Thứ bảy, 08/10/2022, 15:00
Khi nào hết cảnh có tiền không mua được ô tô?
Nhiều mẫu xe vẫn đang khan hàng do thiếu chip bán dẫn. Một số ý kiến đề xuất có chính sách thu hút đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Nhiều mẫu xe hiện nay vẫn đang trong tình trạng khan hàng do thiếu chip bán dẫn. Một số ý kiến đề xuất cần xem xét thu hút nhà cung cấp chip bán dẫn đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Mua ô tô muốn nhận ngay không dễ
Toyota Land Cruiser là mẫu xe đang khan hàng nhất của Toyota tại Việt Nam.
Anh Phan Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) có đặt mua xe Suzuki Swift tại đại lý Suzuki ở Cầu Giấy (Hà Nội) từ tháng 8/2022. Ban đầu, đại lý hẹn lịch giao xe vào tháng 9 nhưng đến khoảng giữa tháng 9, đại lý thông tin do thiếu chip bán dẫn nên chưa có xe giao, lại hẹn đến đầu tháng 11.
Nhân viên đại lý Hyundai tại Hà Nội cho biết hiện tại, SantaFe và Tucson vẫn đang trong tình trạng khan hàng, chưa có xe giao ngay.
Tuy nhiên, tình trạng không còn quá khan như trước mà hiện nay, khách hàng đặt xe chỉ phải chờ khoảng 1 tháng là đã được nhận.
Một thương hiệu khác cũng tới từ Hàn Quốc là Kia cũng đang khan hàng đối với một số mẫu xe.
Theo đại diện một đại lý ở Hà Nội, Kia Sonet, Seltos và Carnival đang là những mẫu xe bị khan hàng. Nguyên nhân do thiếu chip bán dẫn nên dù xe có lắp xong nhưng vẫn phải nằm chờ ở nhà máy, chưa xuất xưởng được.
Giám đốc một đại lý Toyota cũng thông tin, một số mẫu xe đang khan hàng, thậm chí tăng giá như Toyota Land Cruiser hay Camry cũng do thiếu chip bán dẫn.
Thậm chí, Toyota Land Cruiser tăng giá mạnh từ khi ra mắt song vẫn không có xe, khách muốn mua phải chờ rất lâu.
Đáng chú ý, nhân viên một đại lý Ford tại Hà Nội thông tin, toàn bộ các sản phẩm của hãng hiện đều đang khan hàng, gồm có Ranger, Everest, Explorer và cả Transit. Thậm chí, đến mẫu xe thương mại Transit, khách mua hiện nay phải ký chờ từ 2 - 3 tháng mới có xe giao.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng khan hàng, tăng giá các loại xe nói chung và xe máy nói riêng trên thị trường xuất phát từ thiếu nguồn chip và chi phí đầu tư sản xuất tăng.
Trong khi đó, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nhận định, tình trạng thiếu chip sẽ còn kéo dài, chưa thể hết trong năm nay.
Đề xuất sản xuất chip ô tô tại Việt Nam
Một giảng viên Khoa Cơ khí ô tô, Đại học GTVT cho biết, các hãng xe không tự sản xuất ra chip, mà phải đặt mua hoàn toàn từ bên thứ ba, là các hãng chế tạo vi mạch khổng lồ như TSMC (Đài Loan) chiếm 73% thị phần toàn cầu, Intel (Mỹ) chiếm 10% thị phần, SMIC (Trung Quốc) chiếm 7%, Samsung (Hàn Quốc) chiếm 6%, các công ty Nhật và Singapore chiếm 2% thị phần.
Một đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có công ty nào sản xuất chip bán dẫn dùng cho ô tô, vẫn phải nhập khẩu, đặt hàng từ nước ngoài.
Chip bán dẫn là thành phần quan trọng trên ô tô hiện đại ngày nay. Trên mỗi ô tô sử dụng rất nhiều chip, rất khó có con số cụ thể, bởi xe càng hiện đại, nhiều công nghệ thì lại càng cần nhiều chip hơn.
Tình trạng thiếu chip cho ô tô hiện nay xuất phát từ việc các nhà sản xuất chip tập trung hơn vào việc sản xuất chip cho đồ điện tử. Thêm vào đó, do Nga hạn chế xuất khẩu các khí hiếm, quan trọng để sản xuất chip nên các nhà sản xuất sẽ cân đối ngành nào thị phần lớn hơn để làm”
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Đại học Bách khoa Hà Nội
Vừa qua, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VAMA cho biết, việc thiếu chip bán dẫn ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm ô tô bán ra trong nước, doanh số bán hàng và doanh thu của các hãng xe. VAMA kiến nghị Chính phủ xem xét những biện pháp chính sách thu hút nhà cung cấp chip bán dẫn đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ VAMA, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp FDI hôm 17/9, ông Daniel Ek Lim, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) cũng nêu một số vấn đề cấp thiết cần được xem xét để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp sản xuất chip là một gợi ý được nhấn mạnh.
“Các nhà phân tích dự đoán tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023”, ông Daniel Ek Lim nêu dự báo và cho rằng, Việt Nam nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip.
“Các chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến thị trường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới, mang lại lợi nhuận đầu tư và các lợi ích khác nhờ việc Việt Nam trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu”, vị lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore phân tích.
Nói về việc sản xuất chip, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Đại học Bác khoa Hà Nội cho biết, chip ô tô sẽ khác về tiêu chuẩn so với chip dùng cho ngành điện tử. Chip ô tô tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn cho công nghiệp, độ tin cậy và độ bền cao. Để sản xuất chip ô tô, việc kiểm tra các tiêu chuẩn dây chuyền sản xuất, độ bền sẽ khắt khe hơn.
FPT Semiconductor (thuộc Tập đoàn FPT) vừa chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip.
Doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.
(Nguồn: baogiaothong.vn)
Link gốc: https://xe.baogiaothong.vn/khi-nao-het-canh-co-tien-khong-mua-duoc-o-to-d568623.html