Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Điểm đến

Thứ hai, 05/09/2022, 10:30

Gỏi sầu đâu trứ danh xứ lụa Tân Châu

An Giang - Món ăn ấy có xuất xứ ở xã Châu Phong, TX. Tân Châu đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập trong "Top 100" món ăn đặc sản của Việt Nam (lần V, 2021-2022) vào cuối tháng 8 vừa qua.

Sầu đâu là loại cây thân cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm.

Bà Nguyễn Thị Hằng (60 tuổi) có mấy gốc sầu đâu cổ thụ thế này, mọc xum xuê phía sau vườn nhà. Bà áng chừng, gốc cây 1 người ôm không hết này có tuổi đời còn lớn hơn cả mình, bởi từ lúc bà còn nhỏ, đã thấy cây phát triển tươi tốt.

Vỏ thân cây in hằn dấu vết thời gian, gắn bó với cuộc đời bà. Lúc nhỏ, bà cùng bạn bè ra chơi đùa xung quanh cây. Lớn lên một chút, thì bà biết hái lá đem ra chợ bán. Kể từ đó, sầu đâu mang lại nguồn thu nhập đều đặn cho cả nhà.

Hàng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Người dân thường hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và bán. Qua nhiều khâu trung gian, sầu đâu đến tay người tiêu dùng với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg. Vào lúc cao điểm hút hàng, lá sầu đâu có giá 80.000 đồng/kg; lá sầu đâu có kèm bông giá 150.000 đồng/kg.

Ít ai đủ can đảm ăn sống, nên sầu đâu chỉ có thể chế biến thành 1 món duy nhất: Gỏi sầu đâu. Trước khi làm gỏi, lá sầu đâu được trụng qua nước sôi (ngon nhất là trụng với nước cơm sôi, được nấu bằng củi) cho bớt vị đắng. Cùng với đó là các nguyên liệu cần thiết, tùy theo khẩu vị từng người, mà phối hợp vào món gỏi.

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, gỏi sầu đâu rất dễ làm, nhanh chóng. Tuốt lá sầu đâu đã trụng. Thịt ba rọi luộc, xắt mỏng. Khô sặc rằn, cá lóc… nướng (hoặc chiên), xé nhỏ. Dưa leo và xoài xanh bằm sợi, thích màu sắc thì cho thêm cà chua. Trộn đều tất cả với nước mắm ớt chua, ngọt. Cầu kỳ hơn thì bổ sung một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã giập... Điểm nhấn của món ăn là chén nước mắm me được làm kẹo kẹo, ngọt ngọt, chua chua. Chấm một miếng gỏi vào, nghe đủ loại giác quan được đánh thức!

Hồi trước, dịp lễ Tết, người dân “cử” ăn sầu đâu, vì sợ vướng vào chữ “sầu”, mất lộc cả năm. Nhưng dần dần, sầu đâu thành đặc sản ít nơi nào có được. Muốn ăn, chỉ có thể tìm về xứ Châu Phong (chứ các vùng lân cận, dù vẫn thuộc TX. Tân Châu, nhưng mọi người đánh giá sầu đâu không ngon bằng). Người An Giang xa quê tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết tìm về ăn món gỏi sầu đâu, mua để dành ăn, hoặc mang đặc sản biếu người xứ khác. Sầu đâu đắng, mà sao ngọt vị quê hương!

(Nguồn: baoangiang.com.vn)

Link gốc: https://baoangiang.com.vn/goi-sau-dau-tru-danh-xu-lua-tan-chau-a341919.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Hang động Lascaux tại Pháp - nơi lưu giữ thông điệp của người tiền sử

Sẽ không miễn vé tham quan di tích Huế 3 ngày Tết Nguyên đán

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829