Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trời nắng nhẹ là thời điểm ghềnh đá Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đổi màu rêu xanh rì. Nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ của một làng chài biển lâu đời dưới chân đèo Hải Vân.
Đường đến bãi rêu tại rạn Nam Ô tương đối dễ tìm. Từ trung tâm thành phố, du khách di chuyển về phía Bắc khoảng chừng 20km theo đường Nguyễn Tất Thành hoặc trục đường Điện Biên Phủ - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng. Đến cầu Nam Ô cũ (thuộc đường Nguyễn Lương Bằng), du khách rẽ phải, băng qua đường ngang thuộc hệ thống ga Kim Liên và đi thẳng khoảng chừng 500m sẽ đến được rạn Nam Ô.
Với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và gắn liền với những dấu tích văn hóa - lịch sử, khu vực ghềnh đá Nam Ô được quy hoạch để xây dựng đề án du lịch cộng đồng Nam Ô.
Những tảng đá phủ rêu nằm ẩn hiện giữa dòng nước
Ghềnh đá Nam Ô nổi tiếng bởi những tảng đá nhiều hình thù, nằm trải dài dọc bờ biển và được rêu xanh bao phủ khi vào mùa.
Mùa rêu ở ghềnh đá Nam Ô đẹp nhất vào cuối tháng Chạp Âm lịch đến sau Tết Nguyên đán. Đây là lúc rêu mọc nhiều, xanh rì và dày đặc trên các phiến đá.
Những sợi rêu xanh mướt và khá mịn phủ xanh một không gian bờ biển.
Nước rút, bãi rêu cạn, du khách có thể thoải mái check-in tại ghềnh đá Nam Ô.
Biển, đất và trời Nam Ô gắn liền với đời sống lao động, văn hóa... lâu đời của người dân địa phương, đặc biệt là nghề đi biển và làm mắm.
Người dân làng biển gỡ lưới cá bên ghềnh đá Nam Ô.
Vẻ đẹp hoang sơ, yên tĩnh của ghềnh đá Nam Ô thu hút những người yêu chụp ảnh tìm đến sáng tác.
Theo kinh nghiệm của những người đi "săn rêu" - những nhiếp ảnh gia chuyên chụp rêu xanh ở rạn Nam Ô, rêu đẹp nhất vào khoảng buổi sáng sớm. Khi ấy, thủy triều xuống, để lộ ra những mỏm đá xanh rì với những mảng rêu phủ dày đặc, tạo thành bức tranh màu xanh "mát mắt" dưới vùng trời Nam Ô. Nếu đặt chân đến đây vào buổi chiều, khi những tảng rêu đã bị nước triều dâng bao phủ, du khách cũng có thể thả mình trong làn nước mát lành.
(Nguồn: Đà Nẵng ngày nay)