Đang tải ...
  
Kinh doanh

Thứ ba, 28/02/2023, 13:00

Khách tăng kỷ lục, vì sao hãng bay vẫn báo lỗ khủng?

Liên tiếp phá kỷ lục ở thị trường nội địa, các hãng bay Việt vẫn đối diện nhiều thách thức và khả năng cắt lỗ trong năm 2023 rất mong manh.

Năm 2022, Vietnam Airlines lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.

Vẫn ngập trong nợ, càng bay càng lỗ

Đây là nhận định của chuyên gia hàng không, TS. Lương Hoài Nam khi nói về “sức khoẻ” của các hãng hàng không Việt hiện nay.

“Anh Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines nói với tôi: Qua Covid-19, Vietravel Airlines như con chim bị vặt trụi lông.

Vietnam Airlines cũng đang thua lỗ liên tục, âm vốn chủ sở hữu, nhiều lần bị “dọa” hủy niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn HOSE. Bản thân tôi là cổ đông nhỏ của Pacific Airlines, chỉ có thể nói là “bi đát” lắm!”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, nếu 1 - 2 năm trước đây, hãng hàng không có thể nợ nhiều nhưng “không sợ” hoặc “chưa sợ lắm” vì lúc đó chủ cho thuê tàu bay không lấy máy bay về làm gì, chẳng ai thuê.

Nhưng giờ đã khác. Thị trường cho thuê tàu bay rất nóng, nhiều khu vực như châu Âu và Mỹ rất thiếu tàu bay.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, hãng bay vẫn đang rất khó khăn, “càng bay càng lỗ”.

Điển hình như Vietnam Airlines, theo báo cáo tài chính năm 2022, hãng đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải 51.464 tỷ.

Con số này lớn hơn cả 2 năm 2020 và 2021 cộng lại và tương đương 70% mức trước dịch. Thế nhưng, hãng vẫn lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết năm 2022, Vietnam Airlines lỗ hơn 34.000 tỷ đồng.

Tương tự, báo cáo tài chính công ty mẹ Vietjet cho thấy, hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm 2022, Vietjet đạt doanh thu khoảng 39.340 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần năm 2021.

Dù vậy, hãng vẫn lỗ gộp 2.166 tỷ do giá vốn cả năm khoảng 41.500 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2,8 lần năm trước đó.

“Kết thúc năm 2022, trong khi thị trường hàng không quốc nội tăng trưởng ấn tượng, sản lượng vượt năm đỉnh cao trước đại dịch (năm 2019) nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm”, ông Doanh lý giải thêm.

Thông tin này được Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân xác nhận. Theo ông Quân, dù Việt Nam đã mở cửa giao thương từ tháng 3/2022 nhưng thực sự không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng.

Nguyên nhân, các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở rất thận trọng như Trung Quốc, Nhật Bản.

“Doanh thu từ thị trường hàng không Trung Quốc vốn chiếm khoảng 30% nhưng thị trường này hiện nay vẫn đang gần như đóng băng”, ông Quân cho hay.

GS. TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế nhấn mạnh, thị trường hàng không trong năm qua có phục hồi nhưng không đồng đều.

Thị trường nội địa phục hồi nhưng thị trường quốc tế (theo thông thường chiếm 40% số khách nhưng chiếm 60% tổng doanh thu) không như kỳ vọng.

Khá bi quan với tương lai ngành hàng không, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành thông tin: Báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy, tốc độ phục hồi hàng không giữa các khu vực không đồng đều, riêng châu Á - Thái Bình Dương là chậm nhất so với các khu vực khác.

Dự kiến, lạc quan thị trường hàng không cuối 2024 mới phục hồi so với trước dịch (năm 2019).

Chuyên gia Lương Hoài Nam cho rằng Hàng không Việt Nam vẫn đang đứng trước khủng hoảng, không có màu hồng, có rất nhiều rủi ro, cần nghiêm túc tìm hướng tháo gỡ.

Cần “bệ đỡ” chính sách

Khẳng định khả năng cắt lỗ của các doanh nghiệp hàng không trong năm 2023 còn mong manh, TS. Cấn Văn Lực (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV) cho rằng, rất cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tài chính hết sức khó khăn của các doanh nghiệp hàng không cộng với những rủi ro bất định (dịch bệnh, địa chính trị, du lịch quốc tế phục hồi chậm, giá nhiên liệu, lãi suất còn cao…).

Hiện nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023 (giữ mức thuế 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay, giảm so với mức 4.000 đồng/lít và 3.000 đồng/lít thông thường).

Tuy nhiên, việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước; giãn,hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không…như năm 2022 là cần thiết. Chính phủ có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, chia sẻ khó khăn để doanh nghiệp vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu…

Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Doãn Nề bổ sung thêm: Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp các ngành này thu hút thêm khách quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế đầu tư phát triển kinh tế nói chung, phát triển ngành hàng không Việt Nam nói riêng.

Trước mắt, cần hoàn thiện các thủ tục cấp, điều kiện và đối tượng miễn visa, các quy định về cư trú, kiểm soát dịch bệnh để thu hút khách du lịch quốc tế (đặc biệt là với những thị trường tiềm năng cho ngành du lịch Việt Nam) mạnh mẽ hơn, giúp các chuyến bay quốc tế của hàng không Việt Nam nhanh chóng phục hồi.

Hết sức mong ngóng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, ông Trịnh Ngọc Thành mong muốn Chính phủ cần xem xét, công bố sớm các chính sách hỗ trợ, có vậy các hãng hàng không mới chủ động được kế hoạch.

Theo báo cáo Cục Hàng không VN, năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách. Con số này tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 69,6% so năm 2019.

Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách (tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019) và vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (tăng 22 lần so năm 2021 song vẫn chỉ bằng 27% so năm 2019).

Đối với thị trường quốc tế, cơ quan chức năng đã chủ động và tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các hãng hàng không tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục các đường bay quốc tế.

Tuy nhiên, tốc độ hồi phục diễn ra chậm, mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.

(Nguồn: baogiaothong.vn)

Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/khach-tang-ky-luc-vi-sao-hang-bay-van-bao-lo-khung-d583084.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Giao dịch trái phiếu đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng gần 50%

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829