Thứ sáu, 18/03/2022, 06:00
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran đối diện nhiều thách thức
Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới “lên cơn sốt”, Iran đặt mục tiêu tăng công suất lọc dầu và chế biến khí ngưng tụ từ 2,2 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025-2026. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ là thách thức không nhỏ đối với kế hoạch đầy tham vọng của Tehran.
Nhà máy lọc dầu Abadan của Iran - Ảnh REUTERS.
Giám đốc điều hành Công ty Xây dựng và Kỹ thuật dầu mỏ quốc gia Iran (NIOEC), ông Farhad Ahmadi cho biết, Iran sẽ phân bổ nguồn kinh phí gần 18 tỷ USD để phát triển các dự án lọc dầu chủ chốt trong vài năm tới.
Là quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ ở Trung Ðông, Iran có trữ lượng dầu thô được kiểm chứng lớn thứ tư thế giới, sau Venezuela, Saudi Arabia và Canada với 155,6 tỷ thùng. Iran hiện rất chú trọng đến việc cải thiện hoạt động sản xuất dầu khí và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm tăng sản lượng dầu thô lên 3,95 triệu thùng/ngày, từ mức gần 2,4 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2021.
Việc triển khai một số dự án lớn trong lĩnh vực lọc dầu đã được đưa vào chương trình nghị sự của Chính phủ Iran. Nguồn vốn gần 18 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các dự án lọc dầu mới cũng như một số dự án đường ống để vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ.
Theo kế hoạch, Iran sẽ đầu tư 11,5 tỷ USD cho dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Shahid Ghasem Soleimani với công suất 300.000 thùng/ngày.
Quốc gia Trung Ðông cũng sẽ rót nguồn vốn ban đầu lên tới 4,5 tỷ USD cho dự án nhà máy lọc dầu Khuzestan và thực hiện giai đoạn hai dự án phát triển nhà máy lọc dầu Abadan với vốn đầu tư 1,85 tỷ USD.
Dự án lọc dầu Shahid Ghasem Soleimani đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp trong nước và tạo việc làm trong lĩnh vực lọc dầu của Iran.
Nước này dự kiến sẽ sử dụng tối đa năng lực của các nhà thầu trong nước. Theo ông Ahmadi, chín dự án lọc dầu của NIOEC đang được triển khai và dự kiến sẽ được hoàn thành trong sáu tháng tới. Hầu hết số dự án này đều có sự tham gia của các nhà thầu và nhà cung cấp thiết bị trong nước.
Tuy nhiên, tham vọng phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran đối mặt không ít thách thức khi quốc gia Trung Ðông này chịu ảnh hưởng nặng nề của các lệnh trừng phạt mà Mỹ đơn phương áp đặt đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Trong nỗ lực nhằm bảo vệ lợi ích của Iran theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc nhóm P5+1 và khẳng định khả năng đẩy mạnh công suất khai thác của quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết, công suất dầu mỏ của Iran có thể đạt mức tối đa chỉ khoảng hai tháng sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Hồi tháng 2 vừa qua, ông Javad Owji cho biết, thị trường dầu mỏ toàn cầu cần có nguồn cung dầu thô của Iran để đáp ứng nhu cầu hiện nay và duy trì sự cân bằng cung-cầu. Ông Javad Owji đề nghị các nước tiêu thụ dầu trên thế giới dỡ bỏ nhanh chóng các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran nếu không hài lòng với giá dầu và các mức cung hiện nay.
Cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã diễn ra 10 tháng qua tại Vienna (Áo) và các nhà ngoại giao tin rằng đàm phán đang ở giai đoạn kết thúc.
Tuy nhiên, giữa các bên cần có những nhượng bộ cần thiết mới có thể tháo gỡ được những bế tắc liên quan bất đồng giữa Mỹ và Iran. Iran chỉ có thể khai thác hết tiềm năng dầu mỏ và dầu mỏ của Iran có thể góp phần hạ nhiệt cơn khát nguồn cung dầu thô nếu các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn.
(Nguồn: baovinhlong.com.vn)