũ Lê.
Ở thị trường nội địa cũng không mấy sáng sủa khi nhiều người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập… dẫn đến nhà bán lẻ kinh doanh ế ẩm. Tình trạng các cửa hàng ở các tuyến đường trung tâm và sầm uất tại TPHCM phải đóng cửa, trả mặt bằng,… vì thu không đủ chi ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang rất khó khăn để xoay xở tồn tại.
Tình hình kém lạc quan này cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.
Khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội đan xen.
Khi nhiều doanh nghiệp vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch Covid-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế – địa chính trị toàn cầu lại ập đến như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính – ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế lớn đi cùng nỗi lo lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới.
“Tức là có tới 2/3 số doanh nghiệp dự kiến không tăng thêm quy mô trong vòng 2 năm tới”, ông Công lưu ý, và cho rằng, trong điều kiện bất lợi ấy, vai trò của các chính quyền địa phương sẽ được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định. Ông cũng cho rằng lãnh đạo các địa phương cũng phần nào cảm nhận được sự khó khăn nào của doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, đánh giá cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến thủ tục đất đai, tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, liên quan đến vấn đề tiếp cận đất đai, ông Tuấn cho biết, có đến 42,9% doanh nghiệp cho biết không mở rộng sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về tiếp cận đất đai và hy vọng điều này sẽ được “hóa giải” khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, theo ông Tuấn, đây là khó khăn hàng đầu mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua. Dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tiếp cận vốn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng là rất ít và đang có xu hướng giảm. Điều này được thể hiện qua quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp chỉ đạt 15,6 tỉ đồng.
Bên cạnh những khó khăn trên, báo cáo PCI năm 2022 cũng cho thấy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân người lao động.
Các điểm chưa được như kỳ vọng là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế/phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.
Cần thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Dự báo trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động của xung đột Nga – Ukraine và khủng hoảng năng lượng, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường chưa phục hồi…
Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, vai trò của Chính phủ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rất quan trọng. Theo đó, nhóm nghiên cứu PCI kỳ vọng, chính quyền các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, lấy sự ổn định và thuận lợi của môi trường kinh doanh bù đắp cho những bất ổn của thị trường thế giới.
Trước tình trạng số doanh nghiệp khó khăn phải rời thị trường cao gần gấp đôi số doanh nghiệp thành lập trong quí 1/2023, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế đã thể hiện sự lo ngại rất lớn. Bởi lẽ theo ông Doanh, doanh nghiệp là khu vực chính tạo ra của cải vật chất, việc làm và nguồn thu ngân sách… Khi họ khó khăn, phải đi đến ngưng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và ổn định xã hội.
Do đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ, bộ ngành và các địa phương cần có chính sách kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sản xuất của một doanh nghiệp cơ khí tại TPHCM. Ảnh minh họa: Quốc Hùng.
Đáng chú ý là tình hình tiếp cận vốn vay và lãi suất hiện nay cần phải cải thiện hơn nữa. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 9%, nhưng có doanh nghiệp phản ánh họ đang phải vay vốn với mức lãi suất từ 10 – 12%, cao hơn chỉ số giá cả đến 2,5 lần.
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện để đồng vốn có thể đến được với những người khởi nghiệp, những người muốn tái cơ cấu doanh nghiệp để họ tiếp tục tạo công ăn việc làm. “Việc cố gắng vượt lên trên mọi biến động là một trong những vấn đề quan trọng nhất, thì Chính phủ, các cơ quan địa phương cần tìm cách giúp đỡ nhiều hơn, từ hộ gia đình cho đến doanh nghiệp”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 9%, trong khi chỉ số lạm phát năm 2022 chỉ khoảng 3,5%, nên chúng ta vẫn có thể giảm tiếp lãi suất huy động và lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa. Lãi suất được xem như chìa khoá giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực bước vào thị trường, hỗ trợ đà tăng trưởng của đất nước.
Trên thực tế, ngành ngân hàng gần đây cũng liên tục giảm lãi suất cho vay cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), trong thời điểm này, nhu cầu của doanh nghiệp là cần nguồn vốn lưu động để giải quyết thanh khoản.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp TPHCM mong ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng vật tư nguyên liệu và các thành phẩm, các hàng tồn kho. Bởi lẽ nếu ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp thế chấp bằng nhà, xưởng, máy móc, thiết bị thì những thứ này doanh nghiệp đã thế chấp cho ngân hàng để đầu tư sản xuất, xây dựng nhà xưởng rồi. Còn những khoản nợ tới hạn thanh toán thì ngân hàng có thể xem xét hoãn nợ, giãn nợ.
Thêm một vấn đề nữa chưa được khơi thông đó là thị trường bất động sản, sự đóng băng của thị trường khiến các ngân hàng gặp khó khăn. Bởi vì các nhà đầu tư bất động sản và cả những người mua bất động sản đều vay vốn, phụ thuộc vào ngân hàng, làm tăng rủi ro cho ngân hàng. Do đó ngân hàng cần có một quy trình phân tích kỹ lưỡng các lĩnh vực và phải giải cứu bất động sản ở những mặt nào để tạo điều kiện tiêu thụ bất động sản trong khả năng cho phép.
Nhìn thẳng thực tế, tình trạng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn nhiều so với số thành lập trong cùng thời điểm cho thấy những khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp là rất lớn.
Dù những khó khăn lớn được đánh giá là nền kinh tế thế giới đang giảm tốc tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng giải pháp khắc phục cần phải đi từ chính chúng ta.
Đã có rất nhiều giải pháp được ban hành, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và sớm triển khai các giải pháp đó. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực thi hiệu quả.
Trong bối cảnh xuất hiện nhiều khó khăn mới, Chính phủ cần xem xét tiếp tục điều chỉnh hoặc bổ sung thêm giải pháp hỗ trợ đã có như kéo dài chính sách hỗ trợ tài khóa thông qua miễn, giảm, giãn một số loại thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất… Những giải pháp được thực hiện phải bám sát khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để bảo đảm đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, những giải pháp này cần độ trễ để đi vào thực tế, hơn nữa các giải pháp có lẽ chưa đủ để lấy lại đà phục hồi chung cho nền kinh tế.
Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách cần có nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối với các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng; mở rộng tìm kiếm thị trường mới…
(Nguồn: thesaigontimes.vn)
Link gốc: https://thesaigontimes.vn/kho-khan-bua-vay-doanh-nghiep-lien-tuc-thoai-lui-khoi-thi-truong/