Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Điểm đến

Thứ sáu, 28/04/2023, 14:30

Khám phá vẻ đẹp 'trơ gan cùng tuế nguyệt' của hang động Ajanta

Lưu vực sông Hằng thuộc vùng Đông Bắc Ấn - Cái nôi của nhiều tôn giáo quan trọng, đồng thời cũng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa lâu đời của người dân Ấn Độ; trong đó, đạo Phật chi phối từ lưu vực sông Hằng kéo dài đến phía nam cao nguyên Deccan.

Sau khi khái quát đôi nét về quá trình hình thành và phát triển cụm di tích khu chùa hang động Anjanta Caves. Tiếp tục hành trình, đoàn chúng tôi thong thả men theo những bậc đá tạc trên vách núi leo dần lên trên cao, khám phá những gian chùa hang đục sâu trong vách đá.

Ajanta Caves hàng ngày đón nhận lượng lớn du khách đến tham quan.

Trong số đó, khá đông các tín đồ Phật giáo cùng giới tăng lữ hành hương về miền đất Phật.

Men theo vách núi dựng đứng, chúng tôi trở về miền quá khứ qua câu chuyện của những khối đá đậm màu rêu phong.

Ajanta caves - Câu chuyện của đá

Nằm ẩn mình trong khu rừng rậm hoang vu, quần thể hang đá Ajanta bị lãng quên trong một thời gian dài; điều đó khiến nơi này được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Việc kiến tạo khởi nguồn từ TK II-TCN đến TK VII.

Gian chùa hang số 19, nơi được các chuyên gia đánh giá có mặt tiền trang trí đẹp và hoàn mỹ nhất.

Bên trong với hệ thống trần xây vòm cùng các thức cột, tượng phật chạm khắc tinh xảo.

Tôi đã phải lặng đứng hàng bao nhiêu phút trước mặt tiền những gian chùa, chỉ để nhìn ngắm và trầm trồ hết góc chạm khắc này đến pho tượng khác và quanh quẩn mãi câu hỏi: Với bàn tay, khối óc, vật dụng thô sơ, người xưa đã đục đẽo, chạm khắc như thế nào để tạo nên một tuyệt tác kì vĩ, trơ gan cùng tuế nguyệt đến thế.

Mãi chiêm ngưỡng những tuyệt tác của người xưa, tôi dần tụt lại khá xa và leo dần lên nơi cao nhất.

Nơi có thể nói là điểm cuối của cụm công trình; vẫn còn đó gian chùa dang dở với những hốc đá, pho tượng phật đục sâu trong vách núi, chỉ mới được tạo khối cơ bản.

Quần thể hang động Ajanta là di tích quý giá đại diện cho thời kỳ hoằng khai của đạo Phật. Nơi đây gồm những công trình đục sâu vào vách đá như các tăng viện, bảo tháp, khu bảo tồn và các khu phụ cận… Tuy nhiên, có một số hang đá vẫn còn dang dở chưa được hoàn tất.

Hang số 9, hang được cho là được kiến tạo sớm nhất trong giai đoạn xây dựng thời kì đầu TKII TCN.

Tổ hợp các ngôi chùa hang trải qua 2 thời kì xây dựng, kéo dài gần 800 năm

Giai đoạn đầu xây dựng từ TK II (TCN) đến TK I mang màu sắc của Phật giáo nguyên thủy. Xếp theo thứ tự thời gian của thời kỳ phát triển thứ nhất gồm các hang 10, 12, 8, 9, 13, 15A. Điển hình là hang động số 12 được đục đẽo, hoàn chỉnh trong thời kỳ này, gọi là Tăng viện.

Nghệ thuật điêu khắc trong các hang này khá đơn sơ và không có một biểu tượng nào tượng trưng cho Đức Phật hoặc trình bày giáo lý của Ngài.

Cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu; bên trong hang, nội thất đơn giản, chỉ có các bệ đá làm giường ngủ và thiền định.

Đây là nơi các thầy tu ngày xưa sinh hoạt và tu tập trong không gian chật hẹp, khổ hạnh theo chánh pháp Phật giáo nguyên thủy.

Giai đoạn sau từ TK V đến TK VI mang đậm sắc thái của Phật giáo mới. Hiện nay, một số hang vẫn còn dang dở chưa xong.

Khác với thời kỳ đầu, nhóm hang động thời sau, các pho tượng Phật hiện diện khắp nơi với hình ảnh Đấng thế tôn luôn là tâm điểm chi phối vạn vật xung quanh, được thể hiện vô cùng độc đáo qua các bức phù điêu chạm trổ tinh xảo.

Hình tượng của Đức Phật xuất hiện khắp nơi trong giai đoạn sau, gồm các pho tượng lớn và các loại điêu khắc chạm nổi trên tường, trên trần và trên các kèo cột.

Trung tâm gian thờ là tượng đức Phật trong tư thế thiền định, xung quanh còn có các bức bích họa sống động.

Cả một câu chuyện lịch sử về quá trình giác ngộ, tu luyện gian khổ của đức Phật được thể hiện qua hàng loạt các tác phẩm điêu khắc độc đáo.

Khẽ chạm nhẹ tay lên các bức phù điêu, pho tượng Thích Ca Mâu Ni nằm bên trong gian đền, có thể hình dung được cuộc đời đức Phật như một cuốn phim quay chậm.

Đặc biệt, bên trong các gian chùa hang này càng nổi bật hơn với tổ hợp các bức bích họa, tranh trần phối màu sống động, phản ánh sự hưng thịnh của đạo Phật và cuộc sống người dân thuở bấy giờ.

Đáng tiếc thời gian gần đây, do tác động của môi trường cùng nhiều nhân tố khác, những kiệt tác này đã xuống cấp trầm trọng và dần bị hủy hoại . Vệt thời gian đã xóa nhòa đi khá nhiều các gam màu xanh đỏ, lam chàm sặc sỡ của những bức bích họa tuyệt mỹ.

Không những kì vĩ bởi những công trình được tạc từ đá núi mà còn hoàn mỹ hơn với các bức tranh vẽ trên vách đá và trần hang.

Với mọi nỗ lực, chính phủ Ấn Độ cùng các nhà khoa học đã nghiên cứu phục dựng, tái tạo lại những bức tranh bích họa vô giá này. Đáng kể nhất là chương trình phục dựng của Tiến sĩ Marutirao PimPare; ông cùng đội ngũ của mình đã dành hơn 30 năm để vẽ lại các tác phẩm của tiền nhân.

(Nguồn: tcdulichtphcm.vn)

Link gốc: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/kham-pha-ve-dep-tro-gan-cung-tue-nguyet-cua-hang-dong-ajanta-c14a52233.html

 

Chia sẻ

Xem nhiều

Cây hoa giấy đẹp siêu thực mỗi năm đều hút khách ở Đà Lạt

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829