Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ tư, 18/10/2023, 10:00

Khi con đau ốm, phụ huynh mới thấy sự quan trọng của BHYT

Phần lớn các bậc phụ huynh phải đi làm ăn xa nên khi các con đau ốm, họ mới nhận thấy sự quan trọng của bảo hiểm y tế.
 

Theo Khoản 4 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, học sinh sinh viên là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (hỗ trợ từ 30% đến 100% mức đóng tùy thuộc nhóm đối tượng ưu tiên).

Tuy nhiên, tại nhiều trường học, dù giáo viên và nhà trường rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em tham gia bảo hiểm y tế, nhưng vẫn còn một số phụ huynh không ủng hộ.

Theo đó, với khoản tiền đóng bảo hiểm y tế khiến phụ huynh đắn đo vì kinh tế gia đình còn khó khăn, tuy nhiên khi con cái ốm đau phải đi viện, lúc đó họ mới hiểu tầm quan trọng của tấm thẻ bảo hiểm y tế.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Lựu (Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở xã Mường Than, Than Uyên, Lai Châu) cho hay, công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế đến học sinh và phụ huynh, thường được nhà trường thực hiện vào đầu năm học.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn không có khả năng để mua bảo hiểm y tế cho con em.

"Phần lớn các bậc phụ huynh phải đi làm ăn xa nên khi các con đau ốm, họ mới nhận thấy sự quan trọng của bảo hiểm y tế", cô Lựu chia sẻ.

Trường Trung học cơ sở Mường Than (Ảnh: Nhà trường).

Cô Lựu cho biết, có năm học, xảy ra trường hợp học sinh bị tai nạn phải điều trị chữa bệnh tốn kém nhưng không có bảo hiểm y tế, khi đó gia đình mới cuống cuồng để mua bảo hiểm y tế cho con.

Về điều kiện kinh tế, người dân địa phương đa phần là làm nông nghiệp hoặc đi làm ăn xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

"Nhiều hộ gia đình thu hoạch xong vụ mùa là đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập", cô Lựu chia sẻ.

Cô Lựu cho biết, tại địa phương có hai thôn bản điều kiện khó khăn, các em được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Ngoài công tác tuyên truyền từ phía nhà trường, bảo hiểm xã hội địa phương cũng đến trường, xã để tuyên truyền cho người dân được hiểu biết về các quyền lợi của bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

"Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cũng giúp các gia đình bớt được phần gánh nặng về kinh tế, mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho học sinh", cô Lựu chia sẻ.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, cô Trịnh Kim Thoa (Phó Hiệu trưởng trưởng trường Trung học phổ thông Đoàn Kết, Tân Lạc, Hoà Bình) cho hay, năm học 2023-2024 nhà trường có 575 học sinh. Trong đó học sinh dân tộc thiểu số có 509 học sinh - những em này thuộc đối tượng được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế 100%. Số còn lại là 66 học sinh dân tộc Kinh nhưng chỉ có 60% học sinh tham gia.

Phòng học tại trường Trung học phổ thông Đoàn Kết (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về tỷ lệ 40% học sinh không tham gia bảo hiểm y tế, cô Thoa cho hay, đời sống của người dân địa phương vẫn còn khó khăn nên phụ huynh thường hay đắn đo trong việc bỏ ra số tiền khoảng gần 700 nghìn đồng để đóng cho con. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp chưa gặp vấn đề nào về sức khoẻ nên họ có tư tưởng chủ quan.

"Nhà trường cũng vận động phụ huynh tham gia bảo hiểm y tế, ở nơi cư trú gia đình các em cũng được tuyên truyền vận động tham gia bảo hiểm rồi tuy nhiên số lượng tham gia không thể đạt 100%", cô Trịnh Kim Thoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Thầy Lò Quyết Tiến (giáo viên dạy Thể dục, trường Trung học cơ sở Suối Lư, Phì Nhừ, Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho hay, địa phương là khu vực III với phần đa là học sinh dân tộc thiểu số, nên các em hầu hết đều được nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách, trong đó có bảo hiểm y tế.

"Các em học sinh ở địa phương vào đầu năm học đều được phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế", thầy Tiến chia sẻ.

Nam giáo viên dạy thể dục chia sẻ thêm, đối với các giáo viên đều được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bản thân thầy cũng thỉnh thoảng đi khám chữa bệnh ốm vặt nhưng đường sá đi lại xa xôi, khó khăn nên nhiều khi thầy cũng ngại.

Cũng tương tự như khu vực của thầy Tiến, cô Lường Thị Săm (trường Mầm non xã Hồng Thu, Lai Châu) cho hay, nơi cô công tác giảng dạy thuộc vùng khó khăn, dân tộc thiểu số nên các cháu đa phần được hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế.

"Như ở lớp của tôi giảng dạy, 100% các cháu đều tham gia bảo hiểm y tế. Các gia đình đều nhận thức được có bảo hiểm y tế nếu không may bị bệnh, gánh nặng kinh tế sẽ được san sẻ phần nào. Các quyền lợi được đảm bảo khiến các gia đình chủ động hơn khi tham gia bảo hiểm y tế", cô Săm chia sẻ.

Vợ chồng chị Săm cũng có con đang học khối tiểu học, gia đình đều cho con tham gia bảo hiểm y tế, thỉnh thoảng khi con bị ốm vặt và khi đi khám chữa đều được bảo hiểm chi trả, đỡ một phần kinh tế cho gia đình.

(Nguồn: Giáo dục Việt Nam).

Link gốc: https://giaoduc.net.vn/khi-con-dau-om-phu-huynh-moi-thay-su-quan-trong-cua-bhyt-post238635.gd

Chia sẻ

Xem nhiều

Về miền đồng lác Vũng Liêm

Thương lái lúa gạo sẽ phải có 'giấy phép hành nghề'?

An Giang mùa trâm chín

Gà Mã Đà đẹp như chim, có nguy cơ tuyệt chủng

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829