Đang tải ...
  
Kinh doanh Tài chính

Thứ hai, 12/09/2022, 12:00

Huy động vốn đa cấp: Lãi suất giăng bẫy, hợp đồng bịt miệng nhà đầu tư

Thông qua chiêu bài “hợp đồng hợp tác kinh doanh”, rất nhiều doanh nghiệp đang huy động vốn theo mô hình Ponzi, lôi kéo được hàng ngàn nhà đầu tư tham gia và tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ rất cao.

Nở rộ huy động vốn đa cấp, ponzi

Ngay sau khi Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam bị UBND tỉnh Hòa Bình ra văn bản cảnh báo người dân về hoạt động huy động vốn có dấu hiệu bất thường, mới đây, Fintech Land đã ra văn bản đe dọa rằng, thành viên, nhà đầu tư nào lập nhóm mời nhà đầu tư, khách hàng của Công ty và truyền tải thông tin tiêu cực, thì cả gia đình cá nhân đó sẽ bị liên lụy, chịu hậu quả khó lường; nhà đầu tư, khách hàng nào làm đơn kiện tụng Công ty, lôi kéo người tham gia kiện tụng, thì sẽ phải trả giá đắt…

Được biết, Fintech Land có cách thức huy động vốn tương tự Công ty Nhật Nam. Cụ thể, Fintech Land có chương trình hợp tác đầu tư và phân chia lợi nhuận với lãi suất lên tới 226,8%/24 tháng, còn Công ty Nhật Nam có chương trình hợp tác kinh doanh với lợi nhuận phân chia 168%/24 tháng.

Anh L.S tham gia gói đầu tư của Công ty Nhật Nam đã 16 tháng, nhưng chưa thu hồi được tiền gốc, mấy tháng gần đây Công ty có dấu hiệu chậm trả tiền. Theo anh S., rất nhiều nhà đầu tư muốn lên tiếng tố cáo công ty này, nhưng “há miệng mắc quai” bởi các điều khoản bất lợi trong hợp đồng.

“Tôi rất mệt mỏi, luôn thấp thỏm không yên sau khi góp vốn đầu tư vào Công ty. Mặc dù hợp đồng quy định lợi nhuận được trả theo tháng, song cũng có điều khoản cho phép Công ty được điều chỉnh lợi nhuận, phương thức thanh toán, hình thức thanh toán, thời hạn hợp đồng…, nên nhà đầu tư không thể khởi kiện”, anh S. cho biết.

Mặc dù không bị đe dọa như nhà đầu tư của Fintech Land, song nhiều nhà đầu tư của Công ty Nhật Nam vẫn không dám lên tiếng vì trong hợp đồng có điều khoản không được công khai hợp đồng, không được nói xấu Công ty, nếu không sẽ bị chấm dứt hợp đồng và Công ty không hoàn trả lại khoản đầu tư. Điều anh S. lo ngại nhất là trong hợp đồng có điều khoản cho phép Công ty được phá sản, mà không kèm theo quyền lợi nào về hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Theo Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), hành vi huy động vốn qua “hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty Nhật Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Mục đích sử dụng vốn huy động có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình Ponzi (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một lúc nào đó sẽ mất khả năng chi trả.

Không chỉ Công ty Nhật Nam, Fintech Land, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang huy động vốn qua hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh với chiêu bài tương tự, như Bank Land, MeeyLand, Tiến Phát, Thái Tuấn, Greenland, Smartland, Alibaba… Trong đó, siêu lừa Nguyễn Thái Luyện trong vụ đại án Alibaba lừa 4.300 người sắp bị đưa ra xét xử.

Pháp lý lỏng lẻo, nhà đầu tư dễ sập bẫy

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI cho rằng, theo quy định, hợp tác đầu tư, dù lãi suất có cao đến đâu, đều không phạm luật. Song không có dự án thực nào mà lợi nhuận tới 40-80%/năm. Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo chế ngự lòng tham nếu không muốn mất trắng.

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco cũng khẳng định, huy động vốn cho đầu tư và kinh doanh là hoạt động thường xuyên và bình thường của doanh nghiệp, được pháp luật công nhận và bảo hộ.

Trong một số lĩnh vực, hoạt động huy động vốn được quy định rất rõ ràng. Cụ thể, hoạt động huy động vốn cho các dự án nhà ở thương mại phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật về kinh doanh bất động sản và nhà ở. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng phải tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Với hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam, các luật sư cho rằng, dù định hướng tâm lý cho nhà đầu tư là đầu tư vào các dự án kinh doanh bất động sản, nhưng hợp đồng hầu như né tránh việc đề cập trực tiếp tới mục đích sử dụng vốn vào các dự án bất động sản, mà chỉ thể hiện một cách sơ sài là phục vụ “đầu tư và các dự án mà bên A đang hoặc sẽ là chủ đầu tư hoặc liên doanh, liên kết đầu tư với đối tác khác …”.

Đặc biệt, hợp đồng cũng thiết kế khéo léo giúp Công ty Nhật Nam có thể “bẻ lái” khoản tiền lãi phải trả cho nhà đầu tư, đồng thời tước hết quyền hạn của nhà đầu tư trong giám sát việc chi tiêu, sử dụng vốn của doanh nghiệp. Theo hợp đồng, nếu Công ty thua lỗ, thậm chí phá sản, khách hàng cũng khó có khả năng đòi lại tiền (cả gốc và lãi), bởi mục đích góp vốn là đầu tư kiểu “lời ăn lỗ chịu”.

“Nếu Công ty Nhật Nam phá sản do kết quả kinh doanh kém, hoặc do người quản lý doanh nghiệp kém trình độ, thì nhà đầu tư bị mất trắng số tiền đã góp, trừ khi chứng minh được là có yếu tố cố ý làm trái quy định của pháp luật của người quản lý trong quá trình sử dụng vốn”, ông Hà Huy Phong cảnh báo.

"Hiện nay, khung pháp lý với hình thức hợp tác kinh doanh hoặc hợp tác đầu tư khá lỏng lẻo và thông thoáng đến độ thiếu tin cậy, nên đã trở thành kẽ hở cho nhiều doanh nghiệp tận dụng để đưa ra các chiêu trò và cạm bẫy nhằm chiếm dụng vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí cho mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco.

(Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn).

link gốc: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/huy-dong-von-da-cap-lai-suat-giang-bay-hop-dong-bit-mieng-nha-dau-tu-post305496.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nhiều người mất tiền triệu phí nhắn tin ngân hàng

Từ 2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829