Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Điểm đến

Thứ hai, 24/07/2023, 18:00

Khám phá nghề 'Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời'

Hàng cây thốt nốt thẳng tắp, cao vút trời từ lâu đã là loài cây đặc trưng của vùng Bảy Núi An Giang. Không chỉ tô điểm màu xanh tươi mát, thốt nốt còn là loài cây kinh tế được khai thác trái để ăn, thân làm đồ mỹ nghệ…, mật hoa của cây còn là nguyên liệu nấu đường thốt nốt, đặc sản rất riêng của vùng đất này.

Cây thốt nốt được trồng nhiều tại vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Nơi đây là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống nên việc khai thác nước để nấu đường, hái trái bán làm nước giải khát giúp bà con có thêm thu nhập đáng kể.

Những người đàn ông to, khỏe sẽ phụ trách công việc khó khăn này. Ảnh: Thành Lâm.

Người dân nơi đây thường nói vui rằng đây là nghề “Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời” mọi công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất gian nan và cực khổ. Để lấy được nước thốt nốt, người ta sử dụng can nhựa buộc phía dưới nhụy hoa, dắt bên hông con dao sắt, leo lên những cây thốt nốt có bông sau đó khoét lỗ nhỏ để nước thốt nốt từ từ chảy vào can.

Thường thì những cây thốt nốt này được trồng từ 10-15 năm trở lên. Khi ấy, thân cây rất cao, hứng từng giọt mật đã khó, vận chuyển xuống còn khó hơn, do đó trên thân cây được gắn những cành tre để mọi người dễ dàng leo trèo.

Người khai thác nước thốt nốt thường sẽ phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị chai nhựa, thang leo cây,... các công cụ cần thiết để khai thác. Ảnh: Thành Lâm.

Thang trèo cây thốt nốt là loại tre già, chừa lại các mấu để làm bậc. Việc leo lấy nước thốt nốt đòi hỏi kinh nghiệm, dù nhiều người đã quen nghề, nhưng đôi lúc không tránh khỏi nguy hiểm…

Mùa khai thác và luyện đường thốt nốt kéo dài khoảng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch cho đến mùa mưa năm sau. Ngay từ sáng sớm, những người hái thốt nốt trèo lên những ngọn cây dùng dao chặt phần ngọn của bông thốt nốt. Sau đó dùng can nhựa hứng nước chảy ra. Căn thời gian cho nước tích đầy can nhựa rồi quay lại lấy mang về lò nấu luyện đường thốt nốt. Cây thốt nốt nào to khỏe thì cho ra chất lượng đường tốt.

Nước sau khi mang về có thể đóng chai, bỏ tủ lạnh uống trực tiếp. Vị thơm nồng, thanh thanh, có hậu ngọt là thức uống giải khát cho mùa hè. Ảnh: Thành Lâm.

Những giọt mật còn tươi nguyên, thơm lừng… Bất kỳ ai ngang qua tò mò, người dân đều sẵn sàng mời nếm thử. Ảnh: Thành Lâm.

Do không thể bảo quản qua ngày, khi vừa lấy được từ trên cây xuống, nước thốt nốt phải được nhanh chóng đem nấu để giữ lại hương vị ngon nhất. Sau khi mang đường thốt nốt về người ta sẽ lọc sạch gỗ sến, phấn hoa,…Nước này có thể đóng chai cho vào tủ lạnh uống, phần còn lại người ta cho vào nồi và bắt lên bếp nấu thành đường thốt nốt.

Nước được lọc qua lưới trực tiếp trên nồi lớn, nấu sôi và đảo liên tục 4 tiếng trước khi cô đặc thành đường. Ảnh: Thành Lâm.

Chứng kiến cảnh luyện đường thốt nốt mới thấy sự công phu của người dân ở đây. Toàn bộ các công đoạn đều được làm thủ công. Nước thốt nốt được cho vào nồi lớn để nấu. Trong quá trình nấu, phải dùng đũa lớn làm bằng tre khuấy đều liên tục trong nồi. Nước thốt nốt được nấu khoảng 4 tiếng đồng hồ. Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, nhắc ra khỏi lò, khuấy liên tục cho đến khi nguội dần lại thành màu vàng tươi đặc trưng của đường thốt nốt thì đóng vào hộp nhựa.

Lò nấu đường dậy mùi khói, phảng phất hương thơm ngọt ngào đặc trưng của trái thốt nốt không lẫn vào đâu được. Ảnh: Thành Lâm.

Theo người dân tại vùng Bảy Núi, khoảng 30 lít nước thốt nốt nấu cho ra  5 - 6 kg đường. Hiện giá đường thốt nốt bán giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, còn đối với những quán ven đường, nước thốt nốt và cơm thốt nốt được bán giá 15.000 đồng/ly, còn trái thốt nốt giá 5.000 - 6.000 đồng/trái.

Đường thốt nốt sau khi được chế biến.

Dọc hai bên đường ở Tri Tôn, có nhiều hàng quán bày bán các sản phẩm đặc sản của thốt nốt.

Vị ngọt thanh của thốt nốt và mùi thơm nồng đã làm nên đặc sản của vùng Bảy Núi nói riêng, An Giang nói chung. Đây sẽ là món quà không thể thiếu khi đến khám phá vùng đất Thất Sơn huyền bí này.

(Nguồn: tcdulichtphcm.vn)

Link gốc: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/kham-pha-nghe-an-com-duoi-dat-lam-viec-tren-troi-c17a57132.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Vườn quốc gia Cúc Phương lần đầu mở tour đêm

Những di tích lịch sử nhất định phải đến khi tới Điện Biên

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829